Câu chuyện về chiếc lư hương, miếu Đôi ở Bãi Hương
Cù Lao Chàm, ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đặc trưng của vùng biển đảo, còn có hệ thống di tích và kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú.
Trong số các truyện kể, truyền thuyết được lưu truyền trên đảo, có vài câu chuyện liên quan đến lịch sử hình thành vùng đất, địa danh, về các di tích đình, miếu như sự tích Hòn Chồng, truyện kể về chùa Hải Tạng, miếu bà Cúc…
Chiếc lư hương
Ở thôn Bãi Hương, dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ly kỳ về chiếc lư hương trôi dạt vào đây từ xa xưa. Đây cũng được xem như nguồn cơn liên quan đến tên gọi xứ đất Bãi Hương, cũng như lý giải sự hình thành di tích miếu Đôi ở đây.
Các cụ cao niên trong thôn kể rằng, vào thế kỷ 17, tại xứ An Lương (Duy Hải bây giờ) có một cái lư hương bằng sắt trôi dạt đến. Khi phát hiện lư hương cùng hai thủ cấp, vì quá sợ hãi, dân trong làng đứng ra sắm lễ vật, cúng xin đưa hai ngài đi nơi khác.
Khi dân làng đẩy lư hương ra lại biển theo hướng mặt trời mọc, lư hương không bị chìm mà lại nổi, trôi dạt ra Cù Lao Chàm, tấp vào bãi cát khu vực phía dưới Hòn Lao. Người dân cho là điềm lạ, xin thỉnh hai thủ cấp lên để an táng. Cũng vì chuyện này mà người dân ở đây mới đặt tên cho xứ đất là Bãi Hương (thôn Bãi Hương ngày nay).
Chuyện kể một thời gian sau, trong thôn có một đứa trẻ bị nhập đồng, nhảy múa, nói rằng, hai thủ cấp là đại diện của hai tướng ở phương Bắc. Từ đó, dân trong làng sắm lễ cúng, lập nên miếu thờ ông Bích, ông Tứ, gọi là miếu Đôi. Về sau, dân làng đã đem lư hương về đặt tại đình Tiền hiền ở thôn Bãi Làng. Chiếc lư hương liên quan câu chuyện trên được Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An mang vào đất liền năm 1985. Hiện nay, lư hương được trưng bày tại Bảo tàng Hội An.
Lư hương được đúc bằng hợp chất gang và sắt, hình hộp chữ nhật, có 4 chân quỳ và hai tai (quai xách), màu nâu. Phần trên chân quỳ đúc hình đầu toan nghê, mặt ngoài trang trí hình hoa mẫu đơn và hoa sen, khung viền trang trí hoa cúc và dây lá. Mặt trước lư hương trang trí hình hai con chim phượng hoàng đang tư thế dang rộng cánh đối xứng ở hai bên.
Chính giữa là văn bản khắc bằng chữ Hán, nội dung được dịch nghĩa như sau: Khách thương trên thuyền biển Quảng Đông, vốn là người Phúc Tuyền, Phúc Kiến. Đệ tử được tắm gội ân là Trương Đài Nam, Trương Đài Nguyên cùng nhau đúc một lư hương, nặng hơn 300 cân, đặt trước bàn thờ tướng quân Phục Ba, cầu mong bình an khi đi xa, mãi mãi tôn kính phụng thờ. Lập vào ngày tốt tháng đầu mùa xuân năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khang Hy thứ 28. Do lò Việt Thắng ở Phật Sơn đúc.
Miếu thờ Phục Ba tướng quân
Như vậy, lư hương có niên đại Khang Hy 28 (năm 1689), tính đến nay đã được 335 năm. Lư hương được đúc tại Việt Thắng ở Phật Sơn, Trung Quốc, được dâng cúng đặt trước bàn thờ Tướng quân Phục Ba nhằm cầu mong bình an khi đi xa.
Phục Ba tướng quân là tước vị của những người có công chinh phục sóng gió hoặc có tài đi biển, được triều đình phong kiến ban phong danh hiệu.
Những người làm ăn trên biển như đánh cá, buôn bán, đi biển đều thờ các vị tướng quân này với một mong muốn là cầu bình an, thuận buồm xuôi gió. Tại Cù Lao Chàm có hai di tích thờ Phục Ba tướng quân, đó là miếu Tổ nghề Yến, thôn Bãi Hương và lăng Tiền hiền, thôn Bãi Làng.
Miếu thờ Phục Ba tướng quân đã được Thiền sư Thích Đại Sán ghi chép lại trong cuốn “Hải ngoại kỷ sự”: “Ngôi miếu cũng khá rộng lớn, thần rất thiêng. Thuyền bè qua lại đều lên cầu cúng. Ta khiến Cai Xã mở khóa cửa, người theo hầu thắp hương; xem thần tượng, đọc phong hàm, mới biết miếu thờ Hán Phục Ba tướng quân, người trong nước tôn xưng thụy hiệu làm Bản đầu Công vậy”.
Qua tự thuật trên, phải chăng lư hương trên được Trương Đài Nam, Trương Đài Nguyên dâng cúng, đặt tại miếu thờ Phục Ba ở Cù Lao Chàm mà Thiền sư Đại Sán đã ghi chép.
Truyền thuyết về chiếc lư hương có nhắc 2 vị thần là ông Bích và ông Tứ - đều liên quan đến sự hình thành di tích miếu Đôi ở Bãi Hương. Hiện nay, tại Cù Lao Chàm có 2 di tích thờ ông Tứ và ông Bích.
Tại miếu Tổ nghề Yến có bài vị ghi: Phục Ba đại tướng quân Tứ Dương Hầu Quốc công, Phục Ba đại tướng quân Bích Sơn hầu quận công; tại đình Tiền hiền, bài vị ghi: Sắc phong Phục Ba Tứ Dương thành Quốc công Đại tướng quân, Sắc phong Phục Ba Bích Sơn hầu Quận công.
Có phải di tích miếu Đôi được xây dựng để thờ ông Tứ và ông Bích như trong truyện kể về chiếc lư hương hay không? Ông Tứ và ông Bích trong câu chuyện này có liên quan đến các bài vị thờ tại đình Tiền hiền và miếu Tổ nghề Yến hay không? Vấn đề này đang được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tiếp tục làm sáng tỏ thêm.