Giao thông - Xây dựng

Công viên cho phố biển

QUỐC TUẤN 30/11/2024 13:14

Hệ thống không gian công cộng nói chung và công viên nói riêng vẫn luôn là nỗi khắc khoải với người dân khu vực ven biển Bắc Quảng Nam. Dù nơi này đã đô thị hóa từ khá lâu...

dji_0779.jpeg
Khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò (phường Điện Dương) gặp một số vướng mắc nên chưa thể hoàn thành. Ảnh: Q.T

Công viên trong... quy hoạch

Khu vực ven biển Bắc Quảng Nam có thể xác định từ vùng giáp ranh TP.Đà Nẵng (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) chạy dọc vào đến bờ Bắc Cửa Đại, sông Thu Bồn (phường Cửa Đại, TP.Hội An).

Nếu đô thị biển Cẩm An - Cửa Đại (TP.Hội An) đã đúng 20 năm thành lập (2004 - 2024) thì vùng cát Điện Ngọc - Điện Dương cũng sắp tròn 10 năm chuyển mình thành phường (từ năm 2015).

Được hoạch định là nơi có tiềm năng đô thị hóa lớn cũng như hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch nhộn nhịp, mật độ khu chức năng, công viên, quảng trường biển tại khu vực này theo quy hoạch tương đối nhiều.

Theo kế hoạch, tại TP.Hội An quy hoạch đến 10 cụm công viên ven biển và không gian hỗn hợp dịch vụ - công cộng An Bàng. Còn tại Điện Bàn sẽ hình thành một quảng trường văn hóa du lịch sinh thái biển là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện lớn của thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, sau điều chỉnh quy hoạch, một số cụm công viên ven biển Hội An bất đắc dĩ chỉ còn giải pháp chỉnh trang do không còn không gian để hình thành các công viên như mong muốn ban đầu.

Còn tại Điện Bàn, những khu chức năng hay quảng trường biển vẫn nằm ở thì tương lai và phố biển vẫn trầm lắng khi màn đêm buông xuống. Không có nhiều không gian xanh để chọn lựa, những năm qua, thị dân, du khách khu vực này chỉ còn biết tìm đến các bãi biển như Hà My, An Bàng, Cửa Đại… để thư giãn.

Công viên cho tương lai

Xu thế thiết lập không gian xanh nói chung và công viên nói riêng hiện đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Các công viên không còn đơn thuần là tổ hợp của các công trình mà phải bảo tồn một cách có chủ ý và chiến lược; nâng cao hoặc khôi phục các yếu tố của hệ thống tự nhiên như rừng, đất nông nghiệp, vùng ngập lũ, vùng ven sông, rừng ven biển để giảm chi phí và tăng khả năng chống chịu cho đô thị.

20240711_080407.jpg
Công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP.Hội An) với chủ đề “Chim hoang dã”. Ảnh: Q.T

Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch, Sở Xây dựng cho hay, vùng này có một số quy hoạch công viên diện tích khá lớn, như công viên rừng dừa nước (75ha) với tính chất công viên du lịch sinh thái, công viên nông nghiệp truyền thống làng rau Trà Quế (46ha)…

Có nhiều băn khoăn về tính khả thi, nhưng thực chất, các công viên này được định hình trên nền tảng giữ lại toàn bộ diện tích hệ sinh thái của các khu vực đó để bảo tồn không gian xanh cho tương lai.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, cần phải đặt vấn đề ngay từ lúc tổ chức quy hoạch. Đơn cử như quy hoạch công viên hoa An Mỹ (Cẩm Châu) cần theo hướng công viên ngập nước.

Bởi đây là đặc trưng của hệ sinh thái khu vực này trước đây, kết hợp tổ chức hoạt động du lịch - dịch vụ thì sẽ rất phù hợp thay vì bê tông hóa, tôn nền làm bùng binh, trồng hoa, cây cảnh… sẽ ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của đô thị.

Bên cạnh quy hoạch từ cơ quan quản lý, đô thị rất cần thêm những công viên chuyên đề từ sự hỗ trợ của các tổ chức cũng như ý tưởng của doanh nghiệp.

Giữa năm 2024, công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại (phường Cửa Đại) với chủ đề “Chim hoang dã” nằm trong dự án quy hoạch hành lang xanh Cửa Đại do Viện Kinh tế xây dựng (ICUE) phối hợp Think Playgrounds chính thức được bàn giao để phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Còn tại Điện Bàn, Khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò (phường Điện Dương) đã thành hình dù còn một số vướng mắc chưa thể vận hành nhưng kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến đặc sắc, phục vụ cho người dân, du khách trong tương lai gần.

Điểm nhấn cho toàn bộ tuyến ven sông Cổ Cò đoạn qua tỉnh Quảng Nam theo quy hoạch của đồ án thiết kế đô thị tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò được định hình là “chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam”.

Dù còn khá mơ hồ nhưng điều này thể hiện tham vọng của cơ quan quản lý nhằm tạo dấu ấn lớn cho không gian chuỗi đô thị ven biển phía Bắc của tỉnh. Nếu thiết lập và kết nối được chuỗi công viên này trong tương lai, vùng đô thị duyên hải Bắc Quảng Nam sẽ hấp dẫn và “đáng sống” hơn rất nhiều trong mắt cư dân, du khách và cả các nhà đầu tư.

QUỐC TUẤN