Hướng mở giải phóng mặt bằng cầu vượt đường sắt ở Thăng Bình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng vừa ký ban hành Văn bản số 8988 về việc giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng khu vực cầu vượt đường sắt thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E. Đây được xem là hướng mở quan trọng giúp huyện Thăng Bình tháo gỡ nút thắt về công tác giải phóng mặt bằng khu vực cầu vượt đường sắt qua xã Bình Quý.
Trong văn bản gửi các ngành và huyện Thăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến thống nhất chủ trương thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực cầu vượt đường sắt thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E tính từ tim đường ra mỗi bên 15,7m, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021.
Cụ thể, đối với các trường hợp hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có đơn xin giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích, UBND tỉnh thống nhất chủ trương bồi thường, thu hồi đất và tổ chức quản lý, sử dụng phần diện tích ngoài vệt giải phóng mặt bằng đất sau thu hồi theo đúng quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu huyện Thăng Bình phối hợp, làm việc với Ban Quản lý dự án 4 (chủ đầu tư dự án) để điều chỉnh thiết kế, đầu tư xây dựng đường gom hai bên cầu vượt theo hướng mở rộng lòng đường lên 5,5m; phần diện tích còn lại, đầu tư hệ thống vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng đồng bộ, tạo cảnh quan sạch đẹp để tạo thuận lợi cho việc vận động nhân dân đồng thuận, chấp hành phương án.
Ban Quản lý dự án 4 có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh, bổ sung thiết kế và triển khai thi công đường gom hai bên khu vực cầu vượt đường sắt theo phương án nêu trên; đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với UBND huyện Thăng Bình để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm triển khai thi công cầu vượt đường sắt và giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Ông Đặng Tấn Dục - Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho biết, mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp lẫn gián tiếp, nhưng các hộ bị ảnh vẫn không bàn giao mặt bằng.
Ngay sau khi có Văn bản 8988 của UBND tỉnh, huyện Thăng Bình đã khẩn trương tổ chức buổi đối thoại trước khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với 3 hộ dân đầu tiên tại khu vực cầu vượt đường sắt là hộ ông Nguyễn Thiên Quang, Phan Minh Hồng và Lê Khắc Chung.
Sau khi đối thoại, giải thích, hộ ông Lê Khắc Chung đã có đơn xin thu hồi hết diện tích đất bị ảnh hưởng và bốc thăm giao đất tái định cư. “Đến chiều ngày 25/11, đã có 30 hộ gia đình bị ảnh hưởng tại khu vực đường sắt có đơn xin thu hồi hết diện tích bị ảnh hưởng để bố trí tham gia bốc thăm giao đất tái định cư” - ông Dục cho biết.
Theo bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Văn bản số 8988 của UBND tỉnh là hướng mở quan trọng để địa phương có thêm cơ sở tuyên truyền vận động, trả lời cụ thể cho người dân được hiểu rõ. Khi áp dụng văn bản này thì các hộ dân bị ảnh hưởng sẽ có nhiều quyền lợi hơn, điều này giúp tháo gỡ được mặt bằng tại khu vực cầu vượt đường sắt thời gian đến.
Tại khu vực cầu vượt đường sắt xã Bình Quý, đến nay UBND huyện Thăng Bình đã phê duyệt 3 phương án bồi thường, hỗ trợ, gồm 45 hộ (48 thửa) với số tiền hơn 10,5 tỷ đồng. Trong đó có 9 hộ (11 thửa) đã thống nhất nhận tiền và cam kết bàn giao mặt bằng. Còn lại 36 hộ (37 thửa) chưa thống nhất với lý do giá bồi thường thấp.
Ngoài ra, các hộ dân có ý kiến về việc mở cầu vượt sẽ làm hạn chế giá trị thửa đất và khó khăn buôn bán, kinh doanh của gia đình. Còn lại 14 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Dự kiến phê duyệt phương án hoàn thành trong tháng 11 và 12 năm 2024.