Văn hóa

Gió thơm miền thổ cẩm

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 30/11/2024 09:41

Thổ cẩm, đã từng vắng thiếu trong những cuộc lễ hội của người miền núi chừng mươi, mười lăm năm trước. Nhưng hôm nay, bỗng rực rỡ xuất hiện trong cuộc hội làng với số đông cả người già, người trẻ: lễ hội mừng gươl mới của đồng bào Cơ Tu làng Aró (xã Lăng, Tây Giang).

z6072709411112_d37b68b3485372b9f1bd29caebf33662.jpg


Thổ cẩm và trang sức vẫn là một đặc trưng để nhận diện các tộc người miền núi. Ảnh: C.N

Khởi nguồn bản sắc

Với người miền núi, thổ cẩm quý thường được cất giữ trong nhà. Khi có lễ hội quan trọng, họ mới mang ra “trưng diện”. Họ nâng niu bản sắc bằng lòng trân trọng với từng tấm khố, tấm váy thổ cẩm.

Sau mỗi dịp lễ hội, thổ cẩm lại được giặt sạch, phơi khô rồi xếp ngay ngắn vào từng chiếc ché, tủ gỗ, đựng trong các ngăn của chiếc gùi x’năm...

Người Cơ Tu giữ gìn thổ cẩm rất giỏi. Trải qua tháng năm rất dài, nhưng nhiều chiếc xà lùng, tấm khố, khăn choàng... vẫn nguyên mùi thơm đặc trưng của từng sợi chỉ, sợi len.

Một lần hạnh ngộ, chúng tôi tình cờ nghe anh Alăng Phú (ở thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) kể về chiếc khố cổ được người thân cất giữ suốt cả trăm năm.

Đây là chiếc khố cổ “độc nhất vô nhị” trong vùng, gần như “độc bản” của đồng bào Cơ Tu còn sót lại, được dệt thủ công hoàn toàn bằng chuỗi hạt của một loại cây rừng.

z6072709405940_ab1533a3c2357ac362d342a68d546851.jpg
Nhiều gia đình vẫn cất giữ thổ cẩm truyền thống như một thứ tài sản qua nhiều thế hệ. Ảnh: C.N

Anh Alăng Phú nói, loại thổ cẩm này rất hiếm bởi giá trị rất cao, lại ít người dệt được. Trong văn hóa may mặc của người Cơ Tu xưa, chiếc khố (loại dành riêng cho đàn ông) có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Từ những chiếc khố được làm bằng vỏ cây, qua quá trình phát triển, người Cơ Tu đã biết đến công thức dệt thủ công, tạo ra các sản phẩm thổ cẩm như bây giờ.

Tấm khố, được trao truyền cùng lời dặn dò của nhiều thế hệ trước, đến tay anh Phú cũng đã 5 đời. Anh Phú nói, chuỗi hạt cây rừng dùng để dệt nên tấm khố mà anh đang giữ, giờ ít người thấy nữa.

anh-xuan-10.jpg
Trẻ em Cơ Tu trong bộ thổ cẩm truyền thống. Ảnh: C.N

Loại cây ấy có “tuyệt chủng” không, không ai dám chắc, nhưng chiếc khố trở thành độc bản, như một gia tài quý giá của gia đình anh. Đó là niềm tự hào của người đàn ông Cơ Tu, của gia đình đối với người làng, khi chính mình sở hữu được một thứ “đồ cổ” gia truyền.

“Ngày trước chỉ có những người giàu có mới có thể mua sắm hoặc đặt hàng nghệ nhân dệt nên những loại thổ cẩm độc đáo này, trở thành món quà sính lễ rất có giá trị...

Dù hoa văn không mấy sặc sỡ, năm tháng cũng làm chiếc khố phai bớt màu, nhưng nó đã được truyền đời qua nhiều thế hệ, trở thành kỷ vật vô giá của gia đình mình” - anh Phú chia sẻ.

Hôm trước, chúng tôi hòa cùng lễ mừng gươl mới của người Cơ Tu làng Aró (xã Lăng, Tây Giang). Hội bắt đầu. Không gian sân gươl rộng lớn phủ kín bằng sắc phục truyền thống lộng lẫy.

z6073040707703_d2f32030be8de20bbe4c4bed8c5bc222.jpg
Thổ cẩm được đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang cất giữ như một tài sản quý.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày hội chung thu hút rất đông người làng Aró, từ già đến trẻ. Họ tìm đến lễ hội bằng tất cả niềm tin cộng đồng. Già làng Hôih Dzúc nói, thổ cẩm như một thứ “của nổi” của cộng đồng người Cơ Tu.

Vì thế, chỉ có những sự kiện quan trọng, người dân mang ra các loại thổ cẩm quý, có tuổi đời lâu năm. Ngày trước, mỗi tấm tút như vậy có giá trị bằng cả chục con trâu, nên chỉ khi con gái lấy chồng, người Cơ Tu mới dùng làm quà tặng hồi môn.

“Thổ cẩm trở thành bảo vật của cộng đồng, làng nào nhiều thổ cẩm đẹp, cũng là một cách để thể hiện sự giàu có, chăm chỉ làm ăn của người làng đó”, già Hôih Dzúc tâm sự.

Mùi thơm thổ cẩm

Sắc thổ cẩm tràn ngập hội làng Aró. Thổ cẩm xúng xính trên váy áo các cô gái, các bà các mẹ. Những chàng trai đóng khố thổ cẩm, khoe lưng trần rám nắng. Trẻ con cũng được bố mẹ chọn cho bộ thổ cẩm đẹp nhất. Bước vào gươl, những tấm tút (tấm choàng) lớn bằng thổ cẩm được căng ra.

z6071567511298_a296d334080700daaf4b960e155504e8.jpg
Bề mặt chiếc khố cổ dệt bằng chuỗi hạt một loại cây rừng của gia đình anh Alăng Phú. Ảnh: C.N

Chúng tôi nhìn thấy những hân hoan trên mặt người. Từng bước chân nhảy múa. Họ hát. Bàn chân trần các thiếu nữ nhịp theo tiếng chiêng, tiếng trống. Đậm đặc sắc núi để có thể cảm nhận bằng nhìn, nghe, lẫn chạm vào những tấm thổ cẩm được nâng niu. Và bằng cả mùi thơm nữa.

Mùi của khói trong gian bếp, mùi ché, mùi men rượu cần. Những thứ ngọt ngào và mê đắm gói trong một không gian nhỏ nơi gươl làng mới dựng, thơm theo từng con gió. Mùi thơm thổ cẩm...

Mười lăm năm trước, đi ngang qua một lễ cúng mừng gươl mới của đồng bào Cơ Tu ở xã A Ting (Đông Giang), chúng tôi cũng đã ghé chân vào lễ hội.

Đồng bào đứng thành vòng tròn lớn, chuẩn bị đâm trâu, phía sau là mái gươl mới. “Khung hình” quá đẹp cho một hoạt động văn hóa truyền thống, nhưng lại vô tình có một khoảng trống mênh mông để tiếc: chỉ lác đác vài cụ bà diện sắc phục truyền thống. Quần jean, “áo hộp” tràn ngập sân gươl...

z6072707846993_c0ec9c6e999b372562405d18020b6695.jpg
Bức ảnh hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy mặc trang phục truyền thống Cơ Tu bỗng "viral" trên mạng xã hội suốt vài tuần qua. (Ảnh: NVCC)

Vậy nên, hội làng Aró như một chỉ dấu cho thấy những nỗ lực bảo tồn, ít nhiều đã tác động đến những đối tượng quan trọng và cần tác động nhất: người trẻ.

Những bạn trẻ người Cơ Tu nay không còn ngại ngùng khi phải mặc đồ truyền thống, mà thay vào đó là niềm tự hào. Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội từ các cô gái, chàng trai Cơ Tu trong ngày hội, như một tín hiệu gửi đi từ niềm yêu với văn hóa dân tộc mình.

Đâu chừng vài tuần trước, cộng đồng người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang chia sẻ đến chóng mặt bức ảnh của Huỳnh Thị Thanh Thủy (nhân vật vừa đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024), mặc váy thổ cẩm Cơ Tu đứng trước nhà moong truyền thống làng Bhơ hôồng. Cũng là một tín hiệu đầy lạc quan. Để thấy, người trẻ các tộc người miền núi đã bắt đầu lần tìm về với bản sắc, với cội nguồn, thông qua thổ cẩm...

467781263_938031991572382_4927390400063268762_n.jpg
Bạn trẻ với trang phục cách tân từ thổ cẩm. Ảnh: C.N

Ông Hồ Xuân Tịnh - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa các tộc người miền núi ở Quảng Nam chia sẻ, việc trang phục thổ cẩm xuất hiện ở lễ hội, kể cả trong các tiết mục sân khấu hóa không chỉ là để biểu diễn.

Nó cho thấy cộng đồng đã có sự chú ý, tiếp nhận các giá trị văn hóa truyền thống. Từ trong chủ thể trình diễn cũng có nhu cầu quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

bf4cf0f0d6d86d8634c9.jpg
Trang phục thổ cẩm trở thành "linh hồn" của các lễ hội truyền thống. Ảnh: C.N

Khi ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống được nâng lên, sự tham gia của lớp trẻ sẽ ngày càng nhiều, trang phục truyền thống càng có cơ hội tiếp cận với số đông. Niềm tự hào bản sắc sẽ bền bỉ đưa vốn liếng vô giá của người ở đại ngàn Trường Sơn đi qua lớp lớp thế hệ, lớp lớp cuộc đời.

“Đồ thổ cẩm, các trang sức của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn, bảo tàng, mà còn giúp thế hệ trẻ các tộc người biết được trong quá khứ ông cha đã sử dụng trang phục, trang sức đó.

z6073040336590_79d466c24d9061717199c46e1bfa0a67.jpg
Thổ cẩm được đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang cất giữ như một tài sản quý.

Hiện tại, người trẻ đã quay trở lại sử dụng các trang phục truyền thống nhiều hơn, có sự cách tân để tôn lên vẻ đẹp thổ cẩm. Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ miền núi diện lên mình bộ ghi lê, váy áo, áo dài từ thổ cẩm, đẹp, hiện đại, nhưng nhìn vào vẫn có nét đẹp riêng của tộc người. Quan trọng là việc gìn giữ từ gốc, gìn giữ niềm tự hào về bản sắc văn hóa, truyền thống tộc người ở lớp trẻ” - ông Hồ Xuân Tịnh nói.

Mong chờ thật nhiều những lễ hội mà nơi đó, đồng bào vùng cao được sống trong hân hoan, trong cuộc chơi của chính lũ làng, nơi gió còn thơm hương ở miền thổ cẩm...

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC