Quảng Nam gia tăng kiểm soát chi ngân sách nhà nước
(QNO) - Sáng 15/11, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Kho bạc Nhà nước (KBNN) Quảng Nam về công tác kiểm soát chi, kiểm soát thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thu hồi tạm ứng và các vấn đề liên quan, chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh khóa X thường lệ cuối năm 2024.
Theo KBNN Quảng Nam, năm 2024, các cấp thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn, nhiều tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, mở nhiều hội nghị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Tính đến hết ngày 10/11/2024, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh chỉ đạt 54,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hệ thống KBNN Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát, báo cáo, theo dõi chặt chẽ nợ tạm ứng vốn đầu tư, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hợp đồng kinh tế; chủ động báo cáo tình hình tạm ứng, đề xuất các giải pháp thu hồi số dư tạm ứng quá hạn...Nỗ lực kiểm soát chi đã giúp số dư tạm ứng vốn đầu tư quá hạn giảm, chỉ còn chiếm 4,6%/tổng số dư tạm ứng, nhất là có 6 KBNN huyện không phát sinh số dư nợ tạm ứng quá hạn (Hội An, Quế Sơn, Bắc Trà My, Đông Giang, Phước Sơn và Hiệp Đức).
Theo ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc KBNN Quảng Nam, việc kiểm soát chi vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Hiện nay vẫn còn phát sinh khoản tạm ứng chi thường xuyên từ năm 2020 trở về trước chưa được thu hồi, các dự án có số dư tạm ứng vốn đầu tư quá hạn kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp, còn không ít dự án không giải ngân được đồng nào, nhiều địa phương nhầm lẫn giữa nguồn vốn thường xuyên và nguồn vốn đầu tư để áp dụng đối tượng được phép kéo dài theo quy định. Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đã gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
KBNN Quảng Nam kiến nghị cấp thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, sớm có hướng dẫn các vướng mắc liên quan đến kiểm soát, thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Ngoài ra, KBNN Quảng Nam còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, cơ quan được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng tập trung hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, xác định giá trị tài sản và hạch toán kế toán, chủ động cung cấp số liệu kịp thời, đầy đủ cho KBNN các cấp. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, chủ đầu tư khẩn trương thu hồi dứt điểm nợ tạm ứng quá hạn. Có thể đưa nhiệm vụ kiểm tra tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư vào nội dung kiểm tra của Tổ công tác kiểm tra tình hình thực hiện, giải ngân và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước. KBNN Quảng Nam kiến nghị cơ quan tài chính các cấp tiếp tục tham mưu cấp thẩm quyền bố trí dự toán để thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng ngoài dự toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước...
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh khẳng định KBNN Quảng Nam đã nỗ lực kiểm soát chi ngân sách trên địa bàn khá chặt chẽ, đã phân tích rõ những tồn tại khó khăn trong quá trình điều hành, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là sự quyết liệt thu hồi nợ tạm ứng quá hạn, phối hợp các sở, ngành trong việc thực thi các kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Ban Kinh tế - ngân sách chia sẻ, thông cảm với KBNN Quảng Nam khi gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp với sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư kiểm soát chi ngân sách nhà nước.
Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh tiếp thu kiến nghị của KBNN, đồng thời yêu cầu tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, giúp Ban Kinh tế - ngân sách tham mưu kịp thời Thường trực HĐND tỉnh trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, Ban Kinh tế - ngân sách yêu cầu KBNN Quảng Nam đánh giá cụ thể nguyên nhân, đề xuất các phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện để đảm bảo thu hồi hết số nợ tạm ứng quá hạn trước ngày 15/11/2024. Tăng cường tối đa việc kiểm soát chi ngân sách nhà nước, nhất là chuyển nguồn hàng năm; kiến nghị bố trí nhân sự chuyên môn sâu quản lý ngân sách, tài chính và kiểm soát chi tại các sở, ngành, địa phương, hạn chế thấp nhất nợ tạm ứng kéo dài, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính ngày càng nghiêm túc, minh bạch...