Cần bảo tồn loài cò nhạn và dơi chó tai ngắn ở Sông Đầm
Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam trong đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ Sông Đầm, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam”.
Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh, vừa được Sở KH-CN Quảng Nam nghiệm thu. Theo các nhà khoa học, cò nhạn và dơi chó tai ngắn là các loài động vật có xương sống quý hiếm cần bảo tồn ở Sông Đầm.
Cò nhạn hay cò ốc (danh pháp khoa học: Anastomus oscitans) là một loài chim thuộc họ hạc. Cò nhạn thường sống ở các nước trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á, có đặc điểm sống di cư, nhưng do vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn thu hẹp nên chúng phải di cư đến vùng khác.
Cò nhạn có trọng lượng từ 1 - 1,2kg, chủ yếu có màu trắng với đôi cánh màu đen bóng và đuôi có ánh lục hay tía. Những con trưởng thành có mỏ với một khoảng hở hẹp hình thành bởi hàm dưới uốn ngược và hàm trên hình vòng cung. Bộ lông chim trưởng thành thay đổi theo mùa.
Vào mùa hè, chim trưởng thành có lông cánh sơ cấp, thứ cấp và lông đuôi đen có ánh lục hay hồng; phần còn lại của bộ lông màu trắng. Còn vào mùa đông, cánh lông trắng ở mặt lưng chuyển thành xám nhạt.
Cò nhạn có phân bố chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Ninh. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, cò nhạn di cư rộng hơn ra một số tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Trị) và miền Bắc (Điện Biên, Hải Dương).
Dơi chó tai ngắn (danh pháp khoa học: Cynopterus brachyotis), thuộc họ dơi quả Pteropodidae. Loài này tai ngắn, có viền trắng hoặc xám, chiều dài nhỏ hơn 18cm, bộ lông màu xám nhạt hoặc nâu, lông ở các phần vai cổ và hông của con trưởng thành màu da cam hoặc vàng tươi.
Dơi chó tai ngắn thường sinh sống ở nhiều kiểu sinh cảnh khác nhau, từ rừng núi đến đồng bằng, các khu đô thị, chúng trú ngụ dưới mái các công trình xây dựng, vách hang và dưới tán cây. Loài dơi này có thể bay khoảng 97 - 113km mỗi đêm để kiếm ăn. Thức ăn của chúng là mật hoa quả, hạt của nhiều loài cây khác nhau...