Co kéo... giữ sân khấu
Sân khấu sáng đèn không chỉ phụ thuộc vào kế hoạch sự kiện hay nội dung vở diễn. Tìm đủ người lên sân khấu cho từng nhiệm vụ, đang là thách thức của các đoàn nghệ thuật, đặc biệt các đơn vị nghệ thuật truyền thống công lập.
Đoàn Ca kịch Quảng Nam là đơn vị nghệ thuật công lập duy nhất tại Quảng Nam, trực thuộc Sở VH-TT&DL. Thời điểm này, đơn vị đang chuẩn bị kế hoạch tìm người để đào tạo nhưng gặp rất nhiều khó khăn trước các quy định về vị trí việc làm.
Kết thúc đào tạo vì thiếu người
Chỉ còn 1 năm nữa, đề án của Chính phủ về “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm đào tạo tài năng chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật sẽ kết thúc. Tuy nhiên, số liệu từ Bộ VH-TT&DL, hiện đề án mới chỉ thực hiện được 20% so với mục tiêu đề ra.
Đã có nhiều lo ngại về tình trạng khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, trên bình diện cả nước. Cụ thể, quy mô đào tạo đang bị thu hẹp, chất lượng giảm sút đáng kể. Nhiều ngành nghệ thuật gặp khó khăn trong tuyển sinh. Cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ trước nghị trường cuộc họp Quốc hội mới đây, rằng với thực trạng như hiện nay, nếu không có nhiều giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống có thể khép lại. “Phải có nhu cầu thực tế thì cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được, nhưng hiện nay các trường đào tạo đều không đủ đầu vào” - ông Hùng nói.
Nhìn từ Quảng Nam, bộ môn dân ca kịch bài chòi hiện nay hầu như không có trường nào đào tạo. Do vậy, Đoàn Ca kịch Quảng Nam phải tìm người học thanh nhạc tại các trường đại học, cao đẳng ở Huế, Đà Nẵng về đào tạo lại. Tuy nhiên, thu nhập thấp trong khi khối lượng công việc nhiều là lý do các bạn trẻ không đầu quân về Đoàn Ca kịch.
Đây cũng là nguyên nhân khi các trường đào tạo về nghệ thuật hiện nay rất ít sinh viên theo học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Kén khán giả, lại bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình văn hóa hiện đại, chưa kể phải có năng khiếu về nghệ thuật truyền thống thì mới có thể đi đường dài.
Cần cơ chế đặc thù cho đơn vị nghệ thuật
Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng Đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết, hiện nhân lực hoạt động trong đơn vị là 33 người, trong đó biên chế 28 người. Xét theo vị trí việc làm quy định thì tạm đủ, nhưng thực tế, với định mức biên chế như vậy thì quá khó cho Đoàn Ca kịch xoay xở, đặc biệt với đội ngũ diễn viên, nhạc công.
“Nhạc công trong đoàn chuyên nghiệp phải được 12 người, nhưng hiện đoàn chỉ có 6 người, diễn viên phải 20 người thì đoàn có 15 người. Quan trọng nhất là phải có nguồn nhân lực cho đoàn” - bà Võ Thị Thu Mây nói.
Hiện nay, Đoàn Ca kịch Quảng Nam là đơn vị tự chủ một phần theo quy định, do vậy, các hoạt động cũng phải tính toán về số lượng người tham gia.
“Cơ chế hợp đồng chuyên môn, áp vị trí việc làm cho đơn vị nghệ thuật khiến đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể ở cơ chế tự chủ, nếu hợp đồng thêm thì đơn vị cũng không có tiền để chi trả” - bà Võ Thị Thu Mây nói.
Hằng năm, ngoài kinh phí được cấp theo ngân sách quy định, Đoàn Ca kịch Quảng Nam được cấp thêm khoảng 100 triệu đồng cho hoạt động đào tạo, truyền nghề. Ngoài tổ chức các lớp dạy học hát dân ca, đào tạo nhạc công cho các địa phương thì việc đào tạo lại cho lứa diễn viên mới vẫn còn chông chênh.
“Mọi năm, nếu còn định suất biên chế, đoàn có thể mời những bạn học thanh nhạc Huế, Đà Nẵng về. Tuy nhiên, hiện không có định mức nên phải chịu khó khăn về nhân lực. Các trường văn hóa nghệ thuật đều không có khoa đào tạo về nghệ thuật bài chòi, do vậy nếu tuyển thì chỉ có các em học thanh nhạc” - bà Mây cho biết thêm.
Đây cũng là khó khăn chung của các đoàn nghệ thuật truyền thống công lập chuyên nghiệp trong cả nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cái khó của nghệ thuật truyền thống là ngoài việc đáp ứng thị hiếu còn phải chú trọng bảo tồn những giá trị văn hóa. Do vậy, để đơn vị tự chủ hoàn toàn, kể cả về nhân lực mà thiếu cơ chế đặc thù sẽ khiến các đơn vị nghệ thuật này khó chồng khó.
Đại diên Bộ VH-TT&DL cho biết đang nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu học sinh, sinh viên ngành nghệ thuật để điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định khuyến khích như miễn giảm học phí, chế độ ưu đãi với người học nghệ thuật truyền thống; tập trung vào các nhóm ngành có nguy cơ mai một như nhạc công kịch hát dân tộc; nhạc công truyền thống Huế; đờn ca tài tử; diễn viên sân khấu kịch hát; nghệ thuật biển diễn dân ca; nghệ thuật ca trù, bài chòi; biểu diễn nhạc cụ truyền thống.