Khó di thực sâm Ngọc Linh
Qua 4 năm thực hiện di thực, trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém. Các địa phương, đơn vị thực hiện đang đề nghị UBND tỉnh cho phép dừng, kết thúc mô hình trồng thử nghiệm.
Không thích ứng
Trong hai năm (2021 và 2022), UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho 7 địa phương, gồm Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước di thực, trồng thử nghiệm 9 mô hình sâm Ngọc Linh dưới tán rừng với 8.000 cây giống. Mỗi mô hình được bố trí 1.000 cây giống; riêng huyện Phước Sơn được bố trí hai mô hình (500 cây/mô hình).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hồ Quang Bửu cho hay, mục tiêu của việc di thực, trồng thử nghiệm là địa bàn nào thích ứng tốt sẽ mở ra cơ hội đa dạng hóa cây trồng chất lượng cao, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân sở tại.
Các địa phương thực hiện đều chọn địa điểm trồng thử nghiệm ở địa bàn vùng núi cao, có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng như tại núi Ngọc Linh (Nam Trà My) để triển khai trồng thử nghiệm.
Quá trình thực hiện đều được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN&PTNT) trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật ươm, trồng và chăm sóc. Định kỳ hằng quý và năm đều tổ chức kiểm tra, khảo nghiệm đánh giá kết quả thực hiện để điều chỉnh và có các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm giúp cây sâm sinh trưởng, phát triển ổn định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, việc di thực, trồng thử nghiệm thật sự không khả thi.
Trong thời gian đầu ươm giống hay trồng thử nghiệm, ở một số mô hình tại các vùng núi với độ cao từ 1.320m đến trên 1.500m như ở xã Trà Bui (Bắc Trà My), xã Phước Lộc (Phước Sơn), xã Ch’Ơm (Tây Giang), xã Chơ Chun (Nam Giang) có những tín hiệu tích cực như tỷ lệ hạt nảy mầm, lên cây khỏe, tăng trưởng ổn định. Tiến trình cây sâm ngủ đông, tái sinh chồi hay gieo từ hạt đều có thân cứng cáp, tán lá sung sức, bộ rễ dài và khỏe.
Tại xã Trà Bui, ông Châu Minh Ninh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My (đơn vị thực hiện mô hình trồng thử nghiệm) cho hay, từ tín hiệu khả quan ban đầu của việc trồng thử nghiệm, đã có hàng chục hộ dân địa phương tự bỏ kinh phí đầu tư mua hạt giống, cây giống từ vùng Trà Linh (Nam Trà My) về cùng tham gia trồng trên khu vực Núi Xanh, có độ cao trên 1.400m với mục đích cải thiện thu nhập kinh tế gia đình từ loài nhân sâm quý này.
Song, càng về sau, khi cây sâm bước vào năm tuổi thứ hai trở đi, việc sinh trưởng, phát triển càng thể hiện rõ sự không thích ứng. Trong đó, mô hình tại xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) và xã BhaLêê, thuộc lâm phận Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La (Tây Giang), cây sâm trồng thử nghiệm chết trên 98%. Các mô hình còn lại, cây sâm cũng trong tình trạng hầu hết không phát triển thân, lá hoặc chết.
Đề nghị kết thúc mô hình
Theo đánh giá tổng quan của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, mô hình trồng thử nghiệm 3 và 4 năm tuổi đều không đạt kết quả như kỳ vọng.
Hai mô hình tại Tiên Phước và Núi Thành, cây sâm 3 năm tuổi hoàn toàn không có khả năng sinh trưởng, phát triển thân lá mới hoặc tái sinh chồi với tỷ lệ rất thấp. Trọng lượng củ sâm chỉ đạt 1,2gram, còn củ sâm trồng tại khu vực đối chứng (Trạm Dược liệu Trà Linh, Nam Trà My) thì lên đến 11,5gram.
Đối với sâm trồng thử nghiệm 4 năm tuổi tại vùng núi cao của các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn và Bắc Trà My, các chỉ số chiều cao cây, đường kính thân, tán lá, chiều dài, chiều rộng lá… đều kém.
Theo ông Trương Công Quang - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, riêng các chỉ số liên quan đến củ, bộ phận quyết định đến năng suất và hiệu quả kinh tế của cây sâm đạt rất thấp.
Chiều dài củ sâm chỉ từ 3,14 - 5,12cm và đường kính từ 1,08 - 1,54cm. Trong khi đó, sâm được trồng tại Trà Linh có chiều dài củ là 7,3cm và đường kính 2,4cm. Trọng lượng củ cũng chỉ dao động từ 1,28 - 6gram, chỉ bằng 10 - 20% so với trọng lượng trung bình củ sâm được trồng tại Trà Linh (15,4gram).
“Khả năng thích ứng của cây sâm Ngọc Linh với môi trường sinh thái ngoài vùng núi Ngọc Linh không cao bởi điều kiện tự nhiên không thích hợp. Hầu hết đều sinh trưởng, phát triển, tái sinh chồi rất thấp; bộ rễ không phát triển, củ teo và thối dần… Các đơn vị di thực đều xin ý kiến Sở NN&PTNT và UBND tỉnh để kết thúc thực hiện mô hình trồng thử nghiệm” - ông Quang cho hay.
Núi Ngọc Linh được xem là cao nhất Nam Trường Sơn và nửa phía Nam nước ta với độ cao tuyệt đối 2.605m, hầu hết là rừng già, đất đai màu mỡ, trù phú với lớp mùn dày. Loài nhân sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên hay được con người trồng tập trung ở những khu vực có độ cao 1.500m đến 2.100m.
Già làng Nguyễn Văn Dũng (làng Kon Pin, thôn 2, xã Trà Linh) nói: “Bề trên ban tặng cho người Xơ Đăng cái núi cao, trời thì luôn mát lạnh, đất lành và cây nhân sâm quý. Chỉ ở núi Ngọc Linh ni thì cây nhân sâm mới sống, lớn nhanh, cho hoa, lá nhiều và củ lớn.
Hồi trước, có người dưới xuôi lên mang giống nhân sâm về trồng thử nhưng không được. Gần đây thì nhiều người biết được loại nhân sâm hắn khó rứa nên họ lên đây mua đất rừng hoặc chung vốn với dân làng Kon Pin, Tăk Ngo, Măng Lùng… mà trồng nhân sâm thương phẩm”.
Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, việc di thực, trồng thử nghiệm tại các địa bàn ngoài vùng núi Ngọc Linh không thành công là do cây nhân sâm không thích ứng được và đã chứng tỏ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng Ngọc Linh rất đặc biệt. Qua đó, thương hiệu, giá trị và chất lượng đích thực của sâm Ngọc Linh quý hiếm càng thêm được củng cố và khẳng định trên thị trường.