Giáo dục - Việc làm

Từ “bình dân học vụ” đến “bình dân học vụ số”

VÂN TRÌNH 27/11/2024 08:57

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với quan điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”. Chủ trương có tính cách mạng thời lập nước ấy vẫn đang là động lực quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia ngày nay.

697-202411252003051.jpg
Một lớp bình dân học vụ ngày xưa. Ảnh tư liệu

Sau đề nghị chiến dịch chống nạn mù chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành liền 3 Sắc lệnh số 17, 19 và 20. Theo đó, Nha Bình dân học vụ được ra đời nằm trong Bộ Quốc gia Giáo dục, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có “ít ra là một lớp bình dân” và cưỡng bách học chữ Quốc ngữ trên toàn quốc.

Từ kỳ tích lịch sử

Trong tác phẩm “Quê nội”, nhà văn Võ Quảng thuật lại khá sinh động về một lớp bình dân học vụ ở đất Quảng ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945: “…Tiếng phèng la chợt vang động. Giờ tựu lớp đã đến, chị Ba, chị Bốn ăn xong, thắp cây đèn chai, gọi nhau đi học… Ngọn đèn chị Ba trôi nhanh ra ngõ. Hai ngọn đèn gặp nhau cùng cất cao, nhập lại, tách ra, nhún nhảy trôi theo con đường dọc xóm...

Tất cả những ngọn đèn lồng từ trên xuống, từ dưới lên chảy dồn vào chợ. Lớp học là cái điếm canh được nới rộng. Ba ngọn đèn lồng tỏa sáng. Mọi người đã có mặt. Chú Năm Mùi, anh Bốn Linh ăn mặc chỉnh tề. Bà con cô bác kéo đến đông đủ. Chợt anh Bốn Linh đứng lên dọn giọng tuyên bố lễ khai giảng.

Anh long trọng nói lên ý nghĩa phong trào diệt dốt, một trận đánh vô cùng ác liệt. Hiện nay, cả nước có hàng triệu người không kể lớn bé đang dùi mài học tập. Hòa Phước là đất thanh danh văn vật, không thể lơ là việc diệt dốt. Nói xong, anh Bốn Linh vỗ tay. Mọi người vỗ tay theo...”.

Đáng chú ý là từ các lớp Bình dân học vụ như thế, Quảng Nam đã xuất hiện nhiều tấm gương hiếu học. Tiêu biểu là cụ Nguyễn Ban, quê xã An Tường, huyện Thăng Bình (nay thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức), tuy đã 77 tuổi song đã học xong chữ Quốc ngữ chỉ trong vòng 3 tháng. Cụ đã viết thư ra chiến khu Việt Bắc kính báo Chủ tịch Hồ Chí Minh tin vui này.

Tháng 8/1949, Bác Hồ gửi thư chúc mừng cụ Ban: “… Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng… Cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nỡ lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành…

Cụ thật xứng đáng bốn chữ “lão dương ích tráng” (tức là già mà chí khí lại càng mạnh - NV)… Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Đó là một thành công to lớn và ý nghĩa sâu xa. Các anh chị em bình dân học vụ có thể tự hào rằng mình đã có công với dân tộc”.

Không riêng đất Quảng, chỉ sau 5 năm (tính đến ngày 30/6/1950), trên phạm vi cả nước, phong trào bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho gần 12,2 triệu người; 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ.

Đến cuối tháng 12/1958, vùng đồng bằng và trung du miền Bắc đã căn bản xóa xong nạn mù chữ; 93,4% người dân từ 12-50 tuổi đã biết đọc, biết viết. Với miền núi, đến năm 1965 thì hoàn thành xóa nạn mù chữ.

Đến phát động “Bình dân học vụ số”

Trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào sáng 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu nhấn mạnh: “Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, GD-ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc. Phong trào bình dân học vụ với chính sách “cưỡng bức học chữ Quốc ngữ không mất tiền” sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tương ứng sau 13 năm và 20 năm, đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược.

Thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước”.

công nghệ số
Đoàn viên thanh niên cùng lực lượng công an xã hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng VNeID. Ảnh: T.Công

Cũng tại buổi gặp mặt nói trên, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu thấu đáo phong trào bình dân học vụ, trên cơ sở những bài học còn nguyên giá trị và thực tiễn hiện nay, đề xuất Bộ Chính trị vấn đề này”. Theo Tổng Bí thư, một trong những công việc cần làm ngay, đó là phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”.

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết”.

Cần phải làm gì?

Để phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào “bình dân học vụ số”, theo chúng tôi, trước hết phải kế thừa những bài học quý báu từ phong trào bình dân học vụ trước đây. Đó là dựa vào dân, mục tiêu trong sáng, chính sách thông minh, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Phong trào “bình dân học vụ số” phải trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, huy động sức dân và tổ chức nhân dân, gắn chuyển đổi số với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, theo đúng phương châm và tinh thần mà Bác Hồ kính yêu đã từng khuyến cáo: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ (...). Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo…”.

697-202411252003052.jpg
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Cạnh đó, cần chú trọng phát huy đúng mức vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ). Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, TCNSCĐ thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân, cộng đồng dân cư về công tác chuyển đổi số; hướng dẫn các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn cài đặt và sử dụng nền tảng dùng chung, Cổng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích số; thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử, an toàn thông tin và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên môi trường internet. Thông qua hoạt động của TCNSCĐ, người dân sẽ được “xóa mù số”, được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Theo Sở TT-TT, tính đến quý II/2024, toàn tỉnh có 1.218 TCNSCĐ/1.240 thôn, với hơn 7.000 thành viên. Mỗi TCNSCĐ có tối thiểu 5-6 người, thành viên của tổ gồm có cán bộ xã đứng điểm, bí thư chi bộ, đại diện chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân,…

Một khi các TCNSCĐ thường xuyên được củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức, được tập huấn nghiệp vụ chu đáo và có cơ chế hỗ trợ hợp lý, chắc chắc sẽ tạo ra cú hích quan trọng để các chiến sĩ “Bình dân học vụ số” lập nên kỳ tích trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp nối xứng đáng thành quả của các thế hệ chiến sĩ bình dân học vụ thời lập nước.

VÂN TRÌNH