Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cải thiện hệ sinh thái và giảm nghèo hiệu quả
(QNO) – Nhiều khả năng nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn Quảng Nam năm 2024 tụt giảm, không đạt như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ giao khoán, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tiếp tục đem lại nguồn lực tài chính bền vững, giúp người dân miền núi thoát nghèo hiệu quả.
Nguồn thu khó đạt
11 tháng của năm 2024, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã ký kết thêm 9 hợp đồng với các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch sử dụng DVMTR và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Như vậy, trừ 4 hợp đồng đã thanh lý, thời điểm này Quảng Nam có 85 đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng và thực hiện chi trả DVMTR (gồm 36 doanh nghiệp sản xuất thủy điện, 14 cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch, 35 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước mặt, nước ngầm).
Xác định chính xác diện tích cần chi trả là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra với đơn vị nhận ủy thác thu tiền DVMTR. Do đó, từ đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã xây dựng các nguồn ảnh viễn thám theo thời gian thực, khoanh vẽ vùng có biến động, gửi dữ liệu biến động rừng cho chủ rừng để khuyến cáo.
Cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng khác (Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hạt kiểm lâm, Phòng NN&PTNT các huyện) làm việc với các chủ rừng, các xã để hỗ trợ cập nhật biến động rừng trong vùng chi trả; đánh giá lại diện tích rừng trồng đang thực hiện chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 3, Sông Tranh 4.
Theo thống kê đến ngày 10/11/2024, nguồn thu tiền DVMTR tại Quảng Nam hơn 159,3 tỷ đồng, trong khi kế hoạch giao cả năm 2024 là 194,523 tỷ đồng, đạt 81,93%. Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh khẳng định, kết quả nguồn thu tiền DVMTR năm 2024 đạt thấp là do trong năm nay thời tiết khô hạn kéo dài, lượng mưa ít không đủ lượng nước sản xuất thủy điện nên đạt sản lượng thấp, kéo theo nguồn thu DVMTR bị giảm so với kế hoạch đề ra.
11 tháng năm 2024, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam thực hiện 23 cuộc kiểm tra chi trả DVMTR tại 23 đơn vị chủ rừng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Đoàn kiểm tra đánh giá, phần lớn các đơn vị chủ rừng đã thanh toán tiền DVMTR cho các cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán và lực lượng chuyên trách bảo vệ kịp thời và đầy đủ theo hợp đồng đã ký kết.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cho rằng, phần lớn báo cáo quyết toán kinh phí DVMTR năm 2023 của các đơn vị chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; một số chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện Đông Giang, Phước Sơn) chi nội dung chi không đúng quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Một số xã chưa hạch toán tiền DVMTR vào quỹ chuyên dùng của xã theo hướng dẫn tại Sổ tay quản lý tài chính - kế toán chi trả DVMTR do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam ban hành...
Nhiều chính sách hỗ trợ
Tại Quảng Nam, ngoài hưởng lợi cơ chế chi trả DVMTR, còn có nhiều chính sách hỗ trợ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng khác của Trung ương, tỉnh và nguồn vốn đầu tư của các tổ chức phi Chính phủ… Đó là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Nghị quyết 22/2023 của HĐND tỉnh quy định về nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025; Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 10/10/2023 của UBND tỉnh ban hành Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025...
Chính sách chi trả DVMTR không chỉ cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn tạo động lực mạnh mẽ để người dân gắn bó với việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện sinh thái rừng
Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam
Các chính sách lồng ghép phát triển lĩnh vực lâm nghiệp thật sự là “đòn bẫy” giúp người dân miền núi có động lực giảm nghèo. Đơn cử, huyện Phước Sơn có hơn 73.891ha diện tích được giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ. Trong số này, diện tích chi trả DVMTR là 47.186,33ha do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và Vườn quốc gia Sông Thanh nhận quản lý bảo vệ.
Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, diện tích rừng còn lại của địa phương thuộc các chương trình, dự án, chính sách khác của Nhà nước với định mức hỗ trợ 600 nghìn đồng/ha/năm giao cho 18 cộng đồng ở 5 xã tham gia bảo vệ rừng, kinh phí hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng/năm (bình quân mỗi người dân được hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng/tháng). Từ nguồn lực tài chính ổn định này đã giúp cho huyện giảm nghèo khá nhanh. Năm 2023, Phước Sơn giảm 505 hộ nghèo và cận nghèo (giảm 7,47% so với năm 2022).
Tương tự, tại huyện Bắc Trà My, theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, có 7.525ha rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện tại các xã Trà Giáp, Trà Ka, Trà Đốc, Trà Kót và Trà Nú đã được giao khoán chăm sóc, quản lý, bảo vệ cho người dân đến năm 2028, với kinh phí hơn 17,9 tỷ đồng. Theo đó, 21 cộng đồng, hơn 250 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân mỗi hộ nhận bảo vệ, chăm sóc gần 30ha, được hỗ trợ trên dưới 18 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.