Văn hóa

Giữ hồn di sản, những chuyện rời…

Ký của TRUNG VIỆT 23/11/2024 08:16

Giữ di sản, đâu chỉ của người làm trong ngành văn hóa, khi di sản luôn thuộc về cộng đồng, xã hội. Phổ cập kiến thức cho cộng đồng về giá trị di sản, là chuyện cần, thậm chí phải là cần nhất.

dscf6821.jpg
Gươl ở Tây Giang. Ảnh: X.H

1. Một bữa ở Nam Giang, anh Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng VHTT huyện vẻ khó chịu: “Anh có nghĩ người Cơ Tu ở đây mà người ta gán cho ở Đắc Lắc không?”. Tôi sa vào phân tích đặc điểm dân cư, tập tục, địa lý, tóm lại là không thể định vị bản sắc văn hóa.

Và anh mở điện thoại cho tôi xem hình chụp được. Vài gươl được làm mới ở La Dê, Đắc Pring, Đắc Tôi, trên nóc có gắn biểu tượng từ hoa văn thổ cẩm. Anh Hùng nói, đây là sản phẩm của “mấy ông bên dự án”.

Chẳng biết bà con vùng có gươl đó nghĩ gì.

Làm gươl là đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, khiến họ yên tâm sống với chốn tâm tưởng đã được thiết lập từ thuở trong bụng mẹ - bảo vệ di sản trước những bào mòn kinh hoàng của thời hiện đại. Những gươl đó, có như không, sống nhưng thực ra đã chết; thân thì đúng mà mặt thì lệch, chưa nói là mặt khác.

Một lối làm việc tắc trách, xem thường văn hóa kinh khủng.

Chừng ba tháng sau tôi gọi điện lại cho anh Hùng. Vị trưởng phòng nói, anh đã gửi hình cho họ, và chừ thì họ gỡ hết xuống rồi.

2. Chuyện nữa, lâu nay âm ỉ, là làm gươl lợp tôn phản cảm, đa số đổ bê tông, không gọi gươl nữa mà gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng.

Gươl là giấy khai sinh, là lý lịch nhận ra gương mặt người Cơ Tu, không có là không được. Nhưng cấm chặt gỗ, thì người ta làm giả gỗ. Còn mái lợp lá cọ - một chìa khóa để nhận biết cánh rừng như tay áo mẹ che đàn con, cũng bị bỏ qua.

Nhìn vô, y hệt nhà ở miền ngập lũ, chỉ có mái là khác bởi độ dốc cao. Cãi nhau giữa bảo vệ cái cũ, tôn trọng ký ức với tuân thủ luật pháp, đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, diễn ra vừa âm ỉ vừa sôi nổi.

Bên nào thắng, đã biết. Nhưng ai rành và yêu văn hóa miền núi, đậm ký ức họ, có kiến thức nhận dạng để suy nghiệm, đều buồn bã.
Không hô hào phá rừng, bỏ qua luật, nhưng đời sống văn hóa tinh thần là một giá trị lớn, bền vững, mà gươl là biểu tượng. Làm khác đi chính là cưỡng cầu, mà giới nghiên cứu mỉa mai chua chát là “làm mới di sản”.

img_9938.jpg
Phố cổ Hội An. Ảnh: HUỲNH HÀ

Làm kỹ như Chùa Cầu mà còn khiến bão táp dư luận nổi lên, cho thấy vấn đề này vô cùng nhạy cảm. Đừng nghĩ vì nó nằm trong vùng di sản văn hóa thế giới, là thẻ căn cước của Hội An nên mới đáng lo, đáng quan tâm. Di sản không có to có nhỏ. Nó có giá trị ngang nhau, bởi một nhóm, một tộc người hay một quốc gia đều ngang nhau về những giá trị đã làm nên linh hồn, tâm tính, đời sống lẫn niềm tin của họ.

Tôi ước ai đó mạnh dạn tuyên bố: hãy để gươl làm bằng gỗ, lá cọ, nhà nước sẵn sàng bỏ tiền ra mua để làm, bởi đó là làm văn hóa thật!

Rõ ràng, ở một khía cạnh nào đó, từ chuyện gươl, ta đã khiến di sản chết đi, thay phương án mới cho nó sống, cho nó chảy theo cái gọi là yếu tố toàn cầu hóa: Giống nhau hết và giết chết sáng tạo, lãng quên ký ức, và gọi là buộc phải thỏa hiệp. Nhưng chúng ta mâu thuẫn khi luôn nói cái ta cần là phải bảo vệ là giá trị lịch sử - văn hóa, bởi nó sẽ gia tăng giá trị di sản.

Tôi bác bỏ ý nghĩ xây một công trình giả cổ mà nói có giá trị ngang một công trình cổ. Làm gì có chuyện cây ngàn năm tuổi giá trị ngang cây một tuổi, bởi nếu như thế, người ta lập những bảo tàng với những mảnh gốm cổ thời tiền sử sót lại để làm gì?

3. Xu hướng thuận thiên, kinh tế tuần hoàn, sống xanh đã và đang là tất yếu của thế giới. Bảo vệ di sản, nghĩ cho cùng, cũng là sống xanh. Bởi tôn quý bảo vệ di sản, là không dùng quyền lực văn minh “thọc dao” vào tim hay lãng quên quá khứ, buộc người ta quy hồi về với những trân trọng tốt đẹp sót lại, mà hành xử nhân văn hơn.

Một bữa về làng uống rượu, những người lớn tuổi nhắc chuyện làng mình (thôn Thi Thại, Duy Thành, Duy Xuyên) ngày trước có lăng Ông, sát cầu Leo. Hồi còn ở làng, hay đi qua đó, trời nắng gay gắt mà nó thâm u bởi cây cối rậm rạp. Người lớn dặn đi qua cấm nhìn vô. Giờ nó đã biến mất.

Đổi thay của đời sống đã chôn hết những giá trị còn sót lại, dẫu mơ hồ từ tâm thức dân gian. Nhưng nó lại hằn trong ký ức của một lớp người mà khai quật khảo cổ học, nếu cần, sẽ không tìm thấy. Thế nhưng, câu hỏi rằng, từ sau 1975 đến giờ, ta đã sáng tạo những gì có giá trị cho di sản thế kỷ 21, về kiến trúc chẳng hạn?

ảnh Khang Mỹ Sơn
Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Lê Trọng Khang

Câu hỏi đó, không dưng vang lên trong tôi, khi tôi về Duy Trinh hỏi chuyện đất và người, rồi men tới trước nghĩa trang liệt sĩ xã ở thôn Chiêm Sơn. Đối diện cổng nghĩa trang là bờ sông có vực cao, sát mép nước là một ghềnh đá. Đó là nơi có vô vàn chữ Chăm, mà khi nước rút người ta sẽ nhìn thấy.

Một ý kiến từ người làm văn hóa địa phương, là các chuyên gia Ấn Độ trước đây đã về đây khảo sát, và họ kết luận là những ký tự đó là tiếng Phạn cổ (Sancrit), vốn khác chữ Chăm ngày nay.

Trước đó nữa, cũng có một nhóm nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ về đo, chụp, vẽ lại, với nội dung được dịch ra là “Phụng cúng ngài Shiva, tất cả phải thần phục”, “Chúc tụng đấng cao cả, xin cúi đầu”… Họ khẳng định đây là bức lệnh của vua Bhadrarman I vào thế kỷ thứ 4, phát lệnh bắt đầu tiến hành xây dựng các đền thờ Champa tại khu vực phía nam sông Thu Bồn và thánh địa Mỹ Sơn. Năm tháng đi qua, lại chìm trong nước, mọi thứ mài mòn dần.

Vậy tại sao ngành văn hóa không cho làm ở đây một bảng chỉ dẫn, rằng nơi đây đang có một di tích như thế, để người đi đường được biết, khi nó nằm trên tuyến đường đi Mỹ Sơn chứ phải hang hốc chi xa xôi đâu?

4. Lịch sử luôn được đo lường bằng ký ức và sự tái tạo để thỏa mãn cảm xúc. Chính vì thế mới có chuyện thật giả và xung đột văn hóa, khi có sự phục dựng nào đó. Ý tưởng phục dựng khởi phát từ việc làm sống lại giá trị, bảo tồn và phát huy giá trị.

Âm nhạc miền núi thể hiện rõ nét trong các lễ hội vùng cao. Ảnh: XUÂN HIỀN
Bản sắc văn hóa vùng cao. Ảnh: XUÂN HIỀN

Hãy nhìn các lễ hội văn hóa, đó là giá trị văn hóa phi vật thể được vẽ lại hình hài trong không gian hẹp, hiện hình dưới con mắt hiện đại với sự hỗ trợ của sáng tạo và công nghệ. Có câu hỏi rằng, những lễ hội truyền thống được tái hiện kia, người biểu diễn, người già, người có kiến thức về nó, hẳn là biết giá trị của nó, còn lại, sẽ có bao nhiêu người xem như xem, trượt qua, trôi đi?

Cộng đồng là những người bảo vệ di sản tốt nhất. Muốn bảo vệ, phải cho họ thấy giá trị đó đi cùng quyền lợi vật chất và tinh thần của họ. Mới đây tôi đi Tri Tôn (tỉnh An Giang) - vùng đất đậm đặc văn hóa Kh’mer khi có đến 37 ngôi chùa mang dấu ấn Phật Giáo. Đây là vùng đất thiêng nằm trong dãy Thất Sơn với bao chuyện huyền bí, cõng lên mình rất nhiều di tích, làng nghề, ẩm thực nổi danh thiên hạ. Chở tôi đi 2 ngày thăm thú, tìm hiểu, bữa chia tay, người dẫn đường là cán bộ ở huyện, thiệt thà rằng đi em mới mở mắt ra nhiều thứ, chứ lâu nay không để ý, nhiều thứ hay quá!

Anh nói, khiến tôi nhớ lại chuyện Chùa Cầu đợt trước trùng tu, khiến người ta ầm ĩ. Tôi hỏi anh Phùng Tấn Đông ở Hội An, anh nói, nó lạ, ngoài một số điều, thì còn là thẩm mỹ. Khi xưa làm chùa, người ta làm bằng thủ công toàn bộ, dân dã, thô mộc nên hoa văn họa tiết mờ, gỗ không láng, dung dị như chính hồn quê. Còn bây giờ, công nghệ quá cao khiến mọi thứ sắc nét đến mức sờ đứt tay, gỗ thì bóng như soi mặt, như cầu vồng lấp loáng, nên người ta lạ.

Vậy, phải chăng xem, coi, thì phải có kiến thức lẫn độ lùi để nhìn giá trị hiện ra thế nào, từ đó mới xác lập quan điểm?

Ký của TRUNG VIỆT