Giáo dục - Việc làm

Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở miền núi: Điểm nhìn từ Nam Giang

ALĂNG NGƯỚC - VĂN THỦY 21/11/2024 08:30

Bằng rất nhiều cách đổi mới và sáng tạo, những năm qua, Nam Giang trở thành địa phương dẫn đầu các huyện miền núi Quảng Nam trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, góp phần nâng cao dân trí.

lop-hoc-zuoih-2(1).jpg
Rất đông học viên tham gia lớp học xóa mù chữ. Ảnh: NGƯỚC - THỦY

Đến từng nhà vận động

Với đặc thù là địa phương biên giới, để triển khai công tác phổ cập giáo dục hiệu quả, thời gian qua, thầy cô giáo tại các điểm trường của xã La Êê, Chơ Chun phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động học viên đến lớp. Tuy nhiên, do địa hình cách trở, cộng thêm dân cư thưa thớt, việc vận động không hề dễ dàng.

Thầy giáo Bờ Nướch Bích - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học liên xã La Êê - Chơ Chun cho biết, ngay sau khi rà soát và lập danh sách các học viên trong độ tuổi xóa mù chữ, nhà trường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê xuống nhà học viên để tuyên truyền, vận động nhân dân trong độ tuổi tham gia học tập.

“Cùng với đó, chúng tôi đã tham mưu cho UBND 2 xã La Êê và xã Chơ Chun ban hành kế hoạch mở lớp, đồng thời tham mưu cho 2 xã quy chế phối hợp giữa nhà trường và các hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền. Nhiều thời điểm, chúng tôi đến tận nhà dân để tuyên truyền, vận động, giúp các học viên trong độ tuổi tham gia học tập đông đủ” - thầy Bích cho biết.

ĐẾN NHÀ TUYÊN TRUYỀN RA LỚP
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê phối hợp cùng các ngành, đoàn thể đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động học viên đến lớp. Ảnh: NGƯỚC - THỦY

Theo ông Trần Quý - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang, qua rà soát, tại địa phương hiện có đến 18.951 người trong diện xóa mù chữ. Trong đó, có 1.806 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức 2 và 17.145 người đạt chuẩn biết chữ mức 2, với tỷ lệ 90,47%.

Để nâng cao số lượng người biết chữ, năm 2023 - 2024, Nam Giang tổ chức 46 lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại các xã, thị trấn với 861 học viên trong độ tuổi 15 - 60 tham gia.

Đồng thời tổ chức 3 lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, thành viên ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp và 39 lớp truyền thông, tuyên truyền đến người dân tại các thôn trên địa bàn huyện.

“Ngoài ra, công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi huy động ra lớp cũng như trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt tỷ lệ 100%. Riêng số trẻ 5 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 66,6%.

Trong khi đó, ở bậc tiểu học chúng tôi huy động trẻ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình là 2.314 em, đạt tỷ lệ 99,7% và bậc THCS có 629 học sinh được tuyển vào lớp 6, đạt tỷ lệ 100%” - ông Quý nói.

huong-dan-hoc-vien-viet(1).jpg
Hướng dẫn học viên viết chữ tại lớp học. Ảnh: NGƯỚC - THỦY

Sáng tạo cách dạy và học

Thầy giáo Trần Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Zuôih cho hay, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các ngành và hội đoàn thể tại địa phương, quá trình dạy học, các thầy cô dành khoảng 15 phút để trình chiếu các phóng sự về mô hình sản xuất, chăn nuôi cho người dân xem và học tập.

“Thời gian đầu, học viên đến lớp thưa thớt, nhưng thông qua việc trình chiếu các mô hình này, người dân rất thích thú và chăm chỉ hơn trong việc đến lớp, góp phần mang lại hiệu quả trong việc dạy và học trên địa bàn xã. Đây được xem là cách làm sáng tạo, thu hút tinh thần đến lớp học tập của học viên xóa mù chữ” - thầy Anh chia sẻ.

LỚP HỌC
Một buổi học trên lớp. Ảnh: NGƯỚC - THỦY

Tham gia lớp học xóa mù chữ, bà Alăng Chớt (60 tuổi, ở thôn Pà Rum, xã Zuôih) tâm sự, do thiếu tự tin trong giao tiếp nên lúc đầu nhiều học viên lớn tuổi ngại đến lớp.

Hơn nữa, công việc ban ngày bận rộn khiến nhiều người không còn đủ sức đến học chữ. Thế nhưng, được sự động viên của các ban ngành của xã và các thầy cô giáo nên ai cũng quyết tâm học để biết mặt con chữ.

“Khi đã biết đọc, biết viết rồi mình vui lắm nên thường xuyên sắp xếp công việc gia đình để đến lớp học” - bà Chớt nói.

Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, mặc dù còn gặp khó khăn nhất định, song UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao để công tác dạy và học các lớp xóa mù chữ được đảm bảo thường xuyên.

Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương và các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn để huy động người dân trong độ tuổi ra lớp, giúp giảm tỷ lệ bỏ học. Đặc biệt là huy động số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi chưa đạt chuẩn biết chữ tiếp tục đi học nhằm đạt chuẩn mức độ 2 trong năm 2025.

ALĂNG NGƯỚC - VĂN THỦY