Đồng bào M'nông ở Nam Trà My ăn mừng lúa mới
(QNO) - Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Trà My phối hợp với xã Trà Leng vừa tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào M'nông ăn mừng lúa mới. Đây là nghi thức độc đáo của đồng bào được truyền từ bao đời, nhằm tạ ơn đất trời đã ban cho mùa màng bội thu, để cho dân làng được no ấm quanh năm.
Trà Leng cách trung tâm huyện 34km về phía Bắc, xã có 706 hộ/2.727 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mơ'nông (chiếm tỷ lệ 98%), hộ nghèo chiếm tỷ lệ 49,23%. Toàn xã có 3 thôn với 13 Khu dân cư. Nhân dân chủ yếu làm nương rẫy, làm ruộng, trồng quế và chăn nuôi.
Lễ ăn mừng lúa mới đặc sắc
Lễ hội ăn mừng lúa mới dân tộc M'nông là nghi thức văn hóa được đồng bào tổ chức hằng năm, khi kết thúc vụ mùa sản xuất nương rẫy. Lúc những kho thóc đầy ắp lúa ngô, công việc ruộng nương đã xong xuôi, nhà nhà trên các làng nóc ở Trà Leng lại tưng bừng tổ chức lễ hội ăn mừng cho những teo lúa mới vừa thu hoạch xong. Đồng bào sẽ sắm sửa lễ vật như cơm lam, heo, gà, trầu cau, rượu cần, để cúng tạ thần lúa đã ban phát cho mùa vụ no ấm.
Tiếp đến sẽ nổi trống chiêng để mở hội ăn mừng cho thành quả lao động cực nhọc sau một năm. Cứ như vậy, theo thời gian, lễ hội ăn mừng lúa mới đã trở thành phong tục không thể thiếu trong đời sống đồng bào M'nông và được gìn giữ phát huy cho đến hôm nay.
Tại buổi tái hiện nghi thức cúng mừng lúa mới được tổ chức ở tại Khu dân cư Bằng La - làng Tak Pát (thôn 2, xã Trà Leng), nhiều nghi thức đã diễn ra như cúng lúa tại kho lúa, rước thần lúa, đưa lúa về kho, cúng lễ tại nhà truyền thống và uống rượu cần...
Nghi lễ rước thần lúa từ kho về nhà già làng Trần Minh Rêu với sự tham gia của các già làng, người có uy tín, thanh niên của làng. Sau nghi lễ cúng tạ tại nhà già làng, lúa được rước về kho lúa của làng và cũng lễ tại nhà truyền thống.
Ông Hồ Văn Nguyên - Trưởng thôn 2 nói: "Bà con từ bao đời nay sau khi rước lúa về kho đều cúng tạ ơn, nhưng làm ở mỗi nhà, mỗi nóc. Nay xã tổ chức lớn, bà con đều vui mừng. Cuộc sống người dân nhận được sự quan tâm của chính sách, của Đảng và Nhà nước nên đỡ vất vả hơn xưa. Trải qua bao hoạn nạn, bà con càng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết vượt qua thương đau, khó khăn để sống tốt hơn".
Gắn lễ hội với du lịch xanh
Ông Lê Đình Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: "Đồng bào M'nông có rất nhiều lễ hội, nghi thức văn hóa dân gian đặc trưng như tết lúa kho, lễ tỉa hạt, lễ ăn ăn mừng lúa mới. Trong đó, lễ hội ăn mừng lúa mới dân tộc M'nông xã Trà Leng là lễ hội truyền thống có từ lâu đời, được bà con gìn giữ.
Đây là một nghi thức văn hóa tâm linh quan trọng của đồng bào M'nông nhằm tạ ơn đất trời đã ban cho mùa màng bội thu, để cho dân làng được no ấm quanh năm. Lễ hội ăn mừng lúa mới cũng là dịp để thắt chặt tình đoàn kết, tượng trợ giữa làng nóc của đồng bào thông qua việc tổ chức phần lễ và phần hội hết sức đặc trưng".
Hiện nay, huyện Nam Trà My đang tập trung bảo tồn văn hóa, nhất là đối với hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững.
Ông Lê Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: "Những năm gần đây, Nam Trà My đã tái hiện nhiều lễ hội đặc trưng như lễ cúng máng nước, lễ ăn mừng lúa mới, lễ cúng thần sâm Ngọc Linh, lễ cúng thần rừng... của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Gắn với các hoạt động và cúng lúa mới, cúng thần sâm, thần rừng, thần nước là nhiều hoạt động biểu diễn cồng chiêng, hát ting ting, các trò cho dân gian truyền thống và hội thi nghề truyền thống sẽ góp thêm sản phẩm đặc trưng, riêng có vào hoạt động văn hóa đa dạng, phát triển du lịch của huyện".
[VIDEO] - Đồng bào M'nông với lễ cúng tạ ơn mùa màng bội thu. T/h: D.L