Quảng Nam thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác
Dù kinh tế hợp tác của Quảng Nam có bước chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải tập trung giải quyết để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh và bền vững.
Chuyển biến tích cực
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn Quảng Nam có 613 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 407 HTX nông nghiệp, 35 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 20 HTX giao thông vận tải và 150 HTX hoạt động trong các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, y tế, du lịch, quản lý chợ, xây dựng, môi trường.
Ngày 22/7/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 30 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ HTX khởi nghiệp.
Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí gần 22 tỷ đồng hỗ trợ 50 HTX đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất. Cùng với đó, nguồn vốn sự nghiệp cũng phân bổ gần 30,7 tỷ đồng để hỗ trợ các HTX thành lập mới, củng cố tổ chức HTX, đào tạo cán bộ…
Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam đánh giá, các HTX trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau.
Về cơ bản, các HTX đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hộ gia đình, từng bước khắc phục một số mặt yếu kém của kinh tế hộ; hỗ trợ thành viên liên kết trong sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là giống lúa.
Mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường.
Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và hộ gia đình, hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất tăng thu nhập; góp phần xây dựng xã nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chương trình OCOP…
Thúc đẩy phát triển
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhìn nhận, lĩnh vực kinh tế hợp tác của Quảng Nam còn nhiều tồn tại. Theo đó, quy mô phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng sản xuất hàng hóa không đủ lớn; cơ sở vật chất phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; thiếu vốn đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh; năng lực quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo HTX còn hạn chế; số HTX tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh còn ít so với yêu cầu thực tế.
Đáng chú ý, nhiều HTX còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên nên hiệu quả hoạt động của các HTX chưa cao. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp còn hạn chế…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói, thời gian tới các cấp, ngành cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế hợp tác phát triển nhanh và bền vững.
Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước. Đồng thời tập trung rà soát, điều chỉnh và ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX sát với tình hình thực tế.
Đặc biệt, khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng hiện đại, bền vững.
Ngành liên quan và chính quyền các cấp cần nỗ lực thực hiện tốt công tác hỗ trợ các HTX về thủ tục, hồ sơ để tiếp cận nhanh nhất các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh trên các lĩnh vực về khoa học công nghệ, tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư.
Đồng chí Lê Văn Dũng lưu ý, cần đổi mới quản lý phương thức hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX; kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, đầu tư, xúc tiến thương mại cho các HTX; thực hiện biện pháp hỗ trợ HTX tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và chính sách hỗ trợ đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn trong HTX; tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác; hỗ trợ tư vấn cho các HTX đầu tư có chiều sâu để phát triển năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực kinh tế tập thể, HTX; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là nông sản…