Xã hội

Số hóa dữ liệu hộ tịch và triển khai sổ sức khỏe điện tử: Quảng Nam nguy cơ chậm hoàn thành

THÀNH CÔNG 18/11/2024 09:00

Quảng Nam là một trong 10 địa phương trên cả nước có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024. Về triển khai sổ sức khỏe điện tử, Quảng Nam xếp thứ 53/63 tỉnh thành.

Tiếp nhận giải quyết hồ sơ lĩnh vực tư pháp, hộ tịch cho người dân tại xã Đại Thạnh (Đại Lộc). Ảnh minh họa: T.C
Tiếp nhận giải quyết hồ sơ lĩnh vực tư pháp, hộ tịch cho người dân tại xã Đại Thạnh (Đại Lộc). Ảnh minh họa: T.C

Nhận diện “điểm nghẽn”

Theo số liệu từ Bộ Tư pháp, về số hóa dữ liệu hộ tịch, tính đến ngày 11/11, trên toàn quốc đã có 15 địa phương hoàn thành, 18 địa phương cơ bản hoàn thành.

Trong khi đó, Quảng Nam được nhắc đến thuộc nhóm địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024. Vướng mắc Quảng Nam đang gặp phải liên quan đến thủ tục đấu thầu mua máy scan phục vụ lưu trữ bản ảnh.

Từ 1/11 đến 8/11, Sở Tư pháp đã tăng tốc số hóa dữ liệu hộ tịch, trong tuần đã chuyển biến tăng khoảng 6,5%. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy mới chỉ đạt khoảng 26% tổng khối lượng số trang sổ hộ tịch cần số hóa.

Về triển khai sổ sức khỏe điện tử, Quảng Nam hiện xếp thứ 53/63 tỉnh thành. UBND tỉnh nhận định việc số hóa dữ liệu và hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh chuyển biến còn chậm.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Thư ký Tổ Công tác Đề án 06, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, qua nghiên cứu báo cáo của 11 địa phương, đã tổng hợp được 64 khó khăn, vướng mắc trong triển khai Đề án 06 thuộc trách nhiệm của 12 bộ ngành và đã gửi các đơn vị để nghiên cứu.

Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin, 5 địa phương hiện thuê hạ tầng tại VNPT (Quảng Nam, Phú Thọ, Thái Bình, Kiên Giang, Đồng Nai) đều có những hạn chế về an ninh an toàn như nhau.

Cụ thể, cán bộ một cửa của bất kỳ đơn vị nào cũng có thể xem được kho công dân của toàn tỉnh, dẫn tới cán bộ một cửa có thể dùng thông tin này để tra cứu thông tin chi tiết của một công dân thông qua dịch vụ mã 037 (tra cứu thông tin dân cư). Tài khoản quản trị vẫn có tính năng tra cứu thông tin dân cư; chưa có nhật ký đăng nhập cho tài khoản cán bộ.

Hiện nay, vẫn còn lỗ hổng trong việc phân quyền truy cập các tính năng, ứng dụng. Tài khoản quản trị ứng dụng, tài khoản cán bộ một cửa không có chức năng giới hạn địa chỉ IP đăng nhập, xác thực đa nhân tố, không thiết lập lưu trữ lịch sử đăng nhập/thay đổi mật khẩu.

Ngoài ra, một số hạn chế, vướng mắc về việc phân quyền truy cập kho hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của người dân sẽ tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin cá nhân người dùng.

Quyết liệt, thống nhất nhận thức hành động

Đại tá Vũ Văn Tấn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong “tốp chậm” phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt hơn nữa, thống nhất nhận thức hành động và tổ chức thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần “lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc từ dưới lên”.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: T.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì điểm cầu trực tuyến tại cuộc làm việc với Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ. Ảnh: T.C

Để tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt cho chặng cuối năm 2024. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp tập trung chỉ đạo, rà soát toàn bộ nội dung, tiến độ, đề ra giải pháp cụ thể để số hóa dữ liệu hộ tịch và nhập dữ liệu lên phần mềm Cơ sở dữ liệu của Bộ Tư pháp.

Giám đốc Sở Tư pháp phải cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc hoàn thành 100% khối lượng công việc số hóa dữ liệu hộ tịch của tỉnh đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/1/2025.

Ngày 11/11 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh.

Ở giai đoạn 1 của kế hoạch (từ nay đến trước ngày 30/11), UBND tỉnh yêu cầu hoàn thành các văn bản chỉ đạo điều hành, căn cứ triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Sở Y tế và các đơn vị hướng dẫn cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai liên thông dữ liệu lên cổng tiếp nhận dữ liệu giám định bảo hiểm y tế; cấp mã cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn liên thông dữ liệu khám chữa bệnh lên phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử.

Các cơ sở khám chữa bệnh phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để đảm bảo hạ tầng, kỹ thuật liên thông dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID từ đơn vị lên cổng tiếp nhận dữ liệu giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Sổ sức khoẻ điện tử VNeID được sử dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, cả loại hình khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, khám chữa bệnh từ xa.
Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID được sử dụng cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, cả loại hình khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, khám chữa bệnh từ xa.

Đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền về Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID cho người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, toàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và phải bảo đảm liên thông dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử VNeID lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định bảo hiểm y tế sau khi người bệnh kết thúc đợt khám bệnh chữa bệnh.

Tại cuộc làm việc trực tuyến với 10 địa phương có nguy cơ chậm hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá, các lĩnh vực như sổ sức khỏe, lý lịch tư pháp, đất đai… rất quan trọng nhưng một số địa phương chưa hoàn thành.

“Các địa phương cần kiểm điểm lại những việc đã làm, nhận diện cho được những hạn chế phải đối mặt, nêu rõ sắp tới cần phải làm gì, đặc biệt là các cam kết thực hiện những yêu cầu của Đề án 06.

Chúng ta có một nền tảng số hết sức thành công và phát huy tác dụng trên quy mô cả nước, không lẽ còn chục tỉnh nữa đứng ngoài sự nghiệp này, công cuộc này. Phải thấy việc chúng ta cần phải làm và cùng nhau quyết tâm thực hiện những yêu cầu của đề án” - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói.

THÀNH CÔNG