Xã hội

Chính quyền huyện Thăng Bình lắng nghe người lầm lỡ

GIANG BIÊN - ĐÌNH HIỆP 22/11/2024 14:10

Được vay vốn hay được xóa đi án tích là mong muốn lớn nhất của những người từng lầm lỡ để họ có cơ hội viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Những người chấp hành xong án phạt tù đa phần mong muốn được vay vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: BIÊN HIỆP
Người chấp hành xong án phạt tù hầu hết mong muốn được vay vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: BIÊN HIỆP

Lần đầu tiên UBND huyện Thăng Bình tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại với những người chấp hành xong án phạt tù. Đã có 11 ý kiến, chủ yếu mong muốn có cơ hội vay vốn, xóa án tích để vượt qua rào cản vươn phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị N. (xã Bình Nguyên) mong muốn vay vốn để làm ăn ổn định cuộc sống nhưng không hiểu biết về thủ tục. Còn với anh Nguyễn Văn T. (xã Bình Lãnh) đặt câu hỏi, do thời gian chấp hành xong án phạt tù đã lâu và làm thất lạc giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, vậy các thủ tục để xóa án tích ra sao...

Các công ty cũng đã có mặt tại buổi đối thoại để tư vấn, giới thiệu việc cho những người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: BIÊN HIỆP
Các công ty cũng đã có mặt tại buổi đối thoại để tư vấn, giới thiệu việc cho những người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: BIÊN HIỆP

Liên quan đến nguồn vốn vay, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình nhấn mạnh, Quyết định số 22, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù ra đời rất nhân văn.

Tại huyện Thăng Bình, trong năm 2024, Ngân hàng CSXH huyện đã làm thủ tục giải ngân cho 12 trường hợp với tổng số tiền vay 1,2 tỷ đồng, trong đó UBND huyện chuyển qua 300 triệu đồng.

“Các thủ tục, điều kiện vay vốn theo Quyết định số 22 có nhiều ưu điểm, dễ tiếp cận. Tuy vậy nguồn vốn nay hiện nay rất ít, chúng tôi kiến nghị với Ngân hàng CSXH tỉnh cần bổ sung thêm. Bởi trong năm 2024 có đến 55 người chấp hành xong án phạt tù mong muốn có cơ hội vay vốn, nhưng chỉ giải ngân cho 12 trường hợp” - ông Tuấn cho hay.

Cũng về vấn đề vay vốn, ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị với HĐND huyện trình bổ sung thêm kinh phí tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tiếp tục phát triển kinh tế. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH huyện cần hướng dẫn linh hoạt để những người lầm lỡ tiếp cận những gói vay ưu đãi khác.

Theo thống kê từ Công an huyện Thăng Bình, tổng số người trong diện tái hòa nhập cộng đồng đang quản lý qua các năm là 773 người; trong đó riêng năm 2024 có 138 trường hợp.

Thượng tá Trần Duy Phương - Phó Trưởng Công an huyện Thăng Bình cho biết, việc xóa án tích được thực hiện theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 và tùy thuộc vào khung hình phạt chính. Ngoài ra nếu muốn được xóa án tích thì sau khi mãn hạn tù về địa phương không vi phạm pháp luật. Đây cũng là điểm căn cơ để những người lầm lỡ được xóa án tích có cơ hội mới, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Tại buổi đối thoại, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam đã thông tin tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, học nghề, học ngoại ngữ và tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

GIANG BIÊN - ĐÌNH HIỆP