Trường xóm Gò ngày ấy...
Gần một năm sau ngày giải phóng, tôi về Điện Ngọc (Điện Bàn) nhận công tác giảng dạy; ngôi trường đơn sơ với nhiều kỷ niệm thầy trò khó quên.
1. Buổi sáng hôm tôi đến, nắng khá gay gắt. Hai bên đường, chỉ thấy một số cây dương liễu mới trồng. Nhà dân hai bên đường thưa thớt, hầu hết bằng tranh tre.
Điện Ngọc là một trong những vùng chiến sự ác liệt trong chiến tranh. Nơi đây bị cày xới thành “vành đai trắng” để bảo vệ Đà Nẵng. Nhiều gia đình ở đây đưa gia đình “tản cư” ra Đà Nẵng hoặc các vùng lân cận để lánh nạn. Sau giải phóng, họ trở về quê cũ.
Tôi đi bộ trên đường tỉnh lộ từ chợ Điện Ngọc vào khoảng hai cây số là đến Trường cấp 1 Điện Ngọc. Nói là “trường” nhưng chỉ có một dãy 3 phòng học mặt hướng ra đường tỉnh lộ. Dãy phòng học được xây bằng gạch, tường vôi mới, lợp ngói đỏ. Sân trường im vắng, không có học sinh.
Trong phòng học đầu dãy, các thầy cô giáo đang họp. Thấy tôi đến, một thầy giáo khoảng 50 tuổi, mắt đeo kính trắng đang chủ trì cuộc họp, bước ra. Khi biết tôi là giáo viên mới đến nhận nhiệm sở, thầy mời tôi vào phòng họp và giới thiệu tôi với các thầy cô giáo đang có mặt.
Có khoảng hai mươi thầy cô giáo, hầu hết đều khá trẻ. Thầy giáo đeo kính trắng chủ trì cuộc họp là thầy Huýnh - Trưởng ban điều hành trường, phân công tôi vào dạy lớp 1G và 1H ở xóm Gò.
Do không đủ giáo viên nên đa số thầy cô giáo phải dạy hai lớp trong một ngày. Các giáo viên nam cũng phải dạy lớp 1. Kết thúc cuộc họp, tôi đi bộ ngược ra ngã tư Điện Ngọc, rồi rẽ trái, đi tiếp chừng hai cây số nữa là đến điểm trường nơi tôi sẽ nhận lớp.
Tôi còn nhớ như in trưởng thôn dẫn tôi đến một cái phòng lợp tôn, nằm cách nhà dân vài chục mét và bảo đây là “phòng học”. Phòng gồm các trụ cột xung quanh bằng tre; đòn tay trên mái cũng là những cây tre; mái lợp tôn. Chỉ có một phía được che chắn bằng các tấm tranh được “đánh” từ thân cây lúa khô, ba phía khác của phòng trống trải.
Tôi thật sự bùi ngùi trước cảnh trường lớp tạm bợ như thế này. Nghĩ mà thương cho các em học sinh phải ngồi học trong một phòng học lạnh lẽo và đơn sơ như thế.
Một vài người dân gần đó đến chào hỏi, tôi băn khoăn phòng như thế này, các em ngồi học vào lúc mưa gió thì lạnh lắm. Ông trưởng thôn trấn an rằng, sẽ huy động phụ huynh đem các tấm tranh rạ đến che xung quanh. Tôi cũng được bố trí ở nhà ông Ngọc gần lớp học.
2. Ngày hôm sau, lần đầu tiên tôi đi dạy. Tôi đến lớp từ sớm trong tâm trạng nao nức lạ thường. Học sinh lần lượt đến lớp. Tôi bất ngờ vì thấy học sinh lớp 1 mà hầu hết đều hơn 8 tuổi, có em 11, 12 tuổi với nét mặt ngây thơ. Thật thương cho các em khi đến trường trong những bộ áo quần giản dị, có gì mặc nấy; có em không có mũ và giày dép...
Mỗi ngày tôi lên lớp hai buổi. Buổi sáng dạy lớp 1G, buổi chiều dạy lớp 1H. Mỗi lớp khoảng 30 học sinh. Buổi trưa, tôi về ăn cơm cùng gia đình ông Ngọc. Những chén cơm độn khoai sắn, những chén mắm cái, một ít rau trong vườn nhà… nhưng ấm áp nghĩa tình.
Chiều thứ Bảy tuần đầu tiên, sau buổi dạy lớp 1H, tôi tạm biệt gia đình ông Ngọc, đi bộ ra chợ Điện Ngọc bắt xe đò trở về Đà Nẵng. Sáng chủ nhật hôm sau, tôi lại bắt xe đò vào trường từ sớm.
Đến lớp, đã thấy rất đông phụ huynh tập trung. Các phụ huynh đang tất bật kẻ đánh tranh từ những bó rạ lúa, người đang chẻ hom tranh từ những cây tre tươi vừa đốn, được mang tới. Người thì cột những tấm tranh treo che kín các phía phòng học.
Chỉ trong một buổi sáng mà phòng học đã được che kín xung quanh bằng những tấm tranh đánh từ rơm rạ, chừa cửa ra vào và các cửa sổ. Nhìn phòng học đã trở nên kín gió, tôi xúc động. Vậy là từ nay, các học sinh của tôi sẽ không phải chịu cảnh rét buốt khi trời mưa gió.
Tôi sống trong nhà ông Ngọc suốt thời gian dạy học tại đây, được gia đình ông xem như người thân. Thời gian dạy học tại Trường xóm Gò, những lúc rảnh rỗi, tôi đến từng nhà học sinh để tìm hiểu thêm về các em.
Vào một ngày gần cuối học kỳ 1, thầy trưởng và phó ban điều hành trường đến thăm lớp và dự hai tiết dạy của tôi. Vài hôm sau, ban điều hành quyết định điều tôi về “trường chính”. Tôi về đó để dạy lớp 5A. Hai lớp 1H và 1G của tôi sẽ được bàn giao cho một giáo viên khác.
Ngày tôi bàn giao lớp cho giáo viên khác là một ngày buồn. Các em học sinh lưu luyến tạm biệt tôi mà nước mắt lưng tròng. Tôi chào tạm biệt gia đình ông Ngọc, cảm ơn tình cảm yêu quý của ông đã cưu mang tôi những tháng ngày ở đó. Ơn của gia đình ông, tôi mãi khắc ghi.
Khi thấy tôi xách đồ đạc trở về “trường chính”, nhiều người dân trong xóm chặn tôi lại trên đường, tâm tư “sao thầy không xin ở lại đây dạy con em bọn tui”, khiến lòng tôi ray rứt. Nơi đây đã cho tôi biết bao kỷ niệm yêu thương từ những ngày đầu làm anh giáo trẻ. Trường xóm Gò chỉ tồn tại trong khoảng 5 năm nhưng ký ức về “phòng học” đầu tiên tôi dạy vẫn còn đọng mãi.