Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam xúc tiến đào tạo tại miền núi
Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam xúc tiến đào tạo nghề tại các xã miền núi của tỉnh, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Học nghề phù hợp khả năng
Tham gia lớp học nghề nấu ăn đang được Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam phối hợp với UBND xã Trà Nú (Bắc Trà My) tổ chức, chị Lê Thị Thanh (ở thôn 2) không bỏ sót bữa học nào. Chị nói: “Được Hội LHPN xã tuyên truyền, giới thiệu, tôi đăng ký đi học nghề nấu ăn. Lúc đầu tôi cũng lo lắng vì không biết có thạo nghề sau khi kết thúc khóa học. Thế nhưng, xã cam kết nếu học thành nghề sẽ hỗ trợ để chị em có tổ nấu ăn, phục vụ các đám tiệc tại địa phương”.
Còn chị Trần Thị Thu Mây (thôn 1, xã Trà Nú) mong muốn sau khi học nghề sẽ đủ điều kiện xin làm cấp dưỡng ở trường mẫu giáo của xã. Chị Mây từng đi học, đi làm rồi về lại Trà Nú mà chưa không có việc làm ổn định. Chị chỉ mong sau khi học nghề nấu ăn, có được bằng nghề sẽ xin được việc làm ổn định.
Cùng với khóa học nghề nấu ăn, khóa học nghề cơ khí gò hàn cũng được Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam tổ chức ở xã Trà Nú. Lớp nghề cơ khí nam giới học là chính, chủ yếu là lao động phổ thông tại chỗ, chưa được đào tạo, chưa có nghề ổn định. Ông Nguyễn Văn Dũng (thôn 1) cho hay chỉ mới học xong lớp 9 và lâu nay ở nhà làm nông.
Ông nói: “Trong quá trình đi làm thuê, tôi nhận thấy nghề gò hàn đang phát triển vì hiện nay các công trình dân dụng chuộng vật liệu sắt vì dễ mua hơn gỗ, giá cả phải chăng. Tôi dự định học xong sẽ kết hợp với vài người nữa mua máy móc để nhận công trình làm”.
Theo bà Phạm Thị Sen - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Nú, lớp kỹ thuật chế biến món ăn dưới 3 tháng có 33 hội viên là chị em phụ nữ chưa có nghề nghiệp ổn định, chưa được đào tạo nghề tham gia học; lớp cơ khí gò hàn có 29 nam giới theo học. Các lớp học này do UBND xã Trà Nú phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam đào tạo tại chỗ cho lao động (LĐ) miền núi.
Khi UBND xã có kế hoạch đào tạo nghề cho người LĐ của xã, Hội LHPN xã đã khảo sát nhu cầu hội viên và thống nhất chọn học nghề nấu ăn. Hội Nông dân xã khảo sát trong hội viên thì nhu cầu là học nghề cơ khí gò hàn. Từ nhu cầu của hội viên phụ nữ, Hội LHPN xã đã lập danh sách và đề nghị Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam bố trí người dạy, trang thiết bị, xã hỗ trợ về địa điểm.
Tạo điều kiện cho lao động miền núi
Cũng theo bà Sen, từ trước đến nay, xã Trà Nú đã đào tạo một số nghề gắn với nông nghiệp cho chị em như mây - tre - đan, chăn nuôi thú y, trồng cây ăn quả... Nhu cầu chị em đợt này muốn học nghề nấu ăn để thành lập tổ, nhóm nấu ăn phục vụ đám tiệc.
Điều này khá hợp lý, vì nhu cầu của xã hội bây giờ cao nên chị em hợp tác với nhau làm được sẽ rất tốt. Điều kiện miền núi khó khăn trong đi lại để học nghề, nên việc có trung tâm chịu về đào tạo tại chỗ giúp cho chị em rất nhiều trong nâng cao tay nghề, học được nghề mới phù hợp với nhu cầu hiện nay.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND xã Trà Nú cho biết, địa phương luôn quan tâm nâng cao trình độ tay nghề cho LĐ ở xã, đặc biệt là LĐ người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng cách thức đào tạo phụ thuộc điều kiện của người LĐ, họ không thể đi xa học nghề vì còn nhiều ràng buộc. Vì thế, Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam về tận nơi đào tạo nghề giúp xã Trà Nú triển khai các nội dung đào tạo nghề trong các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai ở xã.
Ông Hiếu nói: “LĐ ở miền núi như Trà Nú còn nhiều, nhưng chủ yếu làm nông, LĐ phổ thông chưa được đào tạo nghề. Muốn phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững thì người LĐ phải được đào tạo nghề để nâng cao thu nhập; thanh niên có thể đi ra ngoài làm việc trong các công trình, công ty, xí nghiệp... Chỉ có đi LĐ, có việc làm, có thu nhập thì người LĐ mới có thể nuôi gia đình, cho con cái ăn học, thoát nghèo tốt hơn. Việc cơ sở đào tạo khắc phục khó khăn để đào tạo tại chỗ đã giúp xã rất nhiều trong công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, miền núi”.
Thực hiện đạt 76% kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2024
Năm 2024, toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nông thôn, miền núi. Ngành LĐ-TB&XH và các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm cho đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh GDNN trên địa bàn tỉnh đến nay là 18.247 người, đạt 76% kế hoạch năm 2024 (24.000 người); trong đó trình độ cao đẳng 940 người, trình độ trung cấp 1.582 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 15.725 người.
Tổng số lao động được đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng từ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề là 5.332 người. Bao gồm các chương trình theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ.(D.LỆ)
Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam đào tạo lưu động cho hơn 1.100 người
Theo Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh, đến hết tháng 11/2024, trung tâm đã tư vấn, tuyển sinh và đào tạo nghề lưu động trình độ dưới 3 tháng cho 1.131 người, chủ yếu là lao động ở các huyện miền núi Bắc Trà My, Đông Giang, Hiệp Đức, Phước Sơn, Tiên Phước...
Trung tâm phối hợp với các địa phương tập trung các ngành nghề dễ có cơ hội việc làm, như nghề nề hoàn thiện, nghề hàn điện. Lao động sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề một phần đi làm việc tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất, phần còn lại thành lập các nhóm, đội thợ tham gia chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Lao động học các nghề liên quan đến ẩm thực sau khi hoàn thành chương đào tạo đã góp phần nâng cao đời sống thể chất, phát triển du lịch cộng đồng, các loại hình cung cấp dịch vụ ăn uống; các nghề trồng trọt, chăn nuôi góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp tại các địa phương.
Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh thời gian qua đã kết nối với hơn 20 doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, như trực tiếp gặp gỡ, qua thư ngỏ, qua email, sàn việc làm trực tuyến, điện thoại, zalo... làm cầu nối giúp thanh niên tiếp cận các doanh nghiệp tìm kiếm thông tin tuyển dụng, có việc làm sau học nghề.(SONG LINH)