Thầy tôi
Tôi dự định sẽ xuất hiện ở tiết dạy cuối cùng của thầy, để thay lời những đứa học trò năm xưa, cảm ơn thầy trong một thời khắc đặc biệt. Thế nhưng, vì không sắp xếp được công việc, chúng tôi chỉ kịp gởi lẵng hoa chúc mừng thầy hoàn thành một chặng đường không ít gian nan nhưng cũng nhiều hạnh phúc.
Tôi biết những buổi dạy cuối cùng, thầy tôi ngổn ngang cảm xúc bâng khuâng tiếc nuối. Thầy không phải vội vã mỗi sáng mỗi chiều để kịp đến trường. Không còn nghe tiếng ồn ào của đám học trò tuổi mới lớn, không còn nghe những lời ca cẩm thật đáng yêu kiểu: “Chúng ta không tha hóa, nhưng Hóa không tha chúng ta”...
Thầy tôi người Huế. Thời những năm 1980, sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế được nhà trường bổ nhiệm công tác ở bất cứ địa phương nào. Đất Tiên Phước quê tôi lúc ấy, đa số giáo viên cấp ba là các thầy cô quê bên kia đèo Hải Vân hoặc Bình Định.
Các thầy cô đến xứ Tiên trong quãng thời gian ấy sẽ không thể nào quên những kỷ niệm về một miền đất nghèo khó và lũ học trò vượt biết bao gian nan để kiếm tìm con chữ.
Ngôi trường ngày xưa tôi đi học nằm ở thị trấn nhưng từ cửa hàng bách hóa huyện đi tới cổng trường là đường đất. Mùa nắng bụi đỏ; mùa mưa nhão nhoét. Ngôi trường đơn sơ nhưng ký ức thì đậm đà với biết bao vui buồn của chuyện dạy học thời bao cấp.
Tôi biết thầy tôi sẽ rưng rưng khi nhớ lại quãng thời gian chưa đầy mười năm nhưng ăm ắp kỷ niệm nơi xứ Tiên. Đúng là những năm tháng không thể nào quên của đời người.
Với mấy dãy nhà cấp bốn, tường bao nhiêu lỗ khoét và vệt chữ xi măng loang lổ, học sinh ở phòng này có thể nghe thầy cô giảng ở lớp khác. Đám học trò lúc ấy đủ cả độ tuổi, có đứa gần ngang cả tuổi thầy cô. Thế nhưng, hầu hết rất ngoan và khát khao chữ nghĩa.
Giữa hai học kỳ là những đợt lao động tập trung ở các xã Tiên Phong hay Sơn Cẩm Hà trồng sắn, trồng trảu, bạch đàn hoặc thông reo..., gọi là tuần lao động xã hội chủ nghĩa.
Tất cả học sinh cơm đùm gạo gói cùng các thầy cô tham gia như một đơn vị bộ đội. Niềm vui của thầy trò là được nghỉ học dù đi phát rừng, trồng cây vô cùng vất vả. Có lần cuối đợt lao động, lũ về ào ạt. Nước tràn qua hố, qua suối. Thế là các thầy và bạn nam sinh nào mạnh nhất phải chặt cây làm cầu dã chiến để dẫn cả trường băng qua nước lũ.
Thầy cô mới ra trường, đồng lương ít ỏi thời bao cấp, hầu như phải làm thêm bất cứ việc gì để trang trải cuộc sống. Tôi nhớ khu tập thể ọp ẹp bên kia cổng trường. Thầy cô lập gia đình phải nấu rượu nuôi heo, cột chổi đót, đào giếng... để kiếm thêm thu nhập.
Những năm tháng gắn bó với miền trung du Tiên Phước, thầy tưởng tôi sẽ thi vào ngành y nhưng tôi lại học sư phạm, ở chính ngôi trường thầy từng học. Thời đó, thầy không hề khuyên học trò nào đi theo nghề giáo, bởi lẽ cuộc sống quá nhọc nhằn.
Bây giờ tôi lại thấy, mình học sư phạm là điều thật may mắn. Tôi đi tiếp con đường thầy mình đã từng đi và thấm thía những áp lực và hạnh phúc của nghề. Tôi càng hiểu và trân trọng thầy nhiều hơn. Ngày thầy giã từ bảng đen phấn trắng, những mảnh ghép ký ức vẫn long lanh trong miền thương nhớ, không thể phai mờ.