Trường Đại học Quảng Nam: Cần cơ chế mới, suy nghĩ mới
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết vừa có cuộc làm việc với Trường Đại học Quảng Nam, gợi mở nhiều vấn đề có tính định hướng để nhà trường tạo ra sức bật mới trên hành trình phát triển trong thời gian tới.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Trường Đại học Quảng Nam đã trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, từng bước khẳng định vai trò một trung tâm đào tạo của tỉnh. Hiện nhà trường đào tạo 15 mã ngành đại học hệ chính quy, liên thông chính quy và liên thông vừa học vừa làm với lưu lượng 4.000 sinh viên, học viên. Về bộ máy tổ chức và đội ngũ, trường có 14 đơn vị trực thuộc với 183 cán bộ, giảng viên, nhân viên; trong đó có 1 phó giáo sư - tiến sĩ, 16 tiến sĩ, 95 thạc sĩ.
Để tạo ra sức bật mới trên hành trình phát triển, Trường Đại học Quảng Nam không chỉ cần cơ chế, chính sách hỗ trợ mà còn phải có suy nghĩ mới”.
(Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết)
Tuy nhiên, theo PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng nhà trường, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là công tác tuyển sinh những năm gần đây không đạt chỉ tiêu, ảnh hưởng đến nguồn thu và làm chậm lộ trình thực hiện tự chủ đại học. Khó phát triển đội ngũ để đảm bảo điều kiện duy trì và mở thêm các ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hội.
Trước thực tế đó, ông Dương kiến nghị tỉnh quan tâm xem xét lại chủ trương chuyển Trường Đại học Quảng Nam trở thành đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng. Đồng thời có nghị quyết riêng về sự phát triển của trường để điều chỉnh tầm nhìn, sứ mệnh và xây dựng chiến lược phát triển trong thời gian tới.
“Tỉnh cần tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo để tạo điều kiện cho đơn vị tự chủ chi thường xuyên; có cơ chế đặc thù trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhất là các ngành mà trường đang thiếu và mở thêm ngành mới, phục vụ nhu cầu xã hội” - ông Dương nói.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam - TS.Phạm Nguyễn Hồng Ngự cho biết, một số trường đại học địa phương trên cả nước có được sự đầu tư rất lớn của tỉnh về cơ chế chính sách đặc thù trong hỗ trợ giảng viên đi học tiến sĩ hoặc thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ để có điều kiện mở mã ngành mới. Trong khi đó, Trường Đại học Quảng Nam thời gian qua cố gắng hết sức cũng chỉ hỗ trợ với mức 50% học phí cho người đi nghiên cứu sinh tiến sĩ.
“Vẫn biết đi học là cho bản thân, nhưng với mức hỗ trợ thấp gây không ít khó khăn về điều kiện kinh tế đối với giảng viên. Vì vậy, rất mong tỉnh nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ vì Trường Đại học Quảng Nam là đơn vị đặc thù” - bà Ngự chia sẻ.
Cần cơ chế đặc thù
Rõ ràng, đội ngũ chỉ có 1 phó giáo sư - tiến sĩ, 16 tiến sĩ và 15 mã ngành đào tạo (trong đó phần lớn ngành sư phạm) là những con số khá khiêm tốn đối với một trường đại học.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, vấn đề quan trọng là xây dựng một cơ chế cho nhà trường để tạo ra bứt phá trong thời gian tới; cạnh đó là công tác tuyển sinh, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển của nhà trường.
Khẳng định đầu tư cho Trường Đại học Quảng Nam là trách nhiệm của tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho rằng thời gian tới tỉnh cần đầu tư nhiều hơn cho trường về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ giảng viên.
“Cần có đề án tổng thể, cả về đầu tư kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển ngành đào tạo mới giúp trường có sự bứt phá phát triển, đáp ứng yêu cầu” - ông Vinh nói.
Thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu sớm xây dựng Đề án phát triển Trường Đại học Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét quyết định trước 30/4/2025.
Trong đó lưu ý xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình đầu tư, nguồn lực, cơ chế chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ. Đồng thời đề nghị lãnh đạo nhà trường, từng thầy cô giáo quan tâm xây dựng thương hiệu gắn với công tác tuyển sinh, làm sao tăng tính hấp dẫn của Trường Đại học Quảng Nam đối với người học.
“Nhà trường cần phải nghiên cứu quy hoạch tỉnh để biết và có kế hoạch mở rộng ngành nghề đào tạo, đa dạng hóa thu hút người học. Ví dụ, quy hoạch tỉnh sắp tới tập trung liên kết hỗ trợ công nghiệp cơ khí ô tô, trường có đào tạo được nghề đó không? Tỉnh tập trung xây dựng trung tâm dược liệu và nông nghiệp, trường có đào tạo kỹ sư nông nghiệp được không? Hay kinh tế biển, Quảng Nam rất thiếu con người, vậy Trường Đại học Quảng Nam có tiếp cận được những ngành đó không?” - đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết gợi mở.