Để đồng bào vùng cao thay đổi nếp nghĩ cách làm
(QNO) - Được hưởng lợi các cơ chế chính sách của một trong những huyện nghèo nhất nước, nên Phước Sơn có nguồn lực thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025. Cả hệ thống chính trị của huyện đã đồng hành vào cuộc giúp dân, và chuyển động mạnh mẽ nhất là Chỉ thị số 27 ngày 9/2/2023 của Huyện ủy Phước Sơn về thực hiện cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững" đã thật sự tạo ra những làn gió mới cho huyện vùng cao này.
Thành quả từ thay đổi tư duy
Hơn 15 năm nay, thu nhập chính của gia đình anh Đinh Văn Lĩnh - thôn 2, xã Phước Năng (Phước Sơn) phụ thuộc vào rẫy keo rộng 2ha. Sau khoảng 4-5 năm trồng, đến khi khai thác tiền thu về chỉ đủ mua cây giống cho lứa tiếp theo, trang trải cuộc sống gia đình, trả nợ và đợi chờ… hơn 4 năm sau nữa.
Với anh Lĩnh, cây keo dù không thu nhập cao nhưng từng là cây đưa gia đình vượt qua nghèo khó, không lo đầu ra và không tốn công chăm sóc. Việc chuyển đổi cây trồng địa phương vận động, khuyến cáo nhiều, song không dễ thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của người dân.
“Nghe cán bộ huyện, xã tuyên truyền chuyển đổi từ cây keo sang cây trồng bản địa và dược liệu, ban đầu tôi cũng hứng thú lắm. Nhưng rồi lại băn khoăn trồng cây khác có ai mua không, giá cả thế nào… Trong khi cây keo không cho thu nhập cao nhưng dễ trồng, không vất vả” – anh Lĩnh nêu ý kiến với cán bộ xã Phước Năng khi họ đến khu dân cư tuyên truyền chủ trương "Thay đổi nếp nghĩ cách làm" của Huyện ủy Phước Sơn. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân nơi đây khi đề cập việc chuyển đổi cây trồng. Họ lo ngại khi phải thay đổi…
Ngoài chuyển đổi 2ha trồng keo sang trồng giổi, anh Đinh Văn Lĩnh còn trồng xen canh cây ba kích tím. Hơn 1 năm chuyển đổi, 2 loại cây này đều phát triển, sinh trưởng tốt.
Ông Hồ Văn Khu – Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho rằng, thu nhập từ cây keo đổi ra công lao động sau một vụ thu hoạch thì rất thấp. Nếu còn giữ tư duy này, chắc chắn người dân sẽ quanh quẩn trong cảnh nghèo khó, không thể vươn lên. Để họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cán bộ xã đã miệt mài vận động, hướng dẫn theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, “người thật, việc thật và kết quả thật”.
[VIDEO] - Gia đình anh Đinh Văn Lĩnh - thôn 2, xã Phước Năng (Phước Sơn) chuyển từ trồng keo sang trồng ba kích tím:
Sau khi có những hộ đầu tiên bước ra khỏi “vùng an toàn” cùng mình, đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng dân cư. Dần dà, nhiều hộ bắt đầu chuyển đổi những diện tích trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn theo định hướng của địa phương.
Cán bộ nói đúng, trồng keo có cái ăn nhưng mãi không khá lên được. Làm giàu càng là chuyện xa vời hơn. Mình cứ mạnh dạn làm, chính quyền địa phương đồng hành, hướng dẫn, tin chắc sẽ có kết quả tốt"
Anh Đinh Văn Lĩnh - thôn 2, xã Phước Năng (Phước Sơn)
Thành quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm rõ nhất ở Phước Năng là cánh đồng lớn rộng 120ha đã chuyển sang trồng lúa hữu cơ thay thế phương pháp canh tác truyền thống nhiều đời nay. Ông Khu cho biết, thời gian đầu vận động, người dân còn mơ hồ lắm. Họ không biết cách sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, lịch thời vụ, cây lúa, tưới tiêu tiết kiệm...
Do đó, cán bộ xã kiên trì vận động, tập huấn, giới thiệu mô hình sản xuất lúa ở các tỉnh, thành có điều kiện tự nhiên tương tự đã chuyển đổi thành công. Cuối cùng, người dân đồng ý thí điểm vụ đầu tiên vào cuối năm 2023.
Nông dân càng tin tưởng hơn vào định hướng của địa phương, khi năng suất lúa hữu cơ đạt 62 tạ/ha, cao hơn 20 tạ so với kiểu canh tác truyền thống. Đáng nói, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá thành bán ra thị trường cao, thương lái thu mua liên tục. Riêng giống gạo lứt đen có giá lên đến 50 nghìn đồng/kg.
[VIDEO] - Ông Hồ Văn Khu - Chủ tịch UBND xã Phước Năng chia sẻ về tín hiệu tích cực của việc người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm:
Phát huy văn hóa truyền thống
Đi đôi với thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong tư duy phát triển kinh tế, người dân vùng cao Phước Sơn còn được vận động xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp, phát triển văn hoá truyền thống theo hướng tích cực. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn hay hủ tục chôn sống những đứa trẻ "mang nghiệp con ma rừng" hay chuyện ma chay chôn cất sơ sài vì sợ "con ma rừng"... đã không còn xuất hiện nữa.
Bỏ hủ tục thì dễ, nhưng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là hành trình đầy cam go, thử thách. Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, nhiều năm trước, khi gặp gỡ các vị cao niên trong làng, họ thường trăn trở về chuyện làm sao phải bảo tồn văn hóa. Tuy vậy, khi đề cập sâu vào vấn đề này, họ lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Tiếp thu những ý kiến già làng, người có uy tín, UBND huyện Phước Sơn đang tập trung vào việc thay đổi tư duy của những người làm công tác bảo tồn văn hóa, nghệ nhân và thế hệ trẻ. Đầu tiên phải khiến họ tự hào về văn hóa, trở thành chủ thể trong công tác bảo tồn.
Ngày hội văn hóa truyền thống của người Bhnong huyện Phước Sơn được tổ chức thường niên là hoạt động tạo nhiều điểm nhấn và giá trị cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.
Ngày hội diễn ra các hoạt động như trưng bày các hiện vật lịch sử, văn hóa, du lịch tiêu biểu của các xã, thị trấn; thi trình diễn nghề truyền thống, trình diễn ẩm thực truyền thống biểu diễn cồng chiêng, hát lý đối đáp, biểu diễn trang phục truyền thống; trình diễn, tái hiện nghi thức trong lễ hội truyền thống của người Bhnong như cúng đất lập làng, ăn mừng lúa mới, cúng và ăn mùng 5 (chahthok), nghi thức gả vợ, gả chồng, lễ cúng máng nước... Sân chơi văn hóa này đã trở thành "điểm hẹn" để đồng bào tự hào giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng mình ra bạn bè khắp nơi.
Ngày hội là dịp để đồng bào Bhnong toàn huyện nhắc nhớ nhau về những phong tục, tập quán đặc sắc của mình, đồng thời, thông qua các cuộc thi, chương trình tái hiện, đồng bào cũng hăng say tập luyện, gìn giữ, bảo tồn văn hóa một cách nguyên vẹn"
Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Ngoài ra, Phước Sơn đã hỗ trợ mua sắm các dụng cụ cồng chiêng, khuyến khích thành lập nhiều câu lạc bộ sinh hoạt trống chiêng ở các thôn. Để gìn giữ nghệ thuật chơi nhạc cụ từ đàn đá của đồng bào Bhnong, địa phương đã hỗ trợ kinh phí để nghệ nhân bản địa đi biểu diễn và truyền dạy cho các thôn làng khác. Chính những cách làm thiết thực mà tư duy về bảo tồn văn hóa của người dân Phước Sơn đã được thay đổi theo chiều rộng lẫn chiều sâu.
[VIDEO] - Những nét văn hoá độc đáo của đồng bào vùng cao Phước Sơn được gìn giữ, phát huy:
Tạo sức lan tỏa
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, sau khi học tập mô hình ở những địa phương tương đồng về điều kiện tự nhiên, ngày 9/2/2023, Huyện ủy Phước Sơn ban hành Chỉ thị số 27 về thực hiện cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững" với 10 nội dung thay đổi nếp nghĩ và 10 nội dung thay đổi cách làm.
Trong đó tập trung khuyến khích người dân chú trọng phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biết tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; có mô hình sản xuất ổn định; tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Mục tiêu là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%/năm, đến năm 2030 còn dưới 10%.
Cuộc vận động của chúng tôi không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, khuyến khích mà còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ mang tính thí điểm. Bởi chúng tôi tin rằng, nếu ở trong môi trường có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đời sống văn minh thì suy nghĩ của người dân cũng sẽ thay đổi"
Ông Lê Quang Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Làng Triêng, xã Phước Kim (Phước Sơn) là điển hình nhất của việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trước đây, người dân nơi đây sống trong những căn nhà tạm bợ, cảnh quan môi trường nhếch nhác. Sau khi được di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đến khu dân cư được quy hoạch, làng Triêng chuyển mình về mọi mặt. Trong điều kiện mới, có đầy đủ điện, nước sạch, người dân tự trồng cây xanh để tạo cảnh quan, mạnh dạn chung vốn với nhau đầu tư phát triển kinh tế.
"Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường liên xã, đường dẫn vào khu sản xuất đã giúp người dân đổi mới tư duy làm ăn. Từ khi có đường, người dân góp tiền thuê xe tải vào rẫy chở nông sản về, nâng cao giá trị kinh tế rõ rệt, không còn cảnh gùi nông lâm sản từ rừng, nương rẫy, đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến điểm bán vừa tốn công, tốn sức vừa ít lợi nhuận. Thấy hiệu quả, dần dà, hộ này bắt chước hộ kia, làng đi sau học hỏi làng đi trước,… cùng nhau thay đổi, cùng nhau phát triển" - ông Trung nói thêm.
[VIDEO] - Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chia sẻ về việc triển khai cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm:
Thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự mạnh dạn, dũng cảm của người dân. Bằng sự kiên trì vận động và hỗ trợ kịp thời, hợp lý của cả hệ thống chính trị huyện Phước Sơn, Chỉ thị 27 của Huyện ủy sẽ thật sự đi vào đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới sự văn minh, tiến bộ"
Ông Đoàn Văn Thông - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”