Thế giới

Quỹ khí hậu 300 tỷ USD

NAM VIỆT 24/11/2024 17:25

(QNO) - Hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP-29) vừa kết thúc tại Azerbaijan với việc các nước giàu cam kết cung cấp 300 tỷ USD hằng năm cho các nước nghèo hơn vào năm 2035 để ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn bất bình.

reuters.jpg
Đại biểu tham dự COP-29 vui mừng khi hội nghị đạt thỏa thuận về Quỹ khí hậu 300 tỷ USD. Ảnh: Reuters

Quá ít và quá trễ

Cam kết về Quỹ khí hậu được đưa ra sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng tại COP-29. Có lúc đại biểu tham dự hội nghị lo sợ các cuộc đàm phán sẽ sụp đổ khi các nhóm đại diện cho quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương và các nước kém phát triển nhất bỏ cuộc đàm phán vào hôm qua 23/11.

Nhưng vào lúc 2 giờ 40 phút sáng ngày 24/11 (giờ địa phương), hơn 30 tiếng đồng hồ sau thời hạn, cuối cùng có tiếng gõ vào thỏa thuận giữa gần 200 quốc gia.

Theo thỏa thuận, các nước giàu cam kết cung cấp 300 tỷ USD hằng năm cho các nước nghèo hơn vào năm 2035 để ứng phó với những tác động ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu và chuyển đổi nền kinh tế sang năng lượng sạch. Tuy nhiên, 300 tỷ USD là con số mà nhiều nước chỉ trích là không đủ và quá chậm trễ.

Bởi, số tiền cam kết trên còn kém xa so với 1.300 tỷ USD mà các nhà kinh tế cho rằng cần thiết để giúp các nước đang phát triển đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu mà họ ít gây ra nhất. Và dĩ nhiên đã có phản ứng.

Trong bài phát biểu gay gắt ngay sau khi tiếng búa gõ xuống, đại diện của Ấn Độ Chandni Raina chỉ trích số tiền 300 tỷ USD là "một khoản tiền nhỏ" và gọi thỏa thuận không thể giải quyết được thách thức to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt.

Ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) gọi thỏa thuận này là "phí bảo hiểm cho nhân loại nên chỉ có hiệu quả nếu phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn".

Kỳ vọng mở rộng quy mô Quỹ khí hậu

COP-29 tập trung nhiều vào tài chính - vấn đề khí hậu quan trọng nhưng cũng là một trong những vấn đề chính trị gai góc nhất.

Vào năm 2009, các nước giàu vốn chịu trách nhiệm chính gây ra biến đổi khí hậu khi chiếm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo hơn vào năm 2020 để ứng phó biến đổi khí hậu. Nhưng cam kết đó chỉ được thực hiện vào năm 2022 - tức 2 năm sau thời hạn.

ap(1).jpg
Đàm phán tại COP-29. Ảnh: AP

Thỏa thuận tại COP-29 yêu cầu các nước giàu gồm Mỹ và các quốc gia châu Âu cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035 gồm tài chính công và tư nhân.

Dù thỏa thuận cũng đề cập đến tham vọng lớn hơn là mở rộng quy mô lên 1.300 tỷ USD, các quốc gia đang phát triển muốn Quỹ khí hậu chủ yếu đến dưới hình thức tài trợ thay vì cho vay, nếu không sẽ khiến các nước nhận số tiền trên mắc nợ nhiều hơn.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X với hy vọng sẽ có một kết quả tốt hơn, nhưng ông cũng kỳ vọng con số 300 tỷ USD tạo ra cơ sở để tiếp tục nhiều hơn nữa cho Quỹ khí hậu.

NAM VIỆT