Lâm nghiệp

Vướng quy hoạch và tài chính, Quảng Nam khó quy chủ đất rừng

H.GIANG - P.GIANG 29/11/2024 09:15

Việc quy chủ đất rừng vẫn còn rất ì ạch, dù HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề và ban hành Nghị quyết số 44 ngày 8/12/2023 về giải pháp đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại 9 huyện miền núi của tỉnh.

anh quy hoach 3 loai rung
Việc thực hiện quy chủ đất rừng theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh gặp khó khăn do vướng Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.V

Chờ bản đồ quy hoạch

Sở TN-MT báo cáo, đến nay 9 huyện miền núi của tỉnh đã triển khai công tác đo đạc, kê khai đăng ký cho 33/85 xã (tăng 2 xã so với cuộc họp tháng 7/2024), với khối lượng đo đạc hơn 30.473/98.818,7ha (đạt 30,84%).

Sở đã phê duyệt sản phẩm bản đồ địa chính cho 10 xã; đã kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp khoảng 9.369/57.046 hồ sơ, đạt 16,42% theo thiết kế kỹ thuật - dự toán.

Đồng thời, đến nay các địa phương đã thẩm định, in và trình ký 2.006 GCNQSDĐ. Trong đó, đã ký 571 GCNQSDĐ, ban hành quyết định cấp 352 GCNQSDĐ.

Với những số liệu này, Sở TN-MT nhìn nhận tiến độ thực hiện việc quy chủ đất rừng ở 9 huyện miền núi rất chậm so với mục tiêu và lộ trình đề ra của Nghị quyết số 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh.

Theo yêu cầu của HĐND tỉnh, 9 huyện miền núi đã có báo cáo tổng hợp số liệu điều chỉnh thiết kế kỹ thuật - dự toán gửi về Sở TN-MT. Tuy nhiên một số địa phương làm nội dung đề xuất và biểu mẫu chưa đúng theo hướng dẫn của Sở TN-MT tại Công văn số 2188 ngày 11/9/2023 về việc rà soát, tổng hợp báo cáo số liệu về khối lượng, kinh phí điều chỉnh, bổ sung đo đạc mới, đo đạc chỉnh lý dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2026.

Giải trình về những vấn đề liên quan, theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Quy hoạch (Sở TN-MT), vướng mắc lớn nằm ở hai quy hoạch.

Cụ thể, Quy hoạch tỉnh theo Quyết định 72 ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã cập nhật, điều chỉnh tất các quy hoạch của tỉnh, nhưng đến nay Sở TN-MT và các sở ngành liên quan chưa nhận được kết quả chính thức (chưa có ruột).

Đối với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì diện tích đất lâm nghiệp theo Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng có sự thay đổi, điều chỉnh bổ sung, song đến nay các địa phương chưa nhận bàn giao sản phẩm quy hoạch đất lâm nghiệp (số liệu đất đai và hệ thống bản đồ).

Vậy nên, việc rà soát khối lượng chưa cụ thể, dẫn đến việc cân đối nguồn kinh phí của huyện chưa chính xác, nguồn kinh phí còn thiếu để đề nghị tỉnh hỗ trợ chưa đầy đủ theo biểu mẫu của Sở TN-MT.

“Vì chờ hai quy hoạch nên sở chưa thể tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xin điều chỉnh Nghị quyết số 07 tại Kỳ họp thứ 28 sắp tới. Chưa có bản đồ, các ngành, địa phương đang lúng túng không xác định được vị trí quy hoạch 3 loại rừng.

Ngành kiến nghị các cơ quan liên quan quản lý về quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp sớm bàn giao sản phẩm cho Sở TN-MT và 9 huyện miền núi có liên quan.

Trên cơ sở đó, Sở TN-MT phối hợp với huyện rà soát lại vị trí trên bản đồ, xác định rõ 3 loại rừng như thế nào để thực hiện xin điều chỉnh ở kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất” - ông Hiếu nói.

Cân đối, bố trí đủ kinh phí thực hiện

Theo phân tích của ngành chuyên môn, các địa phương cũng đang gặp lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh.

Trong tháng 5 và tháng 6/2024, UBND các huyện Nông Sơn, Nam Giang, Đông Giang có tờ trình đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 07. Phúc đáp đề nghị của 3 địa phương tại Báo cáo số 2415 ngày 26/7/2024, Sở Tài chính cho rằng, Sở TN-MT đã thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn 9 huyện với tổng kinh phí hơn 104,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện tại 3 huyện gần 35,9 tỷ đồng; kinh phí Sở TN-MT đề nghị cấp cho địa phương đến đến hết năm 2024 với số tiền gần 10 tỷ đồng.

Trên cơ sở dự toán chi và quyết toán thu ngân sách nhà nước hằng năm (từ năm 2021 đến năm 2024) trên địa bàn 3 huyện nêu trên, tổng kinh phí (10% dự toán chi sự nghiệp kinh tế ngân sách cấp huyện, trừ phần bổ sung có mục tiêu và 10% nguồn thu tiền sử dụng đất được hưởng theo phân cấp), để thực hiện theo Nghị quyết 07 là hơn 20,2 tỷ đồng.

Căn cứ số liệu nêu trên, thì nguồn kinh phí thực hiện tại 3 huyện còn thừa so với nhu cầu hơn 6,6 tỷ đồng. Qua phân tích các cơ sở pháp lý có liên quan, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cân đối từ nguồn ngân sách địa phương, bố trí đủ kinh phí (10% nguồn thu tiền sử dụng đất được hưởng theo phân cấp và 10% dự toán chi sự nghiệp kinh tế ngân sách cấp huyện, trừ phần bổ sung có mục tiêu từ năm 2021 đến 2024) để đảm bảo thực hiện Nghị quyết 07.

Bà Phan Thị Cẩm Vân - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, Nghị quyết số 07 được ban hành năm 2021 và thực hiện đến năm 2026, nhưng các địa phương triển khai không đồng bộ theo lộ trình đề ra nên nguồn vốn 10% kinh phí sự nghiệp kinh tế có địa phương đã sử dụng vào mục đích khác. Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ với điều kiện các huyện đã bố trí nguồn 10% sự nghiệp kinh tế từ năm 2021.

Đến nay có địa phương vẫn còn điều chỉnh thiết kế kỹ thuật - dự toán. UBND tỉnh có chỉ đạo cần thiết phải điều chỉnh Nghị quyết 07 để triển khai trong thời gian sắp đến. Các địa phương chưa báo cáo được con số kinh phí đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ thì Sở Tài chính không thể tham mưu xử lý” - bà Vân nói.

Tháng 9/2023, UBND huyện Bắc Trà My đã bàn giao 571 GCNQSDĐ lâm nghiệp cho các hộ dân tại xã Trà Giác và đến nay chưa cấp thêm giấy chứng nhận mới nào.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho hay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri người dân đều nhắc đến việc thực hiện Nghị quyết 07. Vì vậy, các ngành chuyên môn cần tập trung hướng dẫn địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp tại 9 huyện miền núi; nếu không làm được cũng có văn bản trả lời cho nhân dân biết.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở TN-MT tiếp tục rà soát, nhận diện những bất cập, làm rõ các nguyên nhân; từ đó, tính đến việc xem xét cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 07 cho phù hợp với thực tiễn.

H.GIANG - P.GIANG