Lâm nghiệp

Tăng giá trị đa dụng của rừng

HỒ QUÂN 28/11/2024 15:24

(QNO) - Bằng các cơ chế, chính sách của nhà nước, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ đã, đang lôi kéo người dân vào tham gia trồng và phát triển rừng, góp phần mở rộng không gian sinh kế và vì một màu xanh bền vững.

RUNG 2

Thay keo bằng tre

Mạnh dạn đi đầu

Hơn 1 tháng trước, HTX lâm nghiệp Đại Lộc đầu tư trồng tre mạnh tông (hay còn gọi là tre khổng lồ) trên diện tích 10ha để thay thế cây keo. Hiện nay tre đang sinh trưởng, phát triển tốt trên đất đồi khô cằn. Đây là hướng đi mới, được HTX liên kết với 3 hộ dân thực hiện thông qua hỗ trợ của Công ty BAF (Na Uy).

TRE 1
Dự án trồng tre của HTX lâm nghiệp Đại Lộc. Ảnh: H.Q

Ông Đặng Văn Công – Giám đốc HTX cho biết, việc thay thế cây keo đã được ông tính toán, nghiên cứu lâu nay. Bởi thu nhập từ cây keo tính ra ngày công lao động thấp; cộng thêm khả năng giữ đất, ngăn sạt lở của loại cây này rất kém.

Tre là giải pháp thay thế keo phù hợp, do vòng đời đời lên đến 70 năm, thu hoạch không cần trồng lại mà cây vẫn tái sinh. Tre ngoài phục vụ sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn có thể thu hoạch măng mỗi năm. Đồng thời giữ đất, ngăn sạt lở rất tốt"

Ông Đặng Văn Công – Giám đốc HTX lâm nghiệp Đại Lộc

Sau khi tìm hiểu về các giống tre trên internet ông Công biết đến dự án trồng tre của Công ty BAF và chủ động kết nối để đưa loại cây này về trồng ở khu vực thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng (Đại Lộc). Theo đó, công ty này đã cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết đầu ra cho sản phẩm tre. Lợi nhuận sau thu hoạch sẽ phân chia theo thỏa thuận đã cam kết giữa HTX và Công ty BAF.

tre 2
Tre con phát triển tốt trên đất đồi khô cằn. Ảnh: H.Q

Ông Công nói, tham gia vào dự án, người dân không cần bỏ vốn. HTX sẽ đại diện pháp lý trồng tre trên đất sản xuất các hộ dân. Người dân tham gia trồng tre, chăm sóc, thu hoạch tre sẽ được trả tiền thời vụ. Sau khi thu hoạch tre và măng, HTX sẽ chi lại lợi nhuận cho các hộ dân. Trong quá trình chờ thu hoạch, người dân có thể ứng tiền để trang trải cuộc sống. Ước tính, sau 5 năm, lợi nhuận của tre trên cùng một đơn vị diện tích sẽ cao ít nhất gấp đôi so với keo.

Theo ông Công, năm 2025, HTX dự kiến sẽ mở rộng mô hình trồng tre mạnh tông với diện tích 70ha. Do đó, HTX đang làm việc với các hộ liên kết để thông tin về dự án, ký các thỏa thuận về lợi nhuận, đầu ra... Đồng thời làm việc với Công ty BAF về cam kết về số tiền ứng trước cho các hộ dân tham gia liên kết; giải quyết bài toán phòng cháy chữa cháy khi tre phát triển thành rừng.

Mở rộng diện tích

Bà Trine Emilia Kvale Larsen – Nhà sáng lập Dự án trồng tre (BAF) cho biết, với mong muốn đồng hành cùng các tỉnh miền Trung trong ứng phó biến đổi khí hậu, dự án đang hợp tác với HTX để trồng tre ở khu vực rừng nghèo, có nguy cơ sạt lở hoặc chuyển đổi cây lâm nghiệp không hiệu quả.

z6027241045697_6da51a987c5e53a890b27e6385fe6039.jpg
Công ty BAF giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về dự án trồng tre của mình. Ảnh: H.Q

Năm 2022, dự án đầu tư vườn ươm tại Tiên Phước với quy mô 150 nghìn cây. Qua thời gian trồng thử nghiệm, tre phát triển, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Song, do vướng mắc về pháp lý đất đai, không thể đầu tư vườn ươm quy mô lớn, dự án phải chuyển đầu tư vườn ươm rộng 0,5ha và liên kết với hộ dân trồng 30ha ở tỉnh Đắk Nông. Công ty BAF đang thực hiện các thủ tục đầu tư nhà máy sản xuất ván gỗ từ tre để xuất khẩu sang châu Âu.

So với các loại tre bản địa như tre luồng, tầm vông thì tre khổng lồ phát triển nhanh, chiều cao khi trưởng thành lên đến 30m, đường kính từ 8-20cm. Năm thứ 3, tre có thể cho thu hoạch măng và khai thác gỗ từ năm thứ 5 trở đi. Ngoài ra, tre hấp thu CO2 rất cao, có khả năng tham gia thị trường kinh doanh tín chỉ các bon trong tương lai.

“Chúng tôi sẽ hợp tác với chủ đất hoặc HTX có quy mô diện tích hơn 20ha. Công ty cam kết không giữ sổ đỏ đất rừng hoặc tranh chấp đất trồng dự án với chủ đất. Hợp đồng hợp tác tối thiểu 30 năm, công ty sẽ đầu tư cây giống, kỹ thuật, nhân công và bao tiêu sản phẩm. Chủ đất sẽ được chia sẻ lợi nhuận theo thỏa thuận cam kết ban đầu từ năm thứ 3 đối với măng và năm thứ 5 đối với gỗ” – bà Trine cho biết.

z6027241007280_0f113eadec15808f82f857db85c74812.jpg
Bà Trine Emilia Kvale Larsen – Nhà sáng lập Dự án trồng tre là một người con miền Trung, luôn muốn đóng góp công sức cho việc ứng phó thiên tai gắn với sinh kế cho người dân vùng cao. Ảnh: H.Q

Người dân sẽ được sở hữu toàn bộ rừng tre sau khi kết thúc hợp đồng. Rừng tre này có thể tiếp tục khai thác ít nhất hơn 70 năm.

Bà Trine Emilia Kvale Larsen – Nhà sáng lập Dự án trồng tre (BAF)

Theo bà Trine, Công ty BAF dự kiến sẽ hợp tác, đầu tư nhà ươm có diện tích 5ha tại xã Đại Tân (Đại Lộc) để ươm khoảng 250 nghìn cây giống. Đồng thời trồng tre trên diện tích 500ha tại các huyện Đại Lộc, Đông Giang và Nam Giang. Phấn đấu đến năm 2027, dự án sẽ liên kết trồng trên tổng diện tích khoảng 2.000ha.

keo.jpg
Khoảng 85% diện tích rừng trồng ở Quảng Nam là chủng loại cây keo. Ảnh: H.Q

Quảng Nam có 218.836ha rừng trồng, trong đó diện tích trồng keo đã chiếm khoảng 85%. Điều này cũng dễ hiểu, khi thời gian dài keo được xem là cây giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Dù dễ trồng, không tốn công chăm sóc, mang lại nguồn thu nhập khá, song đặc điểm của cây keo là bộ rễ ăn cạn, không tạo được nhiều tầng tán nên hạn chế trong khả năng giữ nước, chống xói mòn…

[VIDEO] - Ông Võ Hùng Nhân - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam chia sẻ về việc thay thế cây keo bằng các loại cây bản địa:

Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tre không phải là cây trồng mới song có nhiều tiềm năng trong việc phát triển sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu. Trồng tre cũng phù hợp với chủ trương của nhà nước trong phát triển lâm nghiệp bền vững, song mấu chốt là tìm đầu ra cho các sản phẩm từ tre.

“Nhiều năm qua, UBND tỉnh giao chúng tôi nghiên cứu cây trồng thay thế cây keo. Song, để hiện thực hoá cần sự tham gia từ nguồn lực xã hội hóa, các cơ quan chuyên môn. Với những dự án tiên phong, có cam kết rõ ràng với người dân tham gia liên kết như BAF, chúng tôi sẽ ủng hộ trong việc thúc đẩy liên kết sản xuất” – ông Út cho biết.

RUNG 1

rung 3

dji_0281.jpg
1920x1080-1.png
1920x1080-4.png

Giàu hóa rừng nghèo

Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp do cộng đồng thôn 1, xã Trà Nú (Bắc Trà My) quản lý, bảo vệ là hơn 351ha. Toàn bộ diện tích này được quy hoạch chức năng rừng sản xuất. Trong đó có 221ha rừng trung bình, 114ha rừng nghèo (rừng tự nhiên) và 16ha đất chưa có rừng. Diện tích nhận khoán chi trả dịch vụ môi trường hơn 331ha.

TRA NU
Cộng đồng thôn 1, xã Trà Nú tuần tra, bảo vệ rừng trong khu vực khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng. Ảnh: H.Q

Ông Huỳnh Văn Sơn – Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 1 cho biết, hiện nay thôn có khoảng 20ha chưa đưa vào chi trả dịch vụ môi trường rừng do rừng nghèo và chưa có rừng. Riêng 16ha đất chưa có rừng là khu vực khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, có khả năng hình thành rừng trong tương lai.

Hiện nay bên cạnh việc tập trung bảo vệ, tuyên truyền người dân không được lấn chiếm, phát đốt khu vực có cây tái sinh này để làm rẫy hoặc trồng keo thì chúng tôi ưu tiên trồng các cây bản địa. Hy vọng, trong tương lai khi đủ điều kiện thành rừng, diện tích này sẽ được đưa vào diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân.

Ông Huỳnh Văn Sơn – Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 1, xã Trà Nú

Tại Phước Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện giao cho 3 cộng đồng với 30 hộ thuộc 2 xã Phước Kim, Phước Lộc quản lý, bảo vệ gần 484,2ha theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Đây là khu vực rừng nghèo, đang khoanh nuôi tái sinh. Tổng số tiền 3 cộng đồng này nhận trong 1 năm là 242 triệu đồng.

Ông Ung Duy Ba – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn cho biết, tham gia bảo vệ, người dân sẽ nâng cao ý thức gìn giữ, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Đơn vị sẽ lồng ghép các nguồn lực để xúc tiến việc trồng các loại cây bản địa, góp phần nâng cao chất lượng rừng.

TRONG RUNG 1
Trồng rừng trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.Q

Còn ở khu vực khe Gà Mơ, xã Cà Dy (Nam Giang) có hơn 20ha diện tích được quy hoạch rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh, song hiện trạng là đất không có rừng. Những năm qua, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, chủ rừng này này đã trồng các loại cây bản địa như giổi, ươi, lim xanh, lát hoa… Đồng thời, phân công lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên bảo vệ, chăm sóc để sớm phục hồi rừng.

Ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Ban Quản lý vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, từ năm 2016 đến nay đơn vị đã phục hồi 400ha rừng tự nhiên, vừa mở rộng vùng sinh cảnh cho động vật hoang dã, vừa nâng cao chất lượng rừng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng.

[VIDEO] - Trồng rừng phủ xanh đất trống trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh:

Thống kê từ 2021 đến nay, thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Dự án bảo vệ và phát triển rừng… trồng mới hơn 66.701,6ha rừng, trong đó trồng mới diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 1.450,5ha; góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên hơn 58,8%.

trong-rung-4(1).jpg
Trồng rừng ngăn sạt lở ở các địa phương miền núi. Ảnh: H.Q

Đồng thời, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với 11.434,3ha, trong đó, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên không trồng bổ sung hơn 9.711,1ha và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung hơn 1.723,14 ha.

Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, từ năm 2021 đến nay đã trồng hơn 20,664/27,850 triệu cây, đạt tỷ lệ 74,20% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai dự án trồng phân tán 600 nghìn cây bản địa và trồng tập trung 70ha cây bản địa.

[VIDEO] - Trồng rừng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn sạt lở ở vùng cao Trà My:

Cần cơ chế đủ mạnh

Theo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, chỉ tiêu nâng độ che phủ rừng đạt 61% vào năm 2025 dự kiến không đạt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Ngoài nguyên nhân khách quan do bão lũ, sạt lở, cháy rừng làm giảm khoảng 3,55% độ che phủ rừng thì người dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư để nâng cao giá trị rừng trồng.

Ông Ung Duy Ba – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn chia sẻ, có một thời gian, cây giống cấp phát cho dân, cán bộ không theo dõi, giám sát thì họ trồng tự phát, tỷ lệ cây chết nhiều. Một số diện tích trồng cũng không chăm sóc và thả gia súc gây hư hại. Đơn vị phải bỏ kinh phí, mua lại cây giống mới để trồng bổ sung vào các khu vực này.

“Hiện nay, khi cấp phát cán bộ, nhân viên đơn vị tham gia trồng cùng người dân; tuyên truyền để nhóm hộ nâng cao ý thức trồng và chăm sóc định kỳ, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển, phủ xanh đất trống” – ông Ba nói.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-12-5-152551-_tnb-61950-01.jpg
Bắc Trà My cần thêm nguồn lực trồng rừng. Ảnh: H.Q

Tại huyện Bắc Trà My, mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025 là khoanh nuôi xúc tiến tái sinh khoảng 500ha; trồng lại rừng sản xuất theo hướng loài cây bản địa khoảng 1.500ha và trồng 60ha rừng phòng hộ.

Theo ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện, nguồn lực địa phương còn eo hẹp, chủ yếu lồng ghép sử dụng nguồn kinh phí được phân bố hằng năm của trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Do đó việc triển khai dự án trồng rừng chỉ dừng lại ở việc thực hiện thí điểm một số vị trí trong khu vực cần phục hồi.

Bên cạnh đó, việc trồng rừng, trồng lại rừng sản xuất tại các khu vực đầu nguồn nước, khu vực sạt lở, có nguy cơ sở lở... rất cấp thiết, song đa phần diện tích cần trồng rừng là diện tích của người dân sử dụng, quản lý (khoảng 1.400ha), đất do UBND xã quản lý. Kinh phí hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho người dân là 10 triệu đồng/ha; trồng cây phân tán 5 triệu đồng/1.000 cây chưa thể kích thích được người dân tham gia.

Chúng tôi kiến nghị cần nâng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất từ 10 triệu đồng lên 30 triệu đồng để người dân tích cực tham gia trồng rừng, đặc biệt là trồng các loài cây bản địa cần chi phí đầu tư cao.

Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My

[VIDEO] - Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng rừng:

HỒ QUÂN