Thầy đi qua đời em
Rồi ai cũng có trong đời một hoặc nhiều thầy cô giáo mà họ đau đáu nhớ nghĩ, mang ơn. Mỗi khi nhận được tin người mà họ yêu kính vừa khuất bóng, một khoảng trống tiếc nuối đủ lớn mở ra, để ký ức trỗi dậy…
Hai ông thầy và “đại học chi đạo”
Cựu sinh viên của Đại học Văn khoa Sài Gòn thời trước năm 1975 từng có những giờ học môn triết Đông phương rất vui. Vui vì phong cách giảng bài, trao truyền kiến thức một cách quyết liệt của những người thầy. Họ đã kéo đầu óc sinh viên về hai phía khác nhau, cho dù chỉ là luận giải về một chữ trong sách xưa: Đại học trong Tứ thư.
Với các thế hệ học trò xưa, 16 chữ định nghĩa về đạo của đại học, nguyên tắc của đại học (đại học chi đạo) đã quá quen thuộc: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện” (Đạo đại học là làm sáng đức, thân với dân, đạt tới chí thiện).
“Thân” (親) dân, thân yêu với dân, theo nguyên bản ghi lời Khổng Tử. Nhưng sau này, Chu Hy đời Tống lại giảng thành “tân” (亲) dân, làm mới dân, “thân” nên đọc là “tân”. Kể từ đó, việc giảng về đạo đại học chia thành 2 học phái: thân dân và tân dân.
Sự phân chia ấy kéo dài cho đến… những giờ giảng bài trong môn triết Đông phương ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Chuyện rằng, dạo ấy, sau khi giáo sư Nguyễn Đăng Thục hết tiết giảng là đến lượt linh mục Nguyễn Hy Thích lên lớp. Giáo sư Thục vốn theo “thuyết” thân dân, bởi ông cho rằng con người ta phải phát động cái tâm (yêu thương) trước khi đổi mới, còn chỉ đuổi theo cái mới mà không lo tu dưỡng cái gốc thì sẽ tạo ra cơ tâm – bi kịch của xã hội công nghiệp Tây phương.
Ngược lại, linh mục Thích theo học phái tân dân, cho rằng đời sống dân chúng không ngừng đổi mới, và người quân tử chỉ dùng đức thân để thờ cha mẹ mà thôi… Khổ nỗi, linh mục Thích có tiết giảng tiếp ngay sau giáo sư Thục, nên mỗi khi vào lớp hễ thấy còn sót chữ “thân dân” trên bảng thì liền nổi nóng, dậm chân, đấm ngực.
Hồi ức này được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người từng học cử nhân triết Đông phương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, kể lại trong một bài viết nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Đại học Huế năm 1997. Mấy chữ “đại học chi đạo” và 2 ông thầy kỳ lạ đã làm sống dậy biết bao kỷ niệm trong nhà văn họ Hoàng Phủ.
“Bọn sinh viên chúng tôi rốt cuộc được thu lợi, vì như thế là tôi đã học bằng hai quyển sách khác nhau. Tôi vẫn quan niệm rằng người chỉ đọc một cuốn sách rất dễ trở thành kẻ nguy hiểm về mặt tri thức luận”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đúc kết.
Tâm tình gửi lại
Còn với tôi, sinh viên Văn khoa Huế thuộc thế hệ sau năm 1975, lại mãi nhớ một câu hỏi của thầy cựu Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học Huế) trong tiết giảng của thầy: “Ai là người thương em nhất?”.
Ký ức này vừa trở lại trong tôi, khi hay tin thầy cựu trưởng khoa Phan Đăng (sinh năm 1949) vừa tạ thế. Tôi nhớ mãi trong tiết học cách đây hơn 30 năm, thầy chậm rãi trò chuyện với những sinh viên năm nhất bằng chất giọng Quảng Trị trầm ấm: “Các em có biết ai là người thương mình nhất hay không? Là cha mẹ các em đó. Ngay từ khi mới tượng hình em trong bụng, người mẹ đã quay sang thủ thỉ bên tai người cha “anh ơi hình như em có thai…”. Rồi 9 tháng 10 ngày. Rồi sinh nở. Rồi nuôi nấng mười mấy năm, để đến nay em trở thành sinh viên…”.
Thoạt nghe, như thể thầy đang “chê” những cô cậu sinh viên cực đoan trong chuyện tình cảm trai gái, dễ buông theo cảm xúc tiêu cực mỗi khi gặp trở ngại nào đó trong tình yêu. Nhưng không, tôi sớm nhận ra thầy đang đánh thức. Thầy tỉ tê. Thầy gợi mở. Thầy xoa dịu…
Vì thế, câu hỏi ấy còn hơn một câu trả lời, đọng mãi trong trí nhớ tôi, đến khi nghe tin thầy mất thì tôi tự thấy có sự thôi thúc để kể lại. Không chỉ chia sẻ một kỷ niệm riêng tư, mà tôi tin, biết đâu sẽ có những bạn trẻ tình cờ nghe lại lời gợi mở, tỉ tê, đánh thức từ câu hỏi của người thầy quá cố…
Cũng như hai ông thầy nổi tiếng mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa nhắc, thầy cựu trưởng khoa Phan Đăng của chúng tôi cũng là một người am tường cổ văn.
Thầy vừa dịch và chú giải bộ sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của cụ Lê Quang Định (1759 - 1813), được xét trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5 năm 2022. Ấy vậy mà, kỷ niệm trong tôi lại cứ xoay quanh câu hỏi rất đời thường mà thầy gửi gắm: “Ai là người thương em nhất?”.
Nhưng không chỉ có thế. Những ngày qua, thấy đọng trong ký ức các anh chị cựu sinh viên đồng khoa những ấn tượng rất khác. Người thì nhớ về một vị thầy bao dung, từng trải, biết hóa giải những “trục trặc” trong sinh hoạt của sinh viên.
Người nhắc chuyện thầy đang dịch lại “Hải ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán mà Viện Đại học Huế trước 1975 đã in, vì có chỗ thấy chưa ưng ý. Người tỏ ý ngạc nhiên khi phát hiện ra bên trong con người có vẻ rất nghiêm cẩn là một tâm hồn đa cảm, thích làm thơ, hát rất hay, có di nguyện được bạn hữu và người thân tổ chức một đêm hát những ca khúc thể điệu bolero trước ngày di quan…
*
* *
Có những người thầy đi ngang qua cuộc đời ai đó, rồi vắng khuyết. Và có biết bao thầy cô giáo đã gửi lại cho các thế hệ học trò những câu chuyện cuộc đời ấm áp, những câu chuyện ngoài-sách-vở. Từng có nhạc sĩ viết “Người đi qua đời tôi” với bao nhiêu tâm sự dồn nén, day dứt hỏi không nhớ gì sao “người”... Nhưng khi thầy đi qua đời em, những lứa học trò nhỏ bé sung sướng gọi tên biết bao nhiêu nỗi thương nhớ và sự hàm ơn còn gửi lại đời.