Lao động - Việc làm

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài:Chuyển động ở miền núi

DIỄM LỆ 13/11/2024 14:42

(QNO) - Những năm gần đây, việc tuyển sinh, tuyển dụng, đào tạo để đưa lao động ra nước ngoài làm việc ở các huyện miền núi Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến. Lao động tự tin hơn, chịu khó học hỏi để ra nước ngoài làm việc, cải thiện điều kiện sống của gia đình từ nguồn thu nhập trong quá trình làm việc.

Thoát nghèo từ đi làm việc nước ngoài

Từ Nam Trà My tới Nam Giang, người lao động (LĐ) đồng bào dân tộc thiểu số đã quen với việc ra nước ngoài làm việc. Nếu ở Nam Trà My là đi qua Hàn Quốc với sự bảo lãnh của chính quyền cả hai nơi là Nam Trà My và quận HamYang (Hàn Quốc), thì Nam Giang sẽ là sự trợ sức từ xã, huyện, doanh nghiệp đưa LĐ sang Lào làm việc.

Chình quyền huyện Nam Giang hợp tác với Trường Cao đẳng THACO, tuyển sinh, tuyển dụng để đào tạo thời gian dưới 30 ngày tập trung tại trường, sau đó đưa sang làm việc tại các nông trường của THACO AGRI ở Lào. Ban đầu, LĐ ngại, sợ đi xa, nhưng nay thì LĐ hăng hái tham gia để cải thiện kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

20240801_112807.jpg
Lao động ở miền núi đi làm việc ở nước ngoài trở về có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình. Ảnh: D.L

Qua rà soát của huyện Nam Giang, các hộ gia đình có người đi làm việc ở Lào đã gửi tiền về gia đình để mua sắm vật dụng, có gia đình đã xây dựng nhà kiên cố.

Điển hình như gia đình bà Coor Kinh (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Công Tơ Rơ, xã La Dêê, Nam Giang) có chồng đi làm việc ở nông trường bên Lào. Ở nhà, bà Coor Kinh lo cho gia đình, kết nối Zalo thường xuyên liên lạc với chồng. Sau thời gian đi lao động tại Lào, công việc của chồng bà Coor Kinh đã dần ổn định, đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình tại địa phương. Bà Coor Kinh nói rằng bà đã yên tâm, thỉnh thoảng chồng có về nhà bằng xe công ty đưa đón.

ng4.jpg
Lao động của Nam Giang trước khi đi học nghề để sang Lào làm việc được tặng quà động viên. Ảnh: D.L

UBND huyện Nam Giang đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố thường xuyên bám sát các gia đình có người LĐ đang làm việc tại nước ngoài, trên cơ sở đó nắm bắt được những khó khăn để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên để bản thân người LĐ và người thân của họ yên tâm. LĐ có thu nhập góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững ở Nam Giang, mỗi gia đình có từ 1 -2 LĐ đi làm việc thì cuộc sống gia đình sẽ đổi khác. Đồng thời, người đi làm trước cũng là tấm gương để xã, huyện tuyên truyền cho người LĐ của huyện học theo, có gương người thực việc thực sẽ dễ tuyên truyền hơn trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ng6.jpg
Lao động xã Chơ Chun, huyện Nam Giang được tuyên truyền về chính sách đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: D.L

Huyện nghèo nỗ lực

Tại huyện Phước Sơn, phong trào đi làm việc ở nước ngoài chưa khởi sắc được như một số huyện miền núi khác. Thế nên, huyện đã xác định phải tạo động lực, khơi dậy tinh thần và ý thức trong mỗi người LĐ để họ nghĩ khác và hành động.

Tháng 7/2024, huyện Phước Sơn đã tổ chức hội nghị về công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, mời Sở LĐ-TB&XH tỉnh cùng với huyện tuyên truyền về chính sách này, mời các doanh nghiệp và lãnh đạo 12/12 xã, thị trấn, hội đoàn thể cấp huyện, xã dự hội nghị.

ps.jpg
Các xã, thị trấn của huyện Phước Sơn ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp về tuyên truyền chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: D.L

Theo UBND huyện Phước Sơn, từ năm 2021 đến nay, cả huyện có 20 LĐ đi làm việc theo hợp đồng ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Lào. Con số này quá khiêm tốn, chưa đủ sức tạo nên phong trào đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện.

Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện UBND huyện Phước Sơn cho biết: "Huyện phấn đấu hết năm 2024 địa phương đưa 50 LĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng mục tiêu này khó đạt được. Huyện đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác này. Huyện cũng sẽ tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách liên quan, thực hiện các chính sách hỗ trợ LĐ khi đi làm việc ở nước ngoài, kết nối hiệu quả với cơ quan chức năng, doanh nghiệp có chức năng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài... Muốn đẩy mạnh phong trào này thì huyện cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong đó bản thân mỗi người LĐ cần được tuyên truyền để hiểu rõ hơn về chính sách, mỗi hội đoàn thể, xã, thôn phải chuyển biến trong ý thức, giúp người LĐ tiếp cận với thông tin tốt hơn. Hy vọng năm 2025, chuyển biến trong phong trào đi làm việc ở nước ngoài ở Phước Sơn sẽ có những khởi sắc".

ng7.jpg
Nhiều hội nghị, điểm tư vấn về chính sách lao động, việc làm được đưa về tận cơ sở ở các huyện miền núi của tỉnh. Ảnh: D.L

DIỄM LỆ