Quảng Nam cấp bách gỡ vướng cho nghề khai thác hải sản
Giải quyết tình trạng tàu cá mất kết nối giám sát hành trình và gấp rút xóa bỏ tàu cá “3 không” là nhiệm vụ cấp bách của nghề khai thác hải sản Quảng Nam.
Khắc phục mất kết nối giám sát hành trình
Từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt 70 vụ vi phạm thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá của ngư dân với số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng.
Do trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa ngày càng khan hiếm nên có tình trạng ngư dân Quảng Nam cố tình ngắt kết nối GSHT tàu cá để sang vùng biển nước bạn đánh bắt hải sản, nhất là nghề câu mực.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, theo quy định của Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực năm 2019, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải vận hành GSHT xuyên suốt chuyến biển.
Bởi vậy, các thuyền trưởng phải luôn theo dõi hoạt động của thiết bị GSHT tàu cá. Nếu GSHT tàu cá bị mất kết nối thì ngư dân phải dùng thiết bị liên lạc VX1700 nhắn tin về trạm bờ với tần suất 6 giờ/lần để ngành chức năng biết được tọa độ của tàu cá.
Ngư dân khi gặp sự cố về GSHT tàu cá phải liên lạc về Văn phòng Kiểm soát nghề cá Quảng Nam hoặc dùng nhật ký điện tử để chứng minh tàu cá bị sự cố khi đang ở vùng biển Việt Nam. Khi gặp sự cố GSHT mà không thể khắc phục được thì ngư dân bắt buộc phải đưa tàu cá về bờ trong vòng 10 ngày để tránh bị xử phạt.
“Ngành thủy sản khi biết có tàu cá mất kết nối GSHT sẽ liên hệ đến thuyền trưởng tàu cá để nhắc nhở hoặc gọi điện đến người thân của chủ tàu cá để thông báo. Ngư dân nếu có điều kiện nên đầu tư 2 thiết bị GSHT tàu cá để thay thế khi gặp sự cố” - ông Long nói.
Thực tế là tàu cá bị mất kết nối GSHT có lỗi do nhà mạng cung cấp dịch vụ. Như trường hợp của VNPT Quảng Nam gặp sự cố mất kết nối GSHT tàu cá do lỗi vệ tinh Thuraya 3. Sự việc xảy ra từ tháng 4/2024 đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để.
Ngư dân cho biết, khi sự cố mất kết nối GSHT, VNPT Quảng Nam thông báo sẽ có hình thức bồi thường thiệt hại cho ngư dân nhưng đến nay vẫn chưa được nhận.
Bà Võ Thị Hoài Phương - Quản lý dịch vụ VNPT Quảng Nam cho biết, đã nỗ lực khắc phục sự cố mất kết nối GSHT trên tàu cá của ngư dân. Đến nay đã khắc phục được hơn 90% và sẽ tiếp tục thực hiện thời gian tới.
Giải quyết tàu cá “3 không”
Đến thời điểm này, Quảng Nam còn 67 tàu cá chưa đăng ký, cấp phép và đăng kiểm (tàu cá “3 không”). Trong đó, Núi Thành có 40 tàu, Hội An 18 tàu, Duy Xuyên 3 tàu và Thăng Bình 6 tàu.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, việc đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không” có chiều dài từ 6m đến dưới 12m được ngành thủy sản, biên phòng, các địa phương chú trọng triển khai.
Đến nay còn 43 chiếc, nếu giải quyết quyết liệt hơn nữa sẽ đảm bảo kế hoạch theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT là phải hoàn thành vào cuối tháng 11/2024.
Đối với 24 tàu cá “3 không” có chiều dài từ 12m đến dưới 15m không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT do còn gặp khó khăn về hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chứng thư giám định máy.
Đặc biệt, chất lượng tàu cá không đảm bảo an toàn kỹ thuật cho nên chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá để được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản.
Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, cơ sở đăng kiểm hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân thực hiện đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không” từ 12m trở lên.
Có thực tế là số lượng tàu cá “3 không” liên tục “biến động” trong thời gian qua do công tác thống kê của các địa phương không chính xác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ các địa phương ven biển phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm tra thực tế từng tàu cá “3 không” để phân loại, xử lý, bảo đảm hoàn thành tiến độ Bộ NN&PTNT giao.
Đối với tàu cá “3 không” phát sinh ngoài danh sách, các địa phương phải khẩn trương báo cáo danh sách, đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể để UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Để quản lý chặt chẽ đối với nhóm tàu cá “3 không”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ, xác định vị trí cụ thể tàu thuyền đang neo đậu. Cơ quan chức năng kiên quyết không cho tàu cá “3 không” xuất bến đi khai thác thủy sản và chỉ được thực hiện khi đảm bảo đăng ký, cấp phép và đăng kiểm.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về gỡ “thẻ vàng” thủy sản mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các địa phương kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm các đồn, trạm biên phòng tuyến biển nếu để tàu cá không vận hành GSHT, tàu cá “3 không” xuất nhập bến khai thác hải sản; dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định).
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp, viễn thông Quân đội (Viettel) khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án trình Chính phủ về sản xuất, cung cấp thiết bị GSHT đảm bảo chất lượng để thực hiện đồng bộ trong cả nước; cung cấp, hỗ trợ miễn phí cho ngư dân và xây dựng quy chế, quy định trang bị, sử dụng thiết bị GSHT do Nhà nước quản lý theo quy định pháp luật.