Bắc Trà My tận dụng tối đa nguồn lực trong giảm nghèo
Bắc Trà My đặt mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo trong năm 2025, điều này đòi hỏi nguồn lực lớn cùng sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền đến người dân.
Không để ai ở lại phía sau
Những năm qua, ông Nguyễn Văn Ba (hộ nghèo tại thôn 3, xã Trà Ka) từng bước vươn lên để có thể thoát nghèo với sự đồng hành của Hội Cựu chiến binh xã.
Hội Cựu chiến binh xã đã tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của ông Ba và hỗ trợ cây quế giống để trồng trên diện tích 5 sào đất rẫy đang trồng keo xen lẫn cây sắn.
Ông Ba nói: “Chỗ tôi ở xa trung tâm, xa nhà máy nên trồng keo không có lời. Qua khảo sát, xã hỗ trợ gia đình tôi cây quế giống, hướng dẫn trồng, chăm sóc; khi quế còn nhỏ có thể trồng thêm sắn vừa có nguồn thu, tạo bóng mát cho quế nhanh lớn. Ở nhà thì nuôi thêm gà, heo, làm ruộng. Nhà nước có nguồn hỗ trợ, mình có đất, sức lao động, chăm chỉ làm ăn hy vọng cuộc sống tốt hơn”.
Ngoài hỗ trợ giống quế, xã Trà Ka còn hỗ trợ các loại cây giống như mít, xoan đào, phát triển trồng cây nghệ đen trong vườn nhà dân để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích cây keo nhằm bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước.
UBND xã Trà Ka cùng với Mặt trận và các đoàn thể của xã phân công giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sinh kế tùy theo điều kiện, từng bước vươn lên thoát nghèo, không để ai ở lại phía sau, xây dựng đời sống mới tiến bộ, no ấm hơn.
Linh hoạt nguồn lực cho giảm nghèo
Việc thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân được Bắc Trà My ưu tiên hàng đầu.
Trong đó chú trọng thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Người dân được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây ăn quả, dược liệu, bò, dê, heo đen...
Huyện cũng thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng. Huyện lựa chọn 3 cây (cây ăn quả, dược liệu và quế Trà My) và 3 con (bò, dê và heo đen) để tập trung phát triển trong dân, nhất là ưu tiên mô hình sinh kế cho hộ nghèo liên quan tới các loại cây, con giống này để thực hiện.
Năm 2025, huyện Bắc Trà My đặt mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20,84% (hiện nay là 34,56%). Để thực hiện mục tiêu này, Bắc Trà My đang từng bước nâng cao đời sống nhân dân từ nguồn vốn đầu tư của tất cả chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đang thực hiện trên địa bàn huyện.
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Huyện đặt mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Việc giảm nghèo sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Các nguồn lực được đầu tư trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin. Bắc Trà My đang thực hiện lồng ghép các nguồn lực, phấn đấu đến cuối năm 2025 thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn”.
Tổng vốn hỗ trợ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2024 của huyện Bắc Trà My là hơn 269,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này lồng ghép với các nguồn vốn của chương trình dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, Bắc Trà My đầu tư hạ tầng để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh tế, ưu tiên đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo để giảm sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, tăng khả năng tiếp cận nhu cầu xã hội.
Nhu cầu của hộ nghèo về nhà ở, phát triển mô hình sinh kế phù hợp, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, kết nối làm việc trong và ngoài nước... được khảo sát cụ thể và hỗ trợ bằng nguồn lực chính sách.