Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
(QNO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28/11, với 454/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Theo đó, luật gồm 8 chương, 63 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người.
Về nguyên tắc phòng chống mua bán người, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về chế độ hỗ trợ chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân ở từng trường hợp là nam, nữ, người đồng tính, song tính, chuyển giới; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nguyên tắc phòng chống mua bán người nên chỉ quy định nguyên tắc chung về bảo đảm bình đẳng giới, được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp với độ tuổi, giới tính.
Các chính sách cụ thể để đáp ứng nhu cầu về giới đã được quy định trong các điều luật khác; ngoài ra, các quy định còn lại của dự thảo luật đều mang tính trung tính, không phân biệt đối xử về giới.
Về phòng ngừa mua bán người, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung tuyên truyền về các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự để tăng cường tính răn đe vào Điều 7 của dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật quy định nội dung tuyên truyền gồm “Chính sách, pháp luật phòng, chống mua bán người và pháp luật có liên quan”, trong đó đã bao gồm cả pháp luật về hình sự và xử lý hành chính.
Đồng thời đã quy định việc thông tin, tuyên truyền về “kết quả xử lý những vụ việc mua bán người theo quy định của pháp luật,” bao gồm cả biện pháp xử lý hành vi mua bán người.
Đối với việc tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, Điều 27 của dự thảo luật quy định về trường hợp nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân đến trình báo là để bảo đảm quyền lợi tối đa của nạn nhân, không dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết. Quy định này cũng kế thừa luật hiện hành và qua tổng kết cho thấy, quá trình thực hiện không gặp khó khăn, vướng mắc.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện việc hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc hỗ trợ vào Điều 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nguyên tắc và trách nhiệm thực hiện hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đã được quy định: “hỗ trợ phải kịp thời, chính xác, giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và “bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ”.
Bên cạnh đó, dự thảo luật do Chính phủ trình quy định trách nhiệm của 12 bộ, ngành trong phòng chống mua bán người. Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã lược bỏ, không quy định trách nhiệm của 6 bộ, ngành trong dự thảo luật do không có tính đặc thù trong công tác này.
Dự thảo luật quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng chống mua bán người và 5 bộ (Quốc phòng, LĐ-TB&XH, Y tế, Ngoại giao, Tư pháp) là những bộ có tính đặc thù trong công tác phòng chống mua bán người.