Góc suy ngẫm

Lại nghe rì rầm trong bóng tre

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/11/2024 08:10

Không phải những ngôn từ giàu tính biểu tượng như “ngoại giao cây tre”, mà lâu rồi trong tâm hồn người Việt đã rợp bóng tre; bởi chúng ta đã sống gần gũi với tre từ nhà, ra làng, đến nước, tre vượt biên giới tới những nơi xa xôi. Vậy nên đọc mấy dòng tin tức về cây tre bỗng dưng lại bồi hồi…

Dòng tin thú vị này đến từ cuộc làm việc trong tuần qua giữa Công ty BAF ở Na Uy với UBND tỉnh Quảng Nam. Đó là một dự án trồng tre làm nguyên liệu phục vụ xây dựng nhà máy sản xuất ván ép xuất khẩu sang châu Âu và tín chỉ các bon.

Theo thông tin từ phía BAF, dự án sẽ nghiên cứu trồng tre tại các tỉnh miền Trung (trong đó có Quảng Nam), chú trọng triển khai ở các khu vực rừng nghèo, rừng có nguy cơ sạt lở, rừng phòng hộ và khu vực chuyển đổi cây lâm nghiệp không hiệu quả. Mục tiêu dự án nếu được chấp thuận là trồng mới 100 triệu cây vào năm 2025.

Là nước giàu (thứ hai châu Âu, thứ tư thế giới), Na Uy sớm ban hành luật cấm rừng và quan tâm chặt chẽ về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.Tìm hiểu thêm thì thấy ở họ không phải là xứ sở có cây tre nổi tiếng như Việt Nam nhưng qua cách mà BAF đề cập thấy công ty của Na Uy này nghiên cứu khá kỹ giá trị cây tre.

Bởi như bà Trine Emilia Kvale Larsen – Nhà sáng lập Dự án trồng tre (BAF) cho biết: “Hiện nay, tổng giá trị ngành tre toàn cầu là khoảng 60 tỷ USD, trong khi Việt Nam chiếm chưa đến 4%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển”.

Giá trị hữu dụng của cây tre với người Việt Nam không phải là điều gì xa lạ. Đọc lại bài tùy bút về cây tre của Thép Mới, bài thơ của Nguyễn Duy “tre xanh xanh tự bao giờ”, hay chìm đắm vào giấc mơ theo những câu ca ông bà xưa thường hát ru, là đủ để cảm nhận.

Vấn đề giờ đây là kinh tế xanh, là sản phẩm xuất khẩu, là loại cây trồng phù hợp để bảo vệ môi trường, chống sạt lở, bão lũ trong biến đổi khí hậu gay gắt, nên cần nhìn nhận lại giá trị cây tre ở thì hiện tại và tương lai.

Quảng Nam dự phần đem lại ngày mai tươi đẹp cho cây tre được không? Dư sức. Trong muôn nỗi cơ cực ngày xưa, tre đã bầu bạn với người Quảng, làm nên những làng nghề nổi tiếng.

Như người Cơ Tu ở miền cao đã sớm phát triển nghề đan lát mây tre, rồi ở hầu hết địa phương đồng bằng đều có người lấy tre làm sinh kế. Có làng nghề truyền thống tồn tại bền bỉ như nghề đan thúng rái, thúng chai nằm không xa biển Kỳ Hà.

Lại có sự ra đời và duy trì qua thời gian của những thương hiệu thủ công mỹ nghệ từ tre, nổi tiếng như mây tre Âu Cơ (Núi Thành). Thương hiệu này đã từng hiện diện ở nhiều nước Á, Âu, từng đạt tốp 50 “Thương hiệu tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương năm 2017” và được Mạng lưới kinh doanh Lâm sản toàn cầu (GFTN) tặng danh hiệu: Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao chuẩn quốc tế.

Tiềm năng kinh tế từ tre rất lớn, hiện 37 tỉnh có diện tích trên 10.000ha, và cả nước có 1,5 triệu ha trồng tre. Tre đang nuôi sống hơn 1 ngàn làng nghề, chiếm 24% số làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Với xu thế trào lưu kinh tế xanh, nếu nhanh chóng hóa giải các điểm yếu thì ngành mây tre đan không chỉ xâm nhập 59 thị trường ngoài nước như hiện tại mà có thể vươn xa hơn nữa. “Chiếc rổ” doanh số thị trường mây tre thế giới ước đạt khoảng 82 tỷ USD vào năm 2028, chỉ cần Việt Nam chiếm được 10% thị phần là ngon biết mấy.

Rì rầm trong bóng tre có mụt măng ước mơ lớn dậy.

Và không chỉ cựa quậy với kinh tế xanh, bao đồi núi sạt lở, đến bờ bãi Vu Gia, Thu Bồn còn cần đấy những rặng tre bảo vệ sự bình yên xóm làng. Như khi tôi chạy ngang về quê, lặng nhìn sông Vĩnh Điện, hai bờ tre hút mắt đẹp đến ngỡ ngàng…

NGUYỄN ĐIỆN NAM