Phòng chống bệnh cho trẻ em khi giao mùa
Hiện thời tiết chuyển mùa thu đông, tạo điều kiện thuận lợi để các vi rút, vi khuẩn phát triển làm gia tăng mắc bệnh về hô hấp, đường ruột của trẻ, phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Không chủ quan với bệnh giao mùa
Theo bà Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, hệ miễn dịch của trẻ con non yếu, khó thích nghi với biến đổi của môi trường là lý do trẻ dễ nhiễm bệnh khi giao mùa.
Trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu thì thời tiết giao mùa lại tạo điều kiện cho nhiều loại vi rút và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trẻ dễ dàng bị vi trùng xâm nhập vào đường hô hấp vì đây là cơ quan “cửa ngõ” tiếp xúc với không khí bên ngoài thường xuyên.
Trẻ có thể bị bệnh hô hấp từ nhẹ đến nặng như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi, họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi nếu không được phòng tránh bệnh kịp thời.
Thời tiết giao mùa biến đổi thất thường, khiến sức đề kháng của trẻ bị suy yếu nên trẻ rất dễ mắc cảm cúm. Khi bị bệnh, trẻ có thể sốt một cách đột ngột hoặc sốt đi kèm với run, ớn lạnh, cơ thể đau nhức, mệt mỏi và ho khan.
Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, trẻ có thể sẽ bị đau họng, nghẹt mũi và tiếp tục ho. Cảm cúm thường không quá nghiêm trọng nhưng cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Viêm đường hô hấp là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp ở trẻ. Đối với bệnh viêm đường hô hấp trên thể cấp tính sẽ khiến người bệnh sốt cao, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, niêm mạc họng đỏ. Nếu không được điều trị dứt điểm, viêm đường hô hấp trên thể cấp tính có thể tiến triển thành mạn tính.
Viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản khiến bệnh nhân ho nhiều, có thể có đờm, khò khè, khó thở… Bệnh nếu không được điều trị đúng phác đồ rất khó khỏi hẳn và dễ bị tái phát. Trẻ có thể bị viêm khí quản, tiểu phế quản, viêm phổi và khi mắc bệnh thường diễn tiến nặng.
Bệnh tay chân miệng khởi phát với triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ đến cao, đau họng, chảy nước bọt, một số trường hợp có thể kèm nôn và tiêu chảy. Triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng là những bọng nước ở niêm mạc má, lợi, lưỡi tiến triển nhanh thành các vết loét khiến người bệnh cảm thấy đau rát.
Ngoài những vết loét ở miệng, người bệnh còn có thể phát ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối và mông. Bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh, hô hấp, tuần hoàn.
Tăng cường biện pháp phòng bệnh
Thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường còn tạo điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Bệnh tiêu chảy cấp gặp nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi với các biểu hiện điển hình như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, dễ mất nước, có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời...
Theo bà Nguyễn Thị Kim Vân, hầu hết bệnh diễn tiến lành tính, ít gây biến chứng nếu biết chăm sóc và theo dõi đúng cách. Để phòng các bệnh lúc giao mùa, cũng như cách chăm sóc trẻ khi mắc bệnh, cần chú ý đến chế độ ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Một chế độ ăn khoa học là yếu tố quan trọng giúp trẻ có hệ miễn dịch vững vàng; trong đó chú ý đến thành phần đạm và các vi chất. Kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có nhiều trong thịt bò, gà, cá, trứng và hải sản.
Ngoài ra, ba mẹ nên tập cho trẻ có thói quen ăn nhiều rau quả, uống nước ép trái cây có màu vàng, cam, đỏ như cam, cà rốt, cà chua… nhằm bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C cũng góp phần rất quan trọng tăng cường hệ miễn dịch của con.
Do thời tiết thất thường kèm theo ẩm thấp, mưa gió, các mẹ cần lưu ý trang phục cho trẻ trong ngày để đảm bảo thân nhiệt. Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm, chú ý phần cổ, tay, chân.
Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ, việc vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng hết sức lưu ý như thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày. Cần cho trẻ ngủ đủ giấc, phòng ngủ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
Đặc biệt, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh cho trẻ.