Nhà nước và cử tri

Hoàn thiện các quy định về quảng cáo trong Luật Quảng cáo (sửa đổi)

HỒNG CHÂU 25/11/2024 17:24

(QNO) - Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

46ffab4a9dff26a17fee.jpg
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 25/11. Ảnh: H.CHÂU

Hầu hết đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất và sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, Luật Quảng cáo năm 2012 có nhiều nội dung quy định chặt chẽ về quảng cáo trên truyền hình, như: quy định về thời điểm phát quảng cáo (khoản 3, Điều 22), thời lượng phát quảng cáo (khoản 10, Điều 2), nội dung phát quảng cáo (khoản 1, Điều 19), hình thức phát quảng cáo…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều quảng cáo xuất hiện với tần suất quá lớn và đôi khi phát tại khung giờ không phù hợp trên truyền hình, ngôn ngữ có khi gây hiểu nhầm tạo ra hiệu ứng ngược. Trong khi đó, một số nội dung quy định vẫn mang tính chung chung, như “cấm quảng cáo sản phẩm trái với văn hóa” (khoản 3, Điều 8 của Luật Quảng cáo) mà chưa quy định rõ, cụ thể thế nào được gọi là trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, chưa định hướng cho truyền hình thực hiện hoạt động quảng cáo hiệu quả.

Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này phải quy định hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thống nhất định nghĩa “trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” là như thế nào.

Tại điểm c, khoản 5, Điều 15a về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo quy định: “Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho rằng, trên thực tế các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm bổ sung là những sản phẩm mà người sử dụng phải có một thời gian sử dụng nhất định mới có thể đưa ra được ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm một cách thực tế.

Do đó, việc chỉ quy định “người đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” mà không quy định cụ thể thời gian sử dụng trực tiếp trong bao lâu để có ý kiến, cảm nhận về kết quả sản phẩm sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác định và áp dụng pháp luật theo tinh thần của điều luật.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ có ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp này và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

HỒNG CHÂU