Lao động - Việc làm

Doanh nghiệp đồng hành đưa lao động Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài

DIỄM LỆ 15/11/2024 14:37

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu lao động thiết thực đồng hành với người lao động, tạo cơ hội việc làm ở các thị trường uy tín, giúp người lao động có nguồn thu nhập ổn định.

20240717_085708(1).jpg
Doanh nghiệp tham gia tuyển sinh, tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết biên bản ghi nhớ với các xã, thị trấn của huyện Tiên Phước. Ảnh: D.L

Doanh nghiệp vào cuộc

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH thời gian qua đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, uy tín trong lĩnh vực đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lựa chọn Quảng Nam là địa bàn tiềm năng để triển khai thực hiện các chương trình, dự án; tổ chức tư vấn, tuyển chọn và đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện có 389 DN đưa người LĐ Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động và được UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp thực hiện.

Trong đó, nhiều DN đưa số lượng lớn người LĐ đi làm việc ở nước ngoài như Công ty TNHH Ê Su Hai, Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và xây dựng Hải Phong, Công ty CP Thương mại dịch vụ Minh Thanh, Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC, Công ty CP Thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế...

Giai đoạn 2022 - 2024 (đến ngày 26/10/2024), với sự phối hợp của Sở LĐ-TB&XH, các địa phương trong toàn tỉnh và DN, đã có 4.266 người LĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài (1.848 LĐ nữ). Các thị trường mà nhiều LĐ Quảng Nam tham gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Đài Loan, Ả Rập Xê Út, Nga...

Một số địa phương trong tỉnh có nhiều LĐ đi làm việc ở nước ngoài là Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Nam Giang. Các thị trường người LĐ đến làm việc đều đáp ứng được các tiêu chí như thu nhập ổn định, điều kiện làm việc được đảm bảo, người LĐ có tích lũy vốn sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước.

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để cùng với tỉnh thúc đẩy phong trào đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, các DN đã có nhiều cố gắng, không ngại khó, bám sát địa bàn tuyển sinh, tuyển dụng và đào tạo.

Ông Quý cho biết: “Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức vào năm 2022, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Các địa phương như Tiên Phước, Phú Ninh, Đại Lộc, Tam Kỳ, Quế Sơn, Đông Giang cùng với DN tổ chức sàn giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước ở các huyện Hiệp Đức, Thăng Bình, Nông Sơn, Nam Trà My. Qua đó đưa thông tin công khai, minh bạch để người LĐ tin tưởng đăng ký đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn”.

Thiết thực hỗ trợ người lao động

Công ty CP Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (SULECO) đóng chân tại Quảng Nam trong thời gian khá dài. Với thế mạnh đưa LĐ sang làm việc ở Nhật Bản, SULECO định hình lực lượng LĐ có thể tiếp cận được thị trường này ở khu vực đồng bằng là chủ yếu.

suleco3.jpg
Các doanh nghiệp về từng địa phương để tuyên truyền các chính sách dành cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: D.L

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Trưởng đại diện kinh doanh khu vực Văn phòng SULECO tại Quảng Nam, cho biết, SULECO nhận được sự hỗ trợ từ các địa phương trong công tác triển khai các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và truyền thông chính sách.

Việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan ban ngành địa phương, đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ xã, thôn đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn về chính sách này.

Văn phòng sẽ tiếp tục đồng hành với các huyện tổ chức tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho quân nhân sau khi xuất ngũ tìm kiếm và định hướng việc làm. Công ty cũng hướng tới xây dựng nhiều chính sách đặc biệt nhằm hỗ trợ về tài chính và tinh thần đối với người LĐ Quảng Nam trong thời gian tham gia chương trình tại SULECO.

Mới đây, tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức, nhiều DN đã đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cụ thể, nhiều ý kiến đã đề nghị một số địa phương cần vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn, thông tin về những DN uy tín để người dân yên tâm.

Hiện nay, nhiều LĐ trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn vốn để tham gia chương trình. Vì thế các DN đã đề nghị tỉnh cần xem xét hỗ trợ các hộ gia đình có con trong độ tuổi LĐ được tiếp cận đa dạng nguồn ngân sách từ Nhà nước để thúc đẩy quá trình xuất khẩu LĐ hiệu quả.

Cần thiết xây dựng mạng lưới hỗ trợ như thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn để người LĐ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau ở lĩnh vực này.

DIỄM LỆ