Giáo dục - Việc làm

Hành trang... người dẫn đường

XUÂN PHÚ - TƯỜNG VY - HOÀNG ĐẠO - PHÙNG THỊ HẠ NGUYÊN17/11/2024 08:41

Cùng dòng chảy phát triển, vị thế nhà giáo đang bị tác động rất lớn với nhiều áp lực. Môi trường sư phạm thay đổi, nhận thức về giáo dục khác biệt, áp lực từ hòa nhập trong thế giới phẳng, chuyển đổi số... đặt những người làm giáo dục vào các thách thức khác nhau. Nhưng dù trong thời đại nào, người thầy luôn mang sứ mệnh của... người dẫn đường.

1.-truong-lop.jpg

NHÀ GIÁO - VỊ THẾ VÀ ĐÃI NGỘ

Được xem là nghề đặc thù và được nhà nước ban hành nhiều chính sách đãi ngộ, nhưng cuộc sống của đội ngũ nhà giáo vẫn còn khó khăn, thiếu giáo viên ở miền núi… là những câu chuyện mà ngành GD-ĐT Quảng Nam đang đối diện.

Quảng Nam những năm qua dành nguồn lực đáng kể để thực hiện chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Ngoài triển khai chính sách theo quy định của nhà nước, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với giáo viên (GV) dạy bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải quốc gia; chủ trương thu hút người tài cho ngành GD-ĐT qua việc tổ chức tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp sư phạm xuất sắc theo Nghị định 140 của Chính phủ; hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách nhằm nâng cao trình độ chuẩn đào tạo đối với GV. Năm 2024, chương trình này được cấp 4,1 tỷ đồng cho 410 GV mầm non, tiểu học, THCS đi học các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn.

dsc_1760.jpg
Nghề giảng dạy hiện nay có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng chưa thật sự hấp dẫn. Ảnh: X.P

Chưa tương xứng

Dù nhiều nhưng các chính sách đãi ngộ hiện nay được đánh giá chưa thật sự hấp dẫn và tương xứng với sự cống hiến của đội ngũ nhà giáo, nhất là những người gắn bó với miền núi, vùng khó khăn. Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường chia sẻ, chế độ tiền lương đối với nhà giáo công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn thấp, chưa thu hút được đội ngũ gắn bó lâu dài.

“Phụ cấp thu hút theo Nghị định 76 (8/10/2009) của Chính phủ quy định thời gian không quá 5 năm rõ ràng chưa đủ sức thuyết phục GV đồng bằng lên công tác miền núi. Để giữ chân nhà giáo, cần kéo dài thời gian phụ cấp thu hút lên 10 năm”, ông Tường chia sẻ.

Nỗ lực mang lại sự công bằng, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh, Quảng Nam thực hiện cơ chế luân chuyển GV từ miền núi về đồng bằng (Nghị quyết 146, ngày 22/7/2009 của HĐND tỉnh). Từ cơ chế này, lần đầu tiên chỉ trong vòng 5 năm (2010 – 2015), đã có gần 1.400 GV giảng dạy lâu năm tại các địa phương miền núi được chuyển về xuôi công tác, có điều kiện sum họp gia đình.

giao-vien-1.jpg

Cơ chế luân chuyển GV theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh được đánh giá mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn nhưng chỉ thực hiện trong thời gian ngắn. Sau giai đoạn 2010 - 2015, từ đó đến nay, không có cơ chế, quy định nào về luân chuyển. Vì vậy, GV miền núi có nguyện vọng chuyển công tác ra ngoài địa phương gặp rất nhiều khó khăn do phân cấp quản lý theo địa phương cấp huyện, ai cũng muốn giữ GV ở lại.

Theo lãnh đạo một huyện miền núi, rất chia sẻ với các thầy cô giáo cống hiến lâu năm nhưng cũng rất khó cho địa phương vì tuyển không được. Nếu đồng ý cho GV chuyển công tác sẽ không có GV giảng dạy. Một lãnh đạo phòng GD-ĐT cũng bộc bạch thực tế miền núi không muốn để những GV giỏi, nhiều kinh nghiệm chuyển công tác bởi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là phong trào học sinh giỏi của đơn vị.

Để giữ chân nhà giáo

Những năm qua, thiếu GV trở thành câu chuyện làm “nóng” nghị trường từ Trung ương đến địa phương. Thống kê đầu năm học 2024 – 2025 của Bộ GD-ĐT, cả nước thiếu hơn 113 nghìn GV các cấp.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, từ chuyện sức hút vào ngành còn hạn chế; thiếu nguồn tuyển một số môn học đặc thù cho đến việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hàng nghìn biên chế được giao chưa tuyển dụng, bên cạnh tình trạng GV nghỉ việc vẫn còn cao. Cạnh đó, sự biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật… dẫn đến công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu GV từ cấp chiến lược đến các địa phương không theo kịp thực tế.

giao-vien.jpg
Lương nhà giáo được đề xuất cao nhất nhằm thu hút, đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo. Ảnh: X.P

Đối với Quảng Nam, tình trạng thiếu GV diễn ra nhiều năm qua, dù tỉnh đều đặn hàng năm tổ chức tuyển dụng. Tất cả lần tuyển dụng đều không đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân vì số lượng người dự tuyển ít hơn chỉ tiêu tuyển dụng. Một số địa phương sớm chủ động đề nghị tỉnh cho cơ chế tuyển dụng riêng như Điện Bàn, Nam Trà My nhưng “thiếu vẫn thiếu” vì tuyển không đủ chỉ tiêu. Hiện nay, GV mầm non, tiểu học, GV một số bộ môn tin học, mỹ thuật, âm nhạc không có nguồn để tuyển dụng. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2024 các đơn vị sự nghiệp giáo dục cả tỉnh thiếu hơn 1.300 người buộc phải hợp đồng hơn 900 người.

Ông Lê Cao Lan – Trưởng phòng GD-ĐT Thăng Bình cho biết, Thông tư 20 của Bộ GD-ĐT quy định tỷ lệ bình quân học sinh/lớp để tính định mức GV nhưng thực tế có trường THCS tại địa phương có 60 - 70 học sinh buộc chia 2 lớp. Do vậy, nên phân bổ GV theo thực tế số lớp mới hợp lý. Vấn đề phân cấp tuyển dụng viên chức giáo dục về cho huyện cũng gây khó khăn cho các địa phương.

Ông Lan cho rằng, tổ chức thi tuyển rất tốn thời gian, kinh phí và con số ảo rất nhiều do thí sinh đăng ký dự thi ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng trúng tuyển rồi bỏ không nhận việc, tuyển thiếu chỉ tiêu. “Đề nghị giao cho Sở GD-ĐT tổ chức thi chung cho cả tỉnh để bớt tốn kém kinh phí, thời gian, tăng hiệu quả”, ông Lan nói.

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với cán bộ quản lý, GV, nhân viên ngành giáo dục. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, UBND tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy ưu tiên đầu tư nguồn lực cho giáo dục (cùng với y tế, văn hóa) nhiều hơn, trong giai đoạn tới tăng thêm từ 30% trở lên so với hiện tại. Về tổ chức bộ máy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh phải đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý trường học, tỷ lệ GV/lớp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, “không mắc gì phải o ép gây khó khăn cho ngành”. Thực hiện chế độ, chính sách cũng vậy, theo đúng quy định Trung ương, đừng vì khó khăn của ngân sách mà cắt giảm.

Ông Lưu Tấn Lại – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết biên chế giáo dục hiện nay vẫn còn thiếu so với quy mô trường lớp. Sở GD-ĐT cùng các ngành chức năng đang xây dựng dự thảo để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định 2428 về đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với bố trí đội ngũ ngành GD-ĐT đến năm học 2024 - 2025.

Đối với tuyển dụng viên chức giáo dục, UBND tỉnh đã có quyết định phân cấp quản lý, tuyển dụng, giao cho các huyện chủ động và thực tế các huyện thực hiện khá tốt, đến nay có 9 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng được phê duyệt. Về cơ chế thu hút, giữ chân GV miền núi, Sở Nội vụ đang phối hợp xây dựng đề án, tham mưu trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2024.

Đề xuất giải pháp khắc phục bài toán thiếu GV, nhất là miền núi, theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, bên cạnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng bổ sung nguồn GV, các ngành chức năng cần khảo sát số lượng, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu và dự báo thiếu hụt GV. Từ đó lựa chọn những học sinh có học lực khá, giỏi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo GV theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện các chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116 của Chính phủ. “Chỉ có việc xây dựng được đội ngũ GV tại chỗ mới giải quyết căn cơ và lâu dài câu chuyện GV cho miền núi” - bà Thu nhấn mạnh.

BỎ THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 13 (30/10/2024) quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Thông tin này đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía các thầy cô giáo bởi từ nay sẽ bỏ thi thăng hạng.

Kỳ thi duy nhất

Năm 2018, lần đầu tiên Quảng Nam tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (GV), thu hút hơn 2.600 GV các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh tham gia. Còn nhớ, lần thi đó đã có những ý kiến trái chiều.

hanh-trang(2).jpg
Giáo viên dạy học ở Nam Trà My. Ảnh: P.T

Một số thầy cô giáo bày tỏ băn khoăn “sao không xét mà tổ chức thi, gây tốn kém kinh phí và tạo áp lực không đáng có đối với GV, nhất là GV lớn tuổi”; còn lãnh đạo ngành GD-ĐT cho rằng tổ chức thi sẽ “tạo công bằng, minh bạch, khách quan, vì lợi ích của GV” và tham khảo nhiều tỉnh cũng chọn phương thức thi thăng hạng.

Cũng cần nói thêm, theo quy định của Bộ GD-ĐT, thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV có thể lựa chọn hình thức thi hoặc xét. Nếu tổ chức thi thăng hạng thì thực hiện theo Thông tư 20 (ngày 18/8/2017), còn nếu xét thăng hạng thì thực hiện theo Thông tư 28 (30/11/2017) của Bộ GD-ĐT. Sau này, Bộ GD-ĐT có Thông tư 34 (30/11/2021) quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng GV, thay thế Thông tư 20 và Thông tư 28.

Tuy nhiên, điều đáng nói đến nay đó là kỳ thi duy nhất được tổ chức trên địa bàn Quảng Nam. Điều này tạo ra nhiều băn khoăn đối với đội ngũ nhà giáo bậc THPT khi thời gian dài vừa qua không được thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Theo thầy Hà Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Duy Xuyên), việc nâng hạng chức danh nghề nghiệp GV thời gian qua ở cấp tiểu học, THCS do cấp huyện quản lý đều tổ chức thực hiện theo hình thức xét thăng hạng. Trong khi đó, đối với bậc THPT không thực hiện xét và kể từ kỳ thi năm 2018 đến nay cũng chưa tổ chức thi lại. “Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của GV, nhất là những thầy cô giáo công tác lâu năm. Cống hiến nhiều năm cho sự nghiệp trồng người nhưng không được thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên nhiều thầy cô giáo lớn tuổi tiền lương thấp”, thầy Ngọc chia sẻ.

Phù hợp hơn khi xét thăng hạng

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam mới đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lưu Tấn Lại cũng đã phản hồi chung quanh ý kiến về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV.

giao-vien-2.jpg
Tam Kỳ đang thiếu giáo viên cần bổ sung cho năm học 2024-2025. Ảnh: X.P

Theo ông Lại, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư xét thăng hạng GV, theo hướng phân cấp cho sở GD-ĐT xét thăng hạng đối với THPT và cấp huyện đối với các cấp học còn lại. Ông Nguyễn Văn Lộc – Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết thời gian qua địa phương đã thực hiện xét chuyển ngạch, đảm bảo quyền lợi cho GV theo quy định.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 13 (30/10/2024) quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông công lập và dự bị đại học, có hiệu lực từ ngày 15/12/2024 và thay thế Thông tư 34 (30/11/2021).

Điều này cũng có nghĩa từ nay sẽ bỏ thi thăng hạng – điều mà rất nhiều thầy cô giáo mong muốn từ lâu. Như vậy, thay vì phải thi, GV được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chí về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thời gian công tác.

Dự thảo Luật Nhà giáo vừa trình Quốc hội đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo. Dự thảo luật đặt ra những vấn đề căn cốt gồm tiền lương và chế độ đãi ngộ theo hướng đảm bảo mức sống cho nhà giáo và thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm, cho đến việc chuẩn hóa chức danh của nhà giáo, chính sách tuyển dụng, điều động, biệt phái của nhà giáo; chính sách về bảo vệ, thu hút nhà giáo... Trong đó, một đề xuất quan trọng rất đáng chú ý là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Để được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp GV hạng III, GV phải có 2 năm (đối với mầm non), 3 năm (đối với phổ thông) công tác liền kề trước năm dự xét lên hạng II được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; GV hạng II có 5 năm công tác liền kề trước năm dự xét lên hạng I được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo chia sẻ của một nhà giáo công tác lâu năm, việc bỏ thi chuyển sang xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV phù hợp với quy định. Điều này cũng đáp ứng nguyện vọng của đông đảo GV, đặc biệt là những thầy cô giáo lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và đạt được nhiều thành tích giảng dạy. “Quy định chỉ còn hình thức duy nhất là xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã nhận được sự phản hồi tích cực từ đội ngũ nhà giáo, tránh cho GV những áp lực, tốn kém thời gian, công sức so với trước đây phải tham dự kỳ thi vất vả”, thầy giáo này nói.

GIÁO VIÊN “XOAY” THEO ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

Chương trình đổi mới giáo dục 2018 buộc giáo viên phải tự mình nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn...

Vất vả hơn

Theo cô giáo N.T.P., chương trình đổi mới rất cần thiết nhưng cũng khiến giáo viên vất vả hơn. Họ phải dành nhiều thời gian hơn để tự nghiên cứu và tổng hợp các kiến thức từ cả 3 bộ sách giáo khoa (SGK) để làm nguồn tài liệu nhằm giảng dạy tốt nhất. Đồng thời mặc dù phía nhà trường và các thầy cô giáo đã nỗ lực đổi thay từng ngày, từ phương pháp sinh hoạt chuyên môn, sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu, đến tích cực tập huấn giáo viên… nhưng vẫn không khỏa lấp được khoảng trống kiến thức của giáo viên khi dạy tích hợp.

doi-moi-giao-duc.jpg
Các giáo viên vất vả hơn khi phần lớn quỹ thời gian phải dành cho nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn để tự tin đứng lớp. Ảnh: H.Đ

“Nhiều học sinh hỏi các câu hỏi hóc búa ở các môn không phải được đào tạo là mình phải hẹn học sinh ở tiết sau để tham khảo các nguồn tài liệu để trả lời chính xác về kiến thức cho các em” - cô giáo P. nói.

Tương tự, cô giáo T.T.M.A. chia sẻ, năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh khối lớp 9 học bộ SGK mới và đổi mới thể thức kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Điều này gây áp lực rất lớn đối với giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

“Phương pháp đánh giá trước đây có phần “nhẹ” nên học sinh có sự chủ quan nhất định. Khi thay đổi về phương thức thi thì các em gặp nhiều khó khăn hơn. Cùng với đó là bộ SGK mới cũng khiến các em phải chú tâm hơn nếu không sẽ thi không đạt. Riêng với giáo viên thì gồng mình để truyền tải kiến thức, nghiên cứu sự thay đổi của SGK để dạy cho học sinh” – cô giáo A. nói.

Theo cô A., việc đổi mới giáo dục là thật sự cần thiết nhưng nên làm từng bước chứ không nên trùng thời điểm của học sinh khối lớp 9 hiện nay là vừa đổi mới SGK vừa đổi mới thi tuyển. Với gần 20 năm kinh nghiệm nhưng cô giáo A. vẫn chưa tự tin với bài dạy vào ngày mai của mình mặc dù đã nghiên cứu kỹ.

“Ngày nào cũng lật sách đọc, ghi, lên mạng tìm tài liệu tham khảo. Như Quảng Nam thì cho phép dạy đến 2 bộ SGK nhưng thi thì đề chung nên giáo viên bắt buộc phải nghiên cứu các bộ sách khác để dạy. Với 1 bộ sách mới thôi đã không có thời gian mà nghiên cứu thì tham khảo 3 bộ sách thì chẳng còn thời gian để làm việc khác” – cô M.A nói.

Cần hướng dẫn cụ thể để giáo viên tự tin

Theo cô giáo Đỗ Thị Phương Chi, bên cạnh việc tham gia khóa bồi dưỡng, tập huấn thì việc dành nhiều thời gian để nghiên cứu các bộ sách, tham khảo trên mạng internet chính là phương pháp duy nhất để có thể tự tin khi giảng dạy. Đồng thời các giáo viên trong tổ bộ môn cũng tăng cường sinh hoạt chuyên môn, thảo luận, hỗ trợ đồng nghiệp, giúp nhau tiến bộ hơn mỗi ngày.

co-giao-nam-tra-my.jpg
Ngoài sự chủ động và nỗ lực của giáo viên thì Sở GD&ĐT cần hỗ trợ, hướng dẫn để giáo viên tự tin đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Ảnh: H.Đ

“Khi đổi mới SGK và đổi mới cách thi tuyển, chúng tôi hiểu học sinh của mình rất áp lực nên phải tự mình cố gắng hơn để đáp ứng được sự kỳ vọng từ các em và phụ huynh. Chúng tôi cũng rất mong Sở GD&ĐT tỉnh nên có các hướng dẫn cụ thể hơn về một số điểm chưa thống nhất ở các bộ sách trong cách trình bày để mình tự tin giải đáp kiến thức cho học sinh của mình” – cô giáo Chi kiến nghị.
Thầy giáo L.Q.H cho biết, năm học này thầy H. dạy lớp 9 nên những áp lực, vất vả là khó tránh khỏi. Nhưng trong môn toán lại có nhiều chỗ chưa có sự thống nhất trong trình bày, kiến thức khiến các giáo viên bối rối.

“Tôi ví dụ trong môn toán thì có sách sử dụng dấu “suy ra” nhưng có sách lại sử dụng từ “suy ra”. Học sinh trình bày bài làm mà mình phải lúng túng không biết nói sao. Nếu khẳng định học sinh trình bày đúng thì sau này thi tuyển sinh lớp 10 giám khảo chấm theo khung, họ trừ điểm trình bày của học sinh thì lúc đó mình bị trách móc. Khi tập huấn thì cán bộ sở vẫn không dám khẳng định cái nào mới đúng và cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể như TP.Hồ Chí Minh nên giáo viên không đủ tự tin” – thầy giáo L.Q.H. nói.

Trong khi đó, cô giáo M.A. cho rằng, trước những khó khăn của giáo viên khi phần lớn quỹ thời gian phải dành hết cho việc nghiên cứu, soạn giáo án… nên các thầy cô giáo cũng không còn nhiều thời gian dành cho các hội thi, các cuộc thi phong trào. “Các hội thi, cuộc thi phong trào nên được xem là tiêu chí khuyến khích chứ không nên làm tiêu chí thi đua của trường. Vì đặt nặng vấn đề này thì các giáo viên sẽ phải oằn mình tham gia, từ đó không còn đủ thời gian để cân bằng cuộc sống, công việc” – cô giáo M.A kiến nghị.

VỊ THẾ NGƯỜI THẦY TRONG THẾ GIỚI PHẲNG

Là một giáo viên Ngữ văn, tôi nhiều lần thất vọng, hụt hẫng trước sự lơ đễnh, không mấy mặn mà với kiến thức của học sinh. Việc sớm tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh khiến các em có suy nghĩ mình dễ dàng có cả thế giới trong tay chỉ với một cái chạm, một cú “click chuột”.

Trong cơn lốc thời đại 4.0, nghề giáo cũng không còn yên ổn với bốn bức tường lớp học, với phấn trắng, bảng đen… Công nghệ cùng lúc mang đến những cơ hội và thách thức lớn cho người thầy.

Cuộc cách mạng của người thầy

Kể từ đại dịch COVID-19, lớp học online mở ra kỷ nguyên giáo dục mới, xóa nhòa mọi khoảng cách và thúc đẩy giáo viên trau dồi thêm nhiều kỹ năng quan trọng để số hóa bài giảng.

Học sinh lớp 11 trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) sân khấu hóa vở kịch “Trái tim trong trắng” (Lưu Quang Vũ).

Việc sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meet, Google Classroom, Microsoft Teams… buộc các thầy cô giáo phải mày mò tìm hiểu các tính năng của ứng dụng; cách quản lý các lớp học ảo; tăng cường sự hấp dẫn của bài giảng bằng các hình thức tương tác trực tuyến; kiểm tra và đánh giá chất lượng học tập bằng các bài tập “mở” để tránh sao chép…

Dù chật vật và nhiều lúc nản lòng nhưng không thể phủ nhận, dạy học trực tuyến những năm đại dịch giúp nhiều giáo viên có điều kiện cập nhật công nghệ, trở nên năng động, nhạy bén hơn trong thời đại số hóa.

Đổi mới giáo dục theo chương trình 2018 cũng là một cuộc “đại cách mạng” đối với người thầy. So với chương trình giáo dục 2006, chương trình 2018 chú trọng xây dựng các kỹ năng cho học sinh hơn là “nhồi nhét” kiến thức. Điều đó khiến người thầy phải nhanh chóng cải tiến phương pháp dạy học, xây dựng nhiều hoạt động dạy học để đảm bảo học sinh được trau dồi kỹ năng trong mỗi tiết học, dịch chuyển vai trò trung tâm từ người dạy sang người học.

Yêu cầu ấy khiến việc học không còn đóng khung khô cứng trong phép tắc trường quy. Giờ học Ngữ văn không còn cảnh thầy triền miên diễn thuyết, trò lãng đãng nghe chữ được chữ mất. Thay vào đó, học sinh được hướng dẫn để làm các dự án về các thể loại, tác phẩm văn học như làm nhật ký đọc sách; sân khấu hóa tác phẩm; tổ chức những triển lãm tranh vẽ, poster, sơ đồ tư duy…

Ngay cả một môn học nặng lý thuyết như Toán học, trong chương trình mới, ở bậc THCS, học sinh đã bắt đầu được học các kiến thức có tính ứng dụng cao, như kiến thức căn bản về tài chính, các em được làm quen với việc gửi tiền tiết kiệm và vay vốn ngân hàng; tính lỗ, lãi và dư nợ; thực hành tính lãi suất trong tiền gửi tiết kiệm và vay vốn…

Học sinh lớp 11 trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) thiết kế poster giới thiệu bài thơ “Thương vợ” (Trần Tế Xương).

Không chỉ liên tục làm mới mình trên bục giảng, người thầy ngày nay còn cần phải xây dựng và tiếp thị hình ảnh bản thân trên mạng xã hội. Việc “dịch chuyển” lớp học truyền thống sang các không gian số khiến người thầy cũng phải trở thành những “nhà sáng tạo nội dung”.

Để cạnh tranh với hàng loạt nội dung giải trí hấp dẫn, kịch tính, hài hước tràn ngập Facebook, Tiktok, nhà giáo đôi lúc phải biết “bắt trend” của giới trẻ để thu hút sự chú ý. Không ít thầy cô giáo dần xây dựng được tên tuổi trên các nền tảng trực tuyến nhờ các video với hiệu ứng đẹp mắt, cách giảng bài thu hút, tinh gọn kiến thức…
Vị thế của người thầy liệu có bị “lung lay”?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những cơ hội phát triển bản thân cho nghề giáo nhưng cũng đồng thời cảnh báo về vị thế bấp bênh của người thầy trong thời đại số.

Trước kia, khi internet chưa phát triển, trường học là nơi “độc quyền” chuyển giao tri thức, sách vở là phương tiện duy nhất để hiểu biết về thế giới. Nhưng sự phát triển bùng nổ của Internet, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp con người có thể học tập bất kể không gian, thời gian. Vì thế, trường học không còn là “ngôi đền thiêng” của tri thức, và người thầy cũng không còn nguyên vẹn “quyền lực” kỹ sư tâm hồn.

Tư tưởng dễ dàng có cả thế giới trong tay chỉ với một cái chạm, một cú “click chuột” khiến các em lơ là với bài giảng. Các em nghĩ rằng lúc thi cử chỉ cần học vội vài bài giảng trên mạng, nắm các “mẹo vặt” sinh tồn trong phòng thi là có thể qua môn.

Đáng buồn hơn, lối sống thực dụng khiến nhiều học sinh tỏ ra hoài nghi giá trị của tri thức. Khi dạy tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho học sinh lớp 11, tôi hỏi các em rằng tác giả có những phát hiện đặc biệt về sông Hương đem đến cho bạn bài học gì về cách quan sát, cảm nhận cuộc sống xung quanh?

Một học sinh đã trả lời rất bình thản, rằng em thấy nên trân quý từng phút giây của cuộc sống, đừng nên viết những bài tùy bút như thế này, vì nó quá dài, và viết nó tốn quá nhiều công sức.

Học sinh lớp 10 sân khấu hóa tác phẩm Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi).

Dù đã dành thời gian để phản hồi với các em rằng việc đi dọc sông Hương từ thượng nguồn đến cửa biển, lưu giữ từng nét đẹp biến ảo của dòng sông, từ cảnh sắc đến chiều sâu văn hóa đã giúp nhà văn xây dựng được một “bảo tàng sông Hương” đầy giá trị bằng ngôn ngữ; nhưng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng trước những suy nghĩ hời hợt của một người trẻ trong thời đại 4.0.

Sự tiến bộ công nghệ còn tạo điều kiện cho những mánh khóe, chiêu trò trong học đường. Học sinh, sinh viên lạm dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài tập, tiểu luận, đồ án, khiến giáo viên hình thành tâm lý đề phòng. Vụ việc sinh viên trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic dùng AI để làm bài tập môn học Màu sắc, ngành Thiết kế đồ họa mới đây khiến dư luận ngán ngẩm về sự thiếu trung thực, thiếu năng lực sáng tạo ở một sinh viên chuyên ngành… sáng tạo.

Trong thế giới phẳng, người thầy phải thật giàu nhẫn nại và nghị lực để duy trì sự trung thực, đạo đức trong môi trường nghiên cứu, học thuật.

*
* *

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt tất cả chúng ta vào tình thế phải tiến lên, học hỏi và thích nghi với những trật tự mới. Hình tượng người thầy cũng đã được “giải thiêng” khi người học có nhiều lựa chọn hơn để khám phá tri thức. Thực tế này khiến người thầy đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh với các hình thức giáo dục khác trên mạng internet.

Tuy nhiên, ưu thế lớn nhất giữ cho vị thế của người thầy không bị lung lay qua mọi thời đại vẫn là sự nắm bắt chiều sâu vẻ đẹp của tri thức - điều mà những cỗ máy AI vô hồn không thể nào học được. Tôi tin vị thế của người thầy vẫn sẽ vững vàng trong một xã hội thượng tôn tri thức.

Nội dung: XUÂN PHÚ - TƯỜNG VY - HOÀNG ĐẠO - PHÙNG THỊ HẠ NGUYÊN

Trình bày: MINH TẠO

XUÂN PHÚ - TƯỜNG VY - HOÀNG ĐẠO - PHÙNG THỊ HẠ NGUYÊN