Y tế

Thiếu máu do nhiễm giun: Can thiệp sớm, hiệu quả cao

CHÂU NỮ 18/11/2024 09:17

Một nghiên cứu cho thấy, tình trạng nhiễm giun đã gây thiếu máu và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

image011.png
Phần lớn phụ nữ đều cho rằng bệnh giun móc/giun mỏ là nguy hiểm. Ảnh: Nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu khoa học về đề tài trên đã tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những giải pháp can thiệp sớm nhằm giảm tỷ lệ nhiễm giun ở phụ nữ lứa tuổi sinh sản, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, giảm chi phí điều trị, nâng cao sức khỏe.

Ảnh hưởng sức khỏe

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam chủ trì thực hiện đề tài “Thực trạng nhiễm giun móc/giun mỏ và thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tỉnh Quảng Nam và hiệu quả can thiệp”.

TS.BS. Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam, một trong những người thực hiện đề tài cho biết, qua nghiên cứu 1.980 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại 3 vùng miền núi, đồng bằng và thành phố trên địa bàn Quảng Nam về kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống bệnh giun móc/giun mỏ (gọi chung là giun) và hiệu quả can thiệp của một số biện pháp can thiệp về điều trị và truyền thông giáo dục, cho thấy tỷ lệ nhiễm giun ở phụ nữ tuổi sinh sản tại tỉnh Quảng Nam là 13,94%.

Đáng chú ý, ở khu vực miền núi tỷ lệ nhiễm cao hơn (với mức 6,5%), đồng bằng là 4,7% và thành phố là 2,7%. Phụ nữ biết nếu sử dụng thức ăn nước uống chưa được nấu chín sẽ có nguy cơ nhiễm giun chiếm tỷ lệ cao nhất với 70,1%; nguy cơ đi chân đất và không mang bao tay, không đi ủng khi làm việc tiếp xúc với đất có tỷ lệ 44,7% và 41,5%.

“Có 25% phụ nữ tuổi sinh đẻ tại tỉnh Quảng Nam bị thiếu máu và có mối liên quan yếu giữa tình trạng nhiễm giun và thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tại tỉnh Quảng Nam” - ông Trần Văn Kiệm thông tin.

Trước thực trạng nêu trên, nhóm nghiên cứu đề tài đã triển khai các biện pháp can thiệp gồm truyền thông giáo dục sức khỏe và điều trị đặc hiệu albendazole đơn liều trong vòng 12 tháng tại 6 xã của tỉnh Quảng Nam.

Trong đó, có 3 xã thuộc nhóm can thiệp là xã Ba (Đông Giang), Cẩm Thanh (Hội An) và Đại Chánh (Đại Lộc) và 3 xã thuộc nhóm đối chứng là xã Bha Lêê (Tây Giang), Điện Thọ (Điện Bàn) và Tam Phú (Tam Kỳ).

Nhóm thực hiện đề tài cho biết, việc can thiệp đạt hiệu quả rõ rệt. Trước can thiệp, tỷ lệ nhiễm giun ở nhóm can thiệp là 14,9%, ở nhóm đối chứng là 12,9%. Sau can thiệp, tỷ lệ nhiễm giun ở nhóm can thiệp là 3,4% và ở nhóm đối chứng là 12,4%.

Cần can thiệp sớm

Từ kết quả nghiên cứu này và phân tích một số yếu tố liên quan, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai các biện pháp can thiệp nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm và nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của phụ nữ trong việc phòng chống giun.

“Để kiểm soát bệnh do giun gây ra, các chương trình tẩy giun định kỳ nên được thực hiện cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 1-2 lần/năm.

Riêng tỉnh Quảng Nam cần có kế hoạch dài hạn phòng chống nhiễm giun nói chung và giun móc/giun mỏ nói riêng, đặc biệt là ở các vùng miền núi.

Cùng với đó là có những biện pháp để phòng chống thiếu máu cho người dân, đặc biệt là đối với phụ nữ ở tuổi sinh đẻ; khuyến khích phụ nữ tuổi sinh đẻ thường xuyên bổ sung sắt trong thời kỳ mang thai, tẩy giun định kỳ tối thiểu mỗi năm 1 lần” - ông Trần Văn Kiệm đề xuất.

Một số yếu tố liên quan đến tình trạng nhiễm giun móc/giun mỏ ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tỉnh Quảng Nam đó là phụ nữ ở miền núi có khả năng bị nhiễm giun cao gấp 2 lần những phụ nữ ở đồng bằng và thành phố.

Phụ nữ không biết đọc, viết có khả năng bị nhiễm giun cao gấp 3 lần những phụ nữ biết đọc viết. Phụ nữ đi chân đất ngoài vườn có khả năng bị nhiễm giun cao gấp 1,6 lần phụ nữ không đi chân đất ngoài vườn. Phụ nữ sử dụng nước ở ao, hồ, sông, suối có khả năng bị nhiễm giun cao gấp 1,9 lần những phụ nữ dùng nước máy, nước giếng và nước mưa.

Truyền thông, giáo dục sức khỏe là vấn đề được nhóm nghiên cứu đề xuất ngành y tế Quảng Nam xây dựng chiến lược thực hiện. Cụ thể là truyền thông giáo dục về phòng chống thiếu máu cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, đặc biệt tập trung vào các nội dung bổ sung sắt, dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và tác hại của thiếu máu trong thời kỳ mang thai, nhất là ở vùng miền núi.

Những biện pháp truyền thông phù hợp là truyền thông trực tiếp, truyền thông đại chúng sử dụng ngôn ngữ địa phương. Song song với đó là xây dựng và duy trì lâu dài các mô hình can thiệp nhằm kiểm soát giun sán nói chung và giun móc, giun mỏ nói riêng.

Theo ông Trần Văn Kiệm, truyền thông giáo dục trong phòng chống giun móc, giun mỏ, nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, đặc biệt các thói quen đi chân đất, không mang đồ bảo hộ và sử dụng phân tươi là rất cần thiết.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá, điều tra thực trạng nhiễm các bệnh giun ở cộng đồng tại các địa phương, chú trọng đến đối tượng phụ nữ tuổi sinh sản từ 18 - 49 tuổi; bổ sung viên sắt cho các đối tượng ưu tiên như phụ nữ tuổi sinh đẻ.

CHÂU NỮ