Con nước linh đinh, bông súng trở mình
(VHQN) - Mùa này, theo con nước linh đinh (*), giữa lòng phù sa châu thổ miền Tây, là bông súng trở mình khoe sắc tím rợp tận chân trời.
Về miền Tây vào lưng chừng tháng 10, tôi gặp đúng mùa bông súng nở tràn khắp miệt từ Long An, Đồng Tháp đến tận An Giang. Những chuyến xe rong ruổi trên đoạn quốc lộ, xa xa bên đường hắt lên màu tím loang xa hút mắt nhìn, xen lẫn những đốm vàng khiêm tốn của mấy chùm điên điển nghiêng mình trong gió.
Hai lần tấp trạm dừng giữa hành trình, món mà cả đoàn người Sài Gòn háo hức gọi lên bàn ăn, luôn là bông súng mắm kho, đi kèm với món cá đặc trưng của miền Tây mùa nước nổi: cá linh non.
Tháng 10, mùa lũ tràn đồng, cá linh non cũng vừa vô mùa sinh trưởng. Hàng ngàn hàng vạn bầy cá linh non theo con nước từ Mê Kông rộng lớn đổ về khắp đồng bằng miền Tây Nam Bộ.
Cũng mùa này, súng tím, súng trắng, súng hồng cứ bươn bả theo con nước mà ngóc đầu lên đón ánh mặt trời. Qua khỏi địa phận Sài Gòn chưa bao xa, một trời bông súng tím ngát trên cánh đồng Mộc Hóa - Long An đã tràn vào mắt thị dân, gợi lên bao nỗi háo hức lạ lùng.
Mùa này, bông súng có lẽ là “hoa hậu” trên mảnh đất miền Tây phù sa châu thổ. Những bước chân rong ruổi miệt này, đi tới đâu cũng gặp “nàng hậu” mặt mày sáng rỡ, khoe nhan sắc đang độ kiêu sa nhất.
Bông súng xứ này đã thoát ra khỏi mấy ao nước nhỏ quanh nhà. Chúng tràn ra những cánh đồng rộng lớn, vừa là kế sinh nhai, vừa là nơi để địa phương kết hợp làm du lịch sinh thái.
Súng được trồng trong những cánh đồng. Thân mập mạp đẫy đà, non mướt như tơ, bông xòe lớn bằng cái tộ kho cá. Còn loại súng ma, tức súng mọc dại, súng trắng, tự nhiên mà lớn giữa những cánh đồng hoang, kênh, rạch, thân khẳng khiu dài có thể “hết cỡ” tới 6 mét. Bông súng ma chỉ nở rộ lúc đêm, héo tàn ngay gần sáng rồi chìm nghỉm trở xuống mặt nước. Trong những cánh đồng canh tác bông súng, khách du lịch thường chỉ được chiêm ngưỡng bông súng tím, súng hồng, chỉ lác đác súng trắng hiếm hoi xen kẽ.
Mùa này, những cô con gái, những chị phụ nữ tha hồ xúng xính áo dài, áo bà ba lụa là chân chất, chẳng ngại ngùng bước xuống xuồng ba lá chất đầy bông súng tím để làm một album ảnh.
Cái màu bông súng tím, hồng làm nền cho áo dài trắng mơ màng trong nắng sớm, khoảnh khắc nên thơ đó khiến người ta xao xuyến đến lạ lùng. Những chiếc lá tròn xoe mơn mởn xanh đang dập dềnh trên mặt nước kia, cũng là “bãi đáp” cực kỳ an toàn cho những cánh chuồn xanh đỏ.
Mùa này, các tay máy chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư luôn phủ phục ngay cánh đồng bông súng. Khoảnh khắc các chị, các mẹ rửa sạch bùn bám thân cây bông súng, giũ nước sạch sẽ trước khi bó buộc rồi xếp thành chồng lên xuồng, họ gọi đó là “vũ điệu của nước”. Những tia nước bắn tung tóe tạo hiệu ứng sắc màu cho bức ảnh vừa huyền diệu vừa mạnh mẽ.
Mùa bông súng đang trải dài khắp miền Tây, đẹp đến mức trở thành thương hiệu cho mùa du lịch của tháng 10, như một chỉ dấu đặc biệt trong mùa nước nổi.
Nhưng bông súng đẹp đến mức xuất sắc phải kể đến là vùng Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường của tỉnh Long An, không nơi nào sánh bằng. Tháng 10, mùa lũ tràn đồng, nếu người ta e ngại khi nhắc đến mùa lũ, thì người dân miền Tây lại hồ hởi đón mùa nước nổi. Bởi theo con nước từ sông mẹ minh mông (**) đổ về là bao nhiêu sản vật cá tôm.
Đó là một món quà của thiên nhiên mà người dân miệt đồng bằng này may mắn được nhận. Lê Quang Trạng - một cây bút trẻ của An Giang - từng ví nguồn sản vật này như một thứ “sữa sông” - một cách ví von rất gần gũi mà thiêng liêng vô cùng.
Giữa cái minh mông của bốn bề sông nước, màu bông quê kiểng khiến kẻ ở xa thắc thỏm chờ trông. Chờ, để tận tay rờ lên mặt bông mướt mát thơm lành; để được thò tay ngắt cọng bông súng, nghe cái âm thanh gãy gọn giòn giã của khúc bông súng vừa được bẻ khúc trên bàn ăn, bên ơ cá linh non kho lạt, bên tộ mắm kho thơm phức mùi đồng…
(*) Linh đinh: tiếng địa phương, nghĩa là “lênh đênh”
(**) Minh mông: mênh mông