Truyện ngắn

Phấn trắng, tóc trắng và triết lý xanh

NGUYỄN HIỆP 17/11/2024 08:15

Lửa. Ngọn lửa cháy bùng từ hết thảy buồn vui lướt qua những trang giấy kín chữ. Những con chữ bắt đầu lung linh nhảy múa.

Ông giáo già Ngọc An đưa tay tháo kính, gấp lại quyển sách của Nikos Kazantzaki[1], trong bụng thầm cảm ơn một chuyến viễn du tuyệt diệu vào những xứ sở đầy nắng ấm của tinh thần con người.

Phan trang toc trang va triet ly xanh K100
Minh họa: HIỂN TRÍ

Một quyển sách hay phải biết đọc nhín nhín, nghiền ngẫm từng ý tứ, để cho sự thích thú đủ thời gian ngấm sâu vào tâm hồn. Mà dừng lại thôi chứ mắt cũng mỏi rồi. Từ ngày về hưu ông giữ thói quen đọc sách hàng ngày, gì cũng được nhưng đừng để đầu óc trống rỗng. Ông thường dặn lòng như thế.

Tuy vậy cơn gió se se mỗi khi đông về dễ làm những người đứng tuổi chạnh lòng. Ông giáo An thường nghĩ đến hai tiếng thời gian và hay thở dài một mình. Cuộc sống của một ông giáo già độc thân thì ổn, lương hưu sáu triệu đủ chi phí ở mức tối thiểu, khám chữa bệnh vặt thì đã có bảo hiểm, chỉ là nỗi chạnh lòng của “người đưa đò” thấm thía cái câu “mấy ai quay trở lại”.

Chợt giữa những ngày đông ấy, giữa cái thời điểm những cơn gió và nỗi buồn phảng phất trong mắt ông thầy già, có một cậu học trò tóc cũng bạc trắng như thầy lọ dọ đến thăm.

Phút ngỡ ngàng trôi nhanh, trò nhắc, thầy nhớ, thầy xin lỗi đã không kịp nhớ hết các thế hệ học trò của mình, mắt thầy đã ánh lên, thầy trò ôm chầm lấy nhau cười tít mắt với nhau như bạn bè. Họ huyên thuyên trò chuyện như những người thân lâu ngày gặp lại, họ ngồi với nhau hàng giờ quên hết thời gian.

Tâm hồn ông thầy già bỗng nhiên phơi phới, con ngươi trong mắt lâu ngày mờ đục chợt hấp háy, cái lưng đau thắt kinh niên chợt thẳng thớm, nhẹ nhõm, có gì đó ấm áp bên trong, có gì đó như ngọn lửa hạnh phúc vừa được thắp sáng.

Ông nhớ lại những ngày xanh mà người học trò vừa nhắc lòng tự dưng xốn xang. Ngày ấy ông cũng còn trẻ khỏe lắm. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, ông và bạn bè mình như bầy bướm trắng tung cánh vào cuộc đời, bao nhiêu ước vọng ngỡ đã chạm tầm tay, ngỡ đã ôm được vào lòng.

Thế rồi cuộc sống thời bao cấp ấy như những gáo nước lạnh tạt mạnh cho tỉnh hồn từng người một. Ông còn nhớ như in ánh mắt ngại ngùng, ý tứ, có người hai má cứ đỏ rựng lên khi cô giáo phụ trách công đoàn phân bột ngọt ra 22 mảnh giấy đặt trên nền nhà cho 22 thầy cô giáo. Không ai dám lấy phần mình trước cả, người nọ đưa mắt đùn đẩy người kia, rốt cuộc việc không đáng gì lại mất cả buổi trời…

Thời ấy, ông cũng có một mối tình nồng cháy, người tình là một cô giáo cùng lý tưởng. Nhưng rồi đời sống khó khăn đến mức cả “hai đứa” đều không dám kết hôn.

Ông rưng rưng trách mình không kịp thời đưa ra quyết định cho cuộc đời mình, mà cũng tại cái câu “Không sợ nào bằng nỗi sợ sinh con” ám ảnh một thời. Sinh con thì lấy gì nuôi? Thời ấy, đó là câu hỏi nhức nhối. Sau, người ấy đổi đi nơi khác trong nước mắt ràn rụa và ông cũng thật tệ chỉ biết nén yêu thương vào lòng.

Đêm cuối tiễn biệt, ông ôm chặt người tình, trao nàng nụ hôn đắm đuối rồi giật mình buông tay ra trong ánh mắt thất vọng đến bàng hoàng của người con gái đang tuổi xuân thì rừng rực sức sống. Giờ đây mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc rất hèn đó trái tim ông trĩu nặng bao trách cứ chính mình.

Thầy khuyên nhủ bao nhiêu thế hệ học trò phải biết vượt qua nghịch cảnh nhưng chính mình lại không vượt qua nổi mối tình đẫm lệ đó cho đến tận giờ này… Ông thầy già Ngọc An chợt trở nên lúng túng trước mặt anh học trò khi để nổi niềm riêng kéo mình vào vùng cảm xúc không che giấu được. Thầy hắng giọng vừa giúp mình trở về thực tại vừa nhắc mình đang tiếp học trò cũ mà trong thâm tâm ông là sự trân quý rất mực.

Ngày xưa đẹp quá mà bây giờ cũng đẹp quá! Như Zorba là một lão già, nhưng tuổi già không hề khiến lão đánh mất niềm vui sống. Vừa nói xong ông đã nhận ra mình chưa thoát khỏi những trang sách.

Ông học trò cũng chợt nhớ lại bao nhiêu lời thầy dặn, chợt thấy nhẹ hều bao nhiêu hỉ nộ ái ố mà mới vài phút trước đây còn nặng trĩu trái tim, chợt tự thấy mình chẳng có gì đáng để bi quan vì đầu óc vừa nóng lên bao nhiêu kế hoạch, dự tính, vì thấy mình đã từng thậm vô lý, thấy mình so với thầy mới chỉ thiếu niên...

Hai mái đầu bạc đã thôi cúi xuống, đã thôi nghĩ về tuổi tác, họ cùng hiểu ra già hay trẻ còn tùy thuộc nhiều điều chứ không chỉ vấn đề qua mấy thu đông. Dù vậy anh học trò cũng để ý thấy trên mặt bàn trà tóc thầy rụng nhiều quá.

Thầy trò hỏi thăm nhau: “Dạo này ăn mấy chén cơm?”, cuộc trò chuyện bắt đầu bằng mấy tiếng “hồi nẫm”, “hồi đó”, “hồi xưa” và cùng huyên thuyên nhắc những chuyện tưởng đã nhắc không biết bao nhiêu lần. Nào “Hồi đó thầy có nhớ đã có lần nhéo tai em không?”, “Hồi xưa có lần em bị oan, thầy bắt chép bản kiểm điểm mà nước mắt em cứ đầm đìa hai má...”, “Ngày xưa...”.

Phải, ngày xưa đó, ba bốn mươi năm rồi còn gì, không biết bao nhiêu kỷ niệm làm sao nhắc cho hết, làm sao nhớ một lần cho trọn vẹn ngày xưa?!

Câu chuyện ông học trò khi đầu đã bạc chợt siêng sắng thăm thầy giáo cũ là tôi. Câu chuyện ông thầy già ấy, người cứ hay chế bình trà ngồi nhớ lại những chuyến đò đưa cũng là tôi. Bởi hơn một lần tôi viết: “Khi làm thầy nhiều năm con mới hiểu lòng thầy!”.

Ngẫm: mọi sự lẽ thường, làm gì mà phải thở dài. Trong mấy trăm, mấy chục học trò, người nào được một lần trở lại thăm thầy thì quý lắm, mà không về nhưng khôn lớn thành người hữu ích cũng là mừng.

Như thầy tôi, khi nằm xuống đám tang rồng rắn mấy cây số, trong ấy có gia đình hai ba thế hệ học trò đều thành đạt, trong ấy có kẻ thành danh rạng rỡ nhưng chỉ về với thầy lần này thôi, có người vẫn bần dân nghèo khổ nhưng năm nào cũng ghé thăm trò chuyện, ủi an.

Như tôi, gần đây có diễm phúc được nhiều học trò đến thăm và mời dự đám cưới con, xa xôi mấy tôi cũng gắng đi bằng được bởi tôi trân trọng cái nghĩa thầy trò. Vậy đó, tất cả đều đáng trân quý. Ngẫm ở góc nào cũng thấy không đến nỗi bạc như người đời ca cẩm “Phấn trắng - đời bạc trắng”.

Cái tình thầy trò thiêng liêng đến mức mỗi lần được sống trong nó thì những nỗi chạnh lòng tự nhiên tan biến, ai từng làm thầy cũng đã hơn một lần tự huyễn mình như thế và ai từng có những cuộc gặp gỡ khi thầy trò tóc bạc như nhau cũng xác tín thêm điều an ủi đó. Thầy ạ! Mọi chuyện rồi sẽ qua nhanh thôi, chỉ còn lại con tim trĩu đời bởi những thương yêu, kính trọng. Gọi là người có trong tim người hay không mới là ý nghĩa tận cùng của kiếp nhân sinh.

Thầy dạy thêm tôi trong lần thăm gần đây khi cả hai đã đến tuổi tuột dốc: “Hãy nghĩ mình sẽ không bao giờ chết để vẫn tiếp tục làm việc lớn. Cũng đồng thời phải nghĩ mình sẽ chết ngay hôm nay để làm ngay những việc mình thích làm mà không sợ gì, kể cả cái chết”.

Thật ra tôi biết thầy đang nhắc lại triết lý Zorba để mong tôi biết cách nghĩ đồng thời mà hóa giải mọi nỗi thất vọng ở đời, mà tiết kiệm thời gian để sống chỉn chu, đúng nghĩa. “Thầy biết không, con luôn biết ơn thầy, thầy ơi!”.

Tôi dụi mái tóc bạc ít của mình vào mái tóc bạc phơ của thầy, nói không thành lời như thế.

Khi thầy trò tôi tạm chia tay, tự dưng cả hai đều buột miệng: Sao nắng quái chiều nay rực rỡ? Rồi cả hai cùng cười tít mắt trong cái nắm tay bịn rịn, bồi hồi.

Bước đi nhưng chốc chốc tôi dừng lại nhìn dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi còng, mái tóc bạc phơ của thầy, có chút gì đó hơi trĩu ngực tôi nhưng chắc chắn không phải lỗi của cơn gió se se, không bao giờ là lỗi - của - cơn - gió - cả.

___________________

[1] Tác giả của “Alexis Zorba, con người hoan lạc”.

NGUYỄN HIỆP