An toàn giao thông cho học sinh Quảng Nam, chuyện từ phương tiện đi lại
Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đang được đặc biệt quan tâm, nhất là phương tiện mà các em dùng để đi lại học tập. Quanh chủ đề này, câu chuyện trách nhiệm được đặt ra, đặc biệt là phụ huynh và các ngành chức năng.
Hiểm họa khôn lường
Tháng 10 vừa qua, công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Quảng Nam đã đồng loạt ra quân đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh. Thành phần tham gia còn có công an cấp xã, đoàn viên thanh niên và lực lượng xung kích khác.
Các lực lượng phối hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong nhà trường; trong đó chủ yếu bậc THCS và THPT, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết tuân thủ pháp luật trật tự ATGT.
Rà soát, đề nghị các điểm có trông giữ xe xung quanh trường ký cam kết không trông giữ xe máy cho học sinh bậc THCS, từ chối “tiếp nhận” xe máy có dung tích xi-lanh 50 phân khối (50cm3) trở lên đối với lứa tuổi bậc THPT. Qua đó góp phần giúp phụ huynh, học sinh tuân thủ pháp luật quy định, vừa đảm bảo an toàn cho chính thế hệ tương lai.
Theo ông Phan Đức Tiễn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, hoặc chưa có kỹ năng lái xe an toàn, kỹ năng tránh “điểm mù” sẽ phải đối mặt với hiểm họa khôn lường.
Các em thường thiếu kinh nghiệm chạy xe, dễ mất tập trung dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan học sinh đi xe máy đã xảy ra, gây thương tích nặng nề, thậm chí tử vong.
Thực tế nêu trên là lời cảnh báo nghiêm trọng về sự mất an toàn của học sinh khi tham gia giao thông, đe dọa không chỉ tính mạng và sức khỏe của các em mà còn để lại hậu quả lâu dài cho gia đình và xã hội.
Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35. Trong đó, khoảng 80% là học sinh, sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường.
Ghi nhận trước cổng trường tại các địa phương trong tỉnh, thực trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy và không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu... thường xuyên diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Câu chuyện trách nhiệm
Thực tế gần đây, ngành giáo dục và lực lượng công an đã phối hợp, tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trong học đường bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng. Các ngành chức năng cũng đã yêu cầu học sinh, phụ huynh ký cam kết phải tuân thủ.
Tuy nhiên, ý thức chấp hành luật giao thông vẫn là mấu chốt của vấn đề. Công việc này không chỉ có nhà trường mà còn phải có sự phối hợp từ phía xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của phụ huynh.
Nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh không mua xe, không giao xe cho con chưa đủ điều kiện quy định thì sẽ không xảy ra tình trạng này; đồng thời phải nêu gương bằng cách đội mũ bảo hiểm, không sử dụng rượu bia, nghe điện thoại khi tham gia giao thông.
Thời gian qua, Công an huyện Đại Lộc đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đối với lứa tuổi học sinh trên địa bàn.
Từ thực tế ở địa phương, Thượng tá Võ Chí Công - Phó Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm trong việc quản lý, giám sát, giáo dục con em mình; giao phương tiện cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi.
Chưa kể, giao thông công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Đại Lộc hiện không còn, nên học sinh sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông rất đông. Trước đây, 2 tuyến xe buýt Đại Lãnh - Tam Kỳ, Đại Phong - Tam Kỳ còn vận hành, nhiều học sinh đã lựa chọn loại hình này để lưu thông.
Ghi nhận các địa phương trên địa bàn tỉnh, một số phụ huynh cho biết khoảng cách từ nhà đến trường hơn 10km, con em họ không thể đi xe đạp điện vì sợ thiếu nguồn điện vận hành khi đang di chuyển trên đường. “Xe buýt không có, chúng tôi đi làm từ sớm thì đâu có thời gian để chở con” - một phụ huynh nói.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định, việc tuân thủ quy định của pháp luật là bắt buộc, phụ huynh phải chịu trách nhiệm trước chuyện giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần quan tâm phát triển đồng bộ quy hoạch mạng lưới trường lớp với công trình công cộng, phương tiện giao thông; tăng cường mạng lưới xe buýt, xe đưa đón học sinh, phát triển hạ tầng dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ để giảm bớt sử dụng xe máy.