Kinh tế

Kinh tế Hiệp Đức 2024: Nhìn nhận những khó khăn

TÂM ĐAN 28/11/2024 07:30

Làm việc với huyện Hiệp Đức, Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, quy mô nền kinh tế và thu ngân sách của huyện còn quá thấp; địa phương cần có định hướng, giải pháp tạo đột phá phát triển trong thời gian đến.

dsc08747.jpg
Thường trực HĐND tỉnh làm việc với huyện Hiệp Đức. Ảnh: TÂM ĐAN

Thu ngân sách gặp khó

Theo ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, đến tháng 11, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện đạt và vượt 23/36 chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024.

Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản và công nghiệp - xây dựng đã vượt chỉ tiêu nghị quyết; giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt 97% nghị quyết. Tính đến ngày 9/11, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 846,7 tỷ đồng (vượt 65,4% dự toán tỉnh giao, vượt 63,1% so với Nghị quyết HĐND huyện).

Phân tích về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hiệp Đức, ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhìn nhận, dù tổng thu ngân sách của Hiệp Đức vượt chỉ tiêu nhưng chủ yếu là thu chuyển nguồn.

Trong khi đó, nguồn thu nội địa rất thấp, chỉ hơn 76,1 tỷ đồng (đạt 72,1% so với dự toán tỉnh giao, đạt 67,5% so với Nghị quyết HĐND huyện, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm trước).

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh đánh giá, quy mô nền kinh tế Hiệp Đức khoảng 2.200 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,2% so với quy mô kinh tế toàn tỉnh.

Trong khi thu nội địa chỉ 76 tỷ đồng, so sánh thì chỉ bằng một doanh nghiệp nhỏ ở huyện đồng bằng. Huyện Hiệp Đức cần thấy rõ và có sự nỗ lực, định hướng tốt hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, nguồn thu ngân sách năm 2024 của huyện gặp khó do nguồn thu từ các doanh nghiệp Thủy điện Sông Tranh, Công ty May Hiệp Đức, công ty gỗ dăm… không đạt. Lý do là việc bán điện gặp khó vì cơ chế; hàng hóa may mặc, gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng do tình hình thế giới biến động.

dsc_0363.jpg
Nguồn thu ngân sách năm 2024 của huyện Hiệp Đức khó đạt chỉ tiêu do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp may trên địa bàn xã Bình Lâm (Hiệp Đức). Ảnh: TÂM ĐAN

Bên cạnh thu ngân sách, vấn đề giải ngân vốn, nhất là vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) của Hiệp Đức đến nay gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, vốn chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến nay mới chỉ giải ngân đạt 15,9% (7,5/47,1 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn chương trình giảm nghèo năm 2022 và 2023 kéo dài chỉ giải ngân đạt 16,1% (492 triệu đồng/3 tỷ đồng).

Các ý kiến cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công Hiệp Đức đạt 60%, cao hơn mức trung bình của tỉnh, Trung ương, tuy nhiên nguồn vốn các chương trình MTQG trên địa bàn Hiệp Đức đạt thấp, nhất là vốn kéo dài năm 2022, 2023, khiến nguy cơ bị thu hồi vốn cao.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, dự kiến huyện phải trả lại hơn 30 tỷ đồng vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vì không giải ngân được.

Một trong những lý do là nguồn vốn chương trình MTQG cấp trễ khiến áp lực giải ngân cho huyện lớn. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình MTQG còn chồng chéo, chưa đồng bộ.

Ngoài những khó khăn, năm 2024 Hiệp Đức đạt một số kết quả nổi bật như: vận động người dân tham gia BHYT đạt 99,4% (đạt 101,42% nghị quyết); giảm 158 hộ nghèo so với năm 2023, vượt 43 hộ so với chỉ tiêu tỉnh giao (toàn huyện còn 625 hộ nghèo, tỷ lệ 5,12%, hộ cận nghèo 362 hộ, tỷ lệ 2,97%).

Trong năm, huyện đưa 71 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 101% kế hoạch); 98,84% cơ quan, doanh nghiệp, 95,2% gia đình, 100% thôn, khối phố đạt danh hiệu văn hóa. Huyện hoàn thành công tác xóa nhà tạm...

Rừng gỗ lớn không đạt kỳ vọng

Một trong hai chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 của huyện Hiệp Đức đạt thấp, có chỉ tiêu về trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng nhận FSC. Theo báo cáo, diện tích trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC trên toàn huyện đến nay là 605,98ha, chỉ đạt 50,5% nghị quyết và giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

dsc_0062.jpg
Tình hình sản xuất và trồng rừng gỗ lớn tại Hiệp Đức chưa đạt kỳ vọng. Ảnh: TÂM ĐAN

Ông Nguyễn Văn Nam cho hay, phát huy trồng rừng gỗ lớn với định hướng phát triển công nghệ chế biến sâu về gỗ được huyện xác định là mũi nhọn.

Những năm đầu nhiệm kỳ, việc thực hiện chủ trương này rất khí thế khi có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, khởi công xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19 rồi những biến động do chiến tranh Nga - Ukraine đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn gặp nhiều khó khăn do cơ chế hiện nay chưa đủ sức động viên họ tham gia. “Trồng rừng gỗ lớn thời gian khai thác, thu hoạch lâu, phải từ 5-10 năm. Do đó, đòi hỏi phải có những cơ chế mạnh hơn để tiếp sức cho người dân” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Đức cho rằng có nhiều bất cập trong chủ trương trồng rừng gỗ lớn. Đối tượng tham gia trồng rừng gỗ lớn không đại trà, có điều kiện mới dám đầu tư, trong khi thời tiết không thuận lợi, giá cả thị trường bất ổn…

Đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm hơn về chính sách dân tộc tại Hiệp Đức. Phần lớn chính sách đề ra đều dành cho miền núi cao, trong khi tỷ lệ người dân tộc thiểu số của Hiệp Đức chiếm đến 10% dân số, khác xa so với 2 huyện miền núi thấp khác là Tiên Phước và Nông Sơn.

Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu các kiến nghị, giải trình của huyện Hiệp Đức tại buổi làm việc, trong đó có vấn đề trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời lưu ý Hiệp Đức sớm hoàn thành quy hoạch vùng huyện; nâng cao xây dựng nông thôn mới; có biện pháp về giải ngân vốn, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh đầu tư trên địa bàn…

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Năm học 2024 - 2025, toàn huyện Hiệp Đức có 22 trường học trực thuộc UBND huyện, với 47 điểm trường, 298 lớp học, 8.213 học sinh. Tính đến tháng 11/2024, tổng số viên chức và người lao động trong ngành là 751 người (biên chế 591, hợp đồng lao động 160).

Hiện nay, ngành giáo dục huyện thiếu 60 giáo viên, 9 nhân viên. So với định mức và chỉ tiêu giao thì số người làm việc trong biên chế còn thấp. Tỷ lệ giáo viên hợp đồng ở các cấp học còn nhiều; quy mô trường lớp học tại các trường nhiều cấp học (TH&THCS) nhỏ, trong khi yêu cầu giảng dạy đầy đủ các môn học và các hoạt động giáo dục theo quy định; vì vậy trình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ (cấp THCS) tại các trường còn xảy ra.

UBND huyện đang tổ chức thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2024 với 69 chỉ tiêu. Lãnh đạo huyện kiến nghị có cơ chế ràng buộc đối với người thi tuyển viên chức ngành giáo dục, vì nhiều trường hợp đã thi đậu vào làm việc nhưng sau đó đăng ký tuyển dụng vào địa phương khác có điều kiện thuận lợi hơn rồi xin nghỉ việc giữa chừng khiến địa phương bị động.

V.ANH

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn đạt hơn 99%

Năm 2024 huyện Hiệp Đức tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực. Khắc phục tốt những hạn chế năm 2023 như thực hiện phân cấp ủy quyền đảm bảo theo quy định; xây dựng đề án vị trí việc làm và bố trí viên chức đúng vị trí việc làm; thực hiện công khai xin lỗi khi hồ sơ trễ hẹn đạt 100% (có thư xin lỗi và báo cáo giải trình).

Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, từ đầu năm đến nay, cấp huyện tiếp nhận 2.181 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 2.112 hồ sơ (đạt 99,41%), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 50,17%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 17,26%; trễ hạn 14 hồ sơ và đang giải quyết là 55 hồ sơ.

Ở cấp xã tiếp nhận 2.914 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 2.895 hồ sơ (đạt 99,86%), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 83,49%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 55,41%; trễ hạn 4 hồ sơ và đang giải quyết là 15 hồ sơ.

ĐÔNG ANH

TÂM ĐAN