Giữ mạch nguồn dân ca
Từ những năm 1980, tại thị xã Hội An bắt đầu thành lập các đội dân ca trong các HTX nông nghiệp, với mong muốn gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống. Từ đó, những nhân tố hát dân ca, hò khoan, bài chòi dần xuất hiện, làm nền tảng để phát triển các thế hệ diễn viên về sau.
Những người giữ lửa
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đáng (Lương Đáng) kể lại: “Hồi đó, sau khi đi bộ đội về tôi tham gia HTX Nông nghiệp Cẩm Hà, Hội An. Được một thời gian, khi thị xã vực lại bộ môn dân ca, tôi vào đội dân ca của HTX.
Chúng tôi bỏ công đi sưu tầm, ghi lại những bài dân ca, hát ru, hò khoan được lưu truyền ở các vị lớn tuổi, rồi về tập luyện với nhau. Tập luyện xong, ban ngày chúng tôi luân phiên đi “công diễn” trên các bờ ruộng của xã Cẩm Hà, để phục vụ bà con xã viên đang lao động trên đồng”.
Cô bé Trần Thị Thu Hương mê dân ca khi còn nhỏ. Ngày ấy, mỗi khi nghe nói có Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng về diễn ở sân Thị đội Hội An là cô tìm cách vào xem cho bằng được.
Không có tiền mua vé, ngay từ đầu giờ chiều, Thu Hương đã đến sớm, lẩn quẩn bên chân các cô chú diễn viên của đoàn để xem họ trang điểm, tập dợt và xem ké. Sự đam mê dân ca đã khiến Thu Hương xem rồi sau đó về nhà tụ tập bạn bè cùng trang lứa diễn lại những gì nhớ được.
Thu Hương bồi hồi kể: “Hồi nhỏ, mình mê dân ca đến nỗi tìm mọi cách đi coi cho được. May mắn là trời phú cho mình có được chất giọng dân ca, nên lúc 16 tuổi tham gia vào đội dân ca của Ban Văn hóa - Văn nghệ xã Cẩm Châu, Hội An qua các chương trình Hoa phượng đỏ, có năm mình đoạt giải A của thị xã.
Sau đó, mình được chị Ngọc Huệ dìu dắt thêm, tham gia diễn những vở dân ca kịch của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã. Năm 1991, mình được nhận vào làm việc tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Hội An.
Đáng nhớ, có lần đoàn Hội An tham gia Hội diễn nghệ thuật các Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, mình tham gia diễn vở “Đóa hồng của mẹ”. Đợt công diễn đó vở kịch đoạt giải A, đoàn Hội An nhận giải nhất toàn đoàn, còn mình lại được nhận bằng khen “Diễn viên có triển vọng” của Ban tổ chức. Sau đó, mình được theo học lớp trung cấp thanh nhạc tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật tại Đà Nẵng, tạo nền tảng để tiếp tục theo đuổi đam mê”.
Đầu tư bài bản
Từ những bước đi chập chững ban đầu, sang đến những năm 1990, mặt giới hữu trách tại Hội An từng bước đưa những nghệ nhân dân ca có năng khiếu và kinh nghiệm đi đào tạo chuyên môn.
Mặt khác, họ tổ chức nhiều mô hình phát triển dân ca như đưa dân ca vào trường học trong những tiết ngoại khóa. Hoặc trực tiếp dạy dân ca cho thiếu nhi tại các điểm dừng chân tại phố cổ, dưới sự hướng dẫn của các thành viên đã được đào tạo. Mô hình này được xem như sản phẩm du lịch độc đáo, được du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Đến nay, thế hệ thứ hai được đào luyện bộ môn hát dân ca tại Hội An đã đủ sức gánh vác các chương trình biểu diễn dân ca, bên cạnh thế hệ đi trước.
Có thể kể đến những cái tên được giới mộ điệu nghệ thuật truyền thống yêu thích như: Thu Ly, Thu Sang, Minh Nhanh, Văn Cường, Kim Anh, Phương Huyên, Minh Hương... Ngoài biểu diễn, thế hệ thứ hai bây giờ vẫn đang tiếp tục theo dạy các lớp dân ca dành cho thiếu niên nhằm tìm kiếm, đào tạo thêm một thế hệ mới yêu thích bộ môn nghệ thuật này.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH TP.Hội An cho biết, hiện nay đơn vị tiếp tục triển khai các chương trình về bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống, khuyến khích phát triển các sáng tác dân ca cải biên phù hợp.
“Trong các chương trình tiếng hát Hoa phượng đỏ hàng năm, chúng tôi cũng đưa dân ca trở thành một tiết mục tiêu chuẩn phải có trong phần dự thi của các đoàn. Đồng thời đang thử nghiệm quảng bá bài chòi trên nền tảng trực tuyến. Cũng như thường niên, vào tháng 12 sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thi “Hô hát bài chòi và hát dân ca” nhằm tìm kiếm thêm những gương mặt trẻ để góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống” - bà Cẩm nói.
Ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi
UBND TP.Hội An vừa ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2030.
Trong đó, thành phố sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên địa bàn; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng hát dân ca và hô hát bài chòi tại các địa phương; tổ chức các hội thi, liên hoan, hội diễn về hô hát bài chòi; quảng bá bài chòi qua ấn phẩm và nền tảng trực tuyến...
Hội An dành hơn 4,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ các câu lạc bộ duy trì hoạt động và mua sắm trang thiết bị khi đảm bảo các điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 08 ngày 23/1/2024 của HĐND tỉnh và từ nguồn ngân sách TP.Hội An thông qua Đề án xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo giai đoạn 2024 - 2027, định hướng đến năm 2030.
P.SƠN