Hồ sơ - Tư liệu

Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam - lòng dân với ĐảngBài 1: Căn cứ trong lòng dân

PHẠM LÊ DUY 21/11/2024 08:45

Trong lịch sử phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng, căn cứ địa có vị trí, vai trò quan trọng - nơi lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, bám sát cơ sở của Tỉnh ủy Quảng Nam để tích lũy, xây dựng, phát triển lực lượng, lãnh đạo khởi nghĩa... Nơi thể hiện sự lãnh đạo linh hoạt, tài tình và gắn bó keo sơn lòng dân với Đảng.

z6027053406913_a97e637a29378964f75acb98b0c993de.jpg
Căn cứ Hòn Tàu trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

BÀI 1: CĂN CỨ TRONG LÒNG DÂN

Xuyên suốt quá trình cách mạng, căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam (có giai đoạn là Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Đà, Đặc Khu ủy Quảng Đà) phải “thiên biến vạn hóa” để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đó là giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975) và TP.Đà Nẵng (29/3/1975).

Vì sứ mệnh lịch sử

Ngay sau khi ra đời, Tỉnh ủy Quảng Nam đã mua ngôi nhà tranh của gia đình ông Nguyễn Tài (xóm Da, ấp Xuân Lâm, nay là số 120 Thái Phiên, Xuân Hòa, Cẩm Phô, Hội An) làm trụ sở hoạt động; ấn loát tài liệu, nơi liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ và phủ ủy, huyện ủy; là nơi lưu hành báo “Bẻ xiềng” của Xứ ủy Trung Kỳ; in và phát hành báo “Lưỡi cày”- cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy.

Cuối tháng 10/1930, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy và tiến hành khủng bố, Tỉnh ủy chuyển đến khu vực An Hòa (Núi Thành), sau đó ra Điện Bàn (tháng 2/1933) và Hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Kinh (còn gọi là Hương Kỳ) ở làng Tân Hạnh (nay là xã Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Khi Chiến tranh thế giới II bùng nổ, từ năm 1939 - 1943, Tỉnh ủy liên tiếp chọn nơi đứng chân tại Tam Kỳ, An Thạch (nay thuộc thôn Bình Trúc 2, Bình Sa, Thăng Bình), vùng Ba Nghi - Lộc Đại (nay xã Quế Hiệp, Quế Sơn), có lúc có cả Xứ ủy Trung Kỳ, rồi Duy Xuyên, Kim Bồng (Hội An) và Tam Giang (Tam Kỳ). Tại Tam Giang, Tỉnh ủy in ấn và phát hành tờ báo “Cờ Độc lập”.

Sau khi tiếp nhận Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tỉnh ủy lần lượt về lại Quế Sơn, Tam Kỳ, Điện Bàn… lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Tháng 9/1945, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy chuyển từ Bích Trâm (xã Điện Hòa, Điện Bàn) về thị xã Hội An, đóng tại trụ sở Tòa Công sứ Hội An (nay là Khách sạn Hội An) và Kho bạc Hội An. Sau một tháng, dời về trường Viên Minh.

Toàn quốc kháng chiến, Tỉnh ủy rời Hội An, một bộ phận chuyển vào xã Tam Dân, Tam Kỳ. Bộ phận Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo kháng chiến và Ủy ban Kháng chiến được chuyển lên ở Đặc khu Hoàng Văn Thụ, phía tây Quế Sơn, nay thuộc huyện Nông Sơn (từ tháng 3/1947 - 12/1947).

Cuối năm 1948, Tỉnh ủy chuyển từ các xã phía tây huyện Thăng Bình lên thôn 2, thôn 3 xã Tiên Sơn, Tiên Phước. Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh ban đầu ở Tiên Châu, Tiên Kỳ, sau chuyển về xã Tiên Phong; chỉ thời gian ngắn, rồi chuyển về xã Tam An, Tam Kỳ lãnh đạo xây dựng vùng tự do và đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng tạm chiếm.

Từ đầu năm 1951, Tỉnh ủy và các cơ quan ở tại thôn 4, Tiên Lập, Tiên Phước. Từ sau năm 1945, Tỉnh ủy chuyển địa điểm liên tục qua nhiều địa bàn khác nhau.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), Tỉnh ủy chuyển từ Tiên Phước xuống Chiên Đàn, Tam An, Tam Kỳ (nay thuộc Phú Ninh), sau đó là Thạnh Đức (Tam Dân), rồi từ Tam Dân ra khu vực làng Cao Ngạn, phía tây Thăng Bình (nay là Bình Lãnh).

Trước sự vây ráp, truy quét liên tục của địch, tháng 1/1955, Tỉnh ủy ra Điện Bàn và Hội An. Từ tháng 7/1955, Tỉnh ủy chuyển từ Điện Tiến (Điện Bàn) lên khu vực Mang Mai, Tống Cói, Phú Túc (Hòa Nam, Hòa Vang).

Tiếp đó, Tỉnh ủy quyết định tách hai xã Hòa Bắc và Hòa Nam ra khỏi Hòa Vang để thành lập Khu căn cứ của Tỉnh ủy (mật danh B1), thành lập Ban Cán sự B1 (còn gọi là Ban Cán sự miền tây Hòa Vang), xây dựng khu vực Trung Man (xã Ba, xã Tư, Đông Giang) trở thành khu căn cứ cách mạng. Đến đầu năm 1958, Tỉnh ủy chuyển lên thôn Paghì, xã Tà Pơơ - Giằng (nay xã Tà Pơơ, Nam Giang). Theo tinh thần Nghị quyết 15, Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan từ Bến Hiên lên xây dựng cơ sở tại bờ sông A Vương, thôn Adhur, xã Arooi, Đông Giang.

Đầu năm 1960, Liên Khu ủy 5 chuyển từ huyện Bến Hiên vào Nước Là, Trà Mai, Trà My (nay thuộc huyện Nam Trà My) với mật danh là Đỗ Xá. Cuối năm 1961, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chuyển từ xã Tà Lu, Đông Giang về tại làng Dụt, Tống Cói, Đông Giang (nay xã Ba, Đông Giang). Từ cuối năm 1962, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chuyển về tại Nà Cau (nay là thôn 12, Tiên Lãnh, Tiên Phước).

Từ tháng 7/1963, để tránh sự đánh phá của địch trong chiến dịch “Bình Châu”, Tỉnh ủy chuyển về đứng chân tại thôn 3, xã Tiên Phong.

Đến đầu tháng 5/1965, kịp thời lãnh đạo đánh Mỹ, nhất là chỉ đạo vành đai Chu Lai, Tỉnh ủy Quảng Nam chuyển từ khu vực Sơn - Cẩm - Hà về tại thôn 6 xã Kỳ Quế (nay lòng Hồ Phú Ninh) rồi chuyển đến thôn 4, Kỳ Sơn, Tam Kỳ vào năm 1966.

Từ cuối năm 1966 đến năm 1967, Tỉnh ủy chuyển về xã Tiên Ngọc và Tiên Lãnh, Tiên Phước. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy chuyển về tại nhà ông Năng, thôn 6 Kỳ Quế. Cơ quan tiền phương của Tỉnh ủy chuyển xuống căn cứ lõm Đồng Nghệ, thuộc xã Kỳ Nghĩa (nay phường Trường Xuân, Tam Kỳ).

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, từ năm 1969 đến năm 1972, căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy đóng tại các địa điểm: nóc Ông Đề (thôn 5, xã Kót, Nam Trà My); suối Đá (thôn 1, xã Kỳ Yên, Nam Tam Kỳ); suối Cát (xã Phước Hà, Tiên Phước). Tháng 5/1970, Tỉnh ủy chuyển về suối Đá, thôn 1, xã Kỳ Yên, Nam Tam Kỳ. Sau hiệp định Pari (1973), Tỉnh ủy về tại vùng Sơn - Cẩm - Hà.

Trước thời gian này, từ tháng 12/1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Tỉnh ủy Quảng Đà chuyển từ xã Tiên Lãnh, Tiên Phước về tại làng Đào, nay thuộc thôn B’hôông 1, Sông Kôn, Đông Giang (tháng 1/1963 - 7/1964).

Từ tháng 8/1964, Tỉnh ủy Quảng Đà chuyển về thôn Mang Mai, Tống Cói (xã Ba, Đông Giang). Năm 1965, Mỹ đổ bộ Đà Nẵng, từ tháng 3 - 9/1965, Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định chuyển từ Mang Mai, xã Ba, Đông Giang về tại thôn Giáng La, xã Điện Thọ, Điện Bàn.

Từ cuối tháng 9/1965, quân Mỹ đóng ở Bồ Bồ nống ra đánh phá và lấn chiếm các xã Điện Thọ, Điện Hồng, Tỉnh ủy chuyển về thôn Giáo Ái, xã Điện Xuân (nay xã Điện Hồng, Điện Bàn).

Sau năm 1968, Đặc khu ủy Quảng Đà chọn căn cứ Hòn Tàu. Từ cuối năm 1970 đến đầu năm 1971, bộ phận tiền phương của Thường vụ Đặc Khu ủy chuyển ra đóng bờ bắc sông Thu Bồn và sau đó chuyển vào núi Cù Hang. Cuối 1971, Đặc Khu ủy đóng khu vực Hòn Tàu. Từ năm 1973 đến tháng 3/1975, Đặc Khu ủy đóng tại đồi Cây Dung.

z6027057257234_ad0937f467c82ebb6816cc8e5476068c.jpg
Cuộc họp Ban Thường vụ Đặc Khu ủy tại Hòn Tàu. Ảnh tư liệu

Thế trận lòng dân

Kế thừa, phát triển những kinh nghiệm về xây dựng căn cứ trong lịch sử chống ngoại xâm của cha ông và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “Có ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”, trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Tỉnh ủy Quảng Nam (có giai đoạn là Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Đà, Đặc Khu ủy Quảng Đà) luôn chú trọng đến công tác xây dựng căn cứ, địa điểm đứng chân để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Tùy theo tính chất và yêu cầu của phong trào cách mạng từng giai đoạn, căn cứ, nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam “thiên biến vạn hóa” ngay trong lòng đô thị, vùng đồng bằng, vùng giáp ranh và vùng núi; với quy mô, hình thức phù hợp, tùy thuộc “thế trận lòng dân” từng vùng, tình hình so sánh lực lượng giữa ta và đối phương.

Mặc dù nhiều lần cơ quan, nơi đứng chân của Tỉnh ủy bị địch phát hiện, khủng bố và đánh phá ác liệt, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt tra tấn, tù đày, nhiều tổ chức cơ sở đảng bị bể vỡ, Tỉnh ủy lập đi lập lại đôi lần, nhưng cơ sở cách mạng vẫn tồn tại và hoạt động mạnh mẽ bởi “Tỉnh ủy ở trong dân”, được nhân dân che chở, đùm bọc. Đó là nhân tố quyết định đến thành công của cách mạng.

Sau này, trong các hồi ký của các đồng chí nguyên lãnh đạo, như “Võ Chí Công - Trên những chặng đường cách mạng”, “Hoàng Minh Thắng - Trải một đời người”, “Hoàng Minh Thắng - Nơi ấy tôi đã sống”, “Trần Văn Quế - Trang đời”, “Nguyễn Tấn Ưng - Những năm tháng không quên”, “Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người”, “Anh Sáu Nam”, “Phạm Đức Nam - Người lãnh đạo xuất sắc qua các thời kỳ” và nhiều công trình lịch sử luôn đánh giá cao và xúc động về truyền thống cách mạng, nghĩa tình dân - quân máu thịt, keo sơn nơi căn cứ địa, đứng chân của cách mạng.

Những tấm gương cộng sản trung kiên hóa thân thành người đồng bào, những kỷ vật chiến tranh, những ngọn đèn không tắt, những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc khéo léo khâu đường kim mũi chỉ, những chiếc gùi nương rẫy nhuốm màu mưa nắng, những hình ảnh dân quân bất chấp hiểm nguy gùi gạo lên căn cứ và đã ngã xuống - hạt gạo thấm máu; những cái ôm nồng thắm sau ngày gặp lại giữa người về xuôi, người ở lại núi rừng… luôn là hình ảnh đẹp, hào hùng về một thời Đảng giữa lòng dân.
-------------------------------------
Bài cuối: Về lại chiến khu xưa

PHẠM LÊ DUY