Việt Nam thu hút các gã khổng lồ bán dẫn
(QNO) - Trang Channelnewsasia trụ sở tại Singapore số ra ngày 18/11/2024 nhận định, Việt Nam dựa vào nguồn nhân tài trẻ để thu hút các công ty bán dẫn lớn. Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 18,23 tỷ USD vào năm nay.
Channelnewsasia viết, Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn táo bạo trong việc phát triển hệ sinh thái bán dẫn quy mô lớn trong 25 năm tới với mục tiêu đào tạo ít nhất 4.000 kỹ sư mỗi năm. Việt Nam đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty trong lĩnh vực bán dẫn.
Các nhà thiết kế chip bán dẫn nổi tiếng như Intel và Amkor quyết định thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhờ vào dân số trẻ và nguồn nhân tài tiềm năng của quốc gia Đông Nam Á này.
Chính phủ Việt Nam nắm bắt lợi thế cạnh tranh để đưa ra các cải cách và ưu đãi nhằm thu hút các gã khổng lồ bán dẫn.
"Chúng tôi có nguồn nhân tài dồi dào và rất sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng" - GS-TS. Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Samsung (Hàn Quốc) là công ty được hưởng lợi từ nguồn nhân tài tại Việt Nam. Công ty chọn 10 sinh viên tốt nghiệp đại học hàng đầu ở miền Bắc Việt Nam để tham gia chương trình đào tạo bán dẫn mới - chương trình thạc sĩ gồm toàn bộ chuỗi cung ứng, từ thiết kế vi mạch đến sản xuất chất bán dẫn.
Các sinh viên sẽ tốt nghiệp sau một năm và làm việc tại nhà máy bán dẫn của Samsung tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: "Khoảng 50 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Nvidia cũng đang đến Việt Nam. Những cái tên hàng đầu như vậy sẽ có mặt tại Việt Nam".
Một số công ty bán dẫn toàn cầu thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam để thiết kế chip cũng như lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip.
Năm ngoái, Amkor có trụ sở tại Mỹ mở nhà máy sản xuất chip trị giá 1,6 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh nơi mà công ty gọi là cơ sở tiên tiến nhất thế giới.
BESI - công ty đa quốc gia của Hà Lan chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị bán dẫn vừa mở nhà máy tại khu công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, FPT - công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam đang xây dựng một nhà máy thử nghiệm chip tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tập trung vào mạch tích hợp quản lý năng lượng và sẽ sớm công bố thiết kế chip AI.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang cân nhắc các kế hoạch đơn giản hóa thủ tục đầu tư và cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Kay Chai Ang - Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) khu vực Đông Nam Á khẳng định, Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một cường quốc bán dẫn ở Đông Nam Á và ở vị thế tốt để đóng góp vào mọi giai đoạn của chuỗi giá trị.
Kết quả đó nhờ vào đầu tư chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vào năm 2050 từ thiết kế mạch tích hợp, thử nghiệm lắp ráp và đóng gói