Nhà thơ Huỳnh Tuấn Anh: " AI là công cụ hỗ trợ, còn quyền sáng tạo của con người"
Một tác phẩm âm nhạc thử nghiệm mang tên “Tiểu thuyết” - album đầu tiên tại Việt Nam kết hợp giữa thơ và công nghệ âm nhạc từ AI vừa ra mắt. Chủ nhân của album - nhà thơ, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh là người tiên phong mở cánh cửa thử nghiệm này.
Huỳnh Tuấn Anh còn là tác giả lời thơ của ca khúc hit “Vì anh thương em” (còn có tên “Vô cùng”, nhạc Võ Hoài Phúc) với hơn 250 triệu view. Album “Tiểu thuyết” theo dòng tình ca, thể điệu ballad, pop, jazz nhẹ, gồm 8 ca khúc. Ngoại trừ lời thơ, còn giai điệu, hòa âm phối khí đến giọng ca sĩ đều do AI đảm nhận.
Huỳnh Tuấn Anh là đạo diễn và nhà thơ chuyên nghiệp. Anh là người đứng sau các bộ phim như: Lô tô, Ngôi nhà bươm bướm, Phượng khấu… Anh cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực sân khấu với các vở kịch như: Giếng lạ (Sân khấu Hồng Vân), Cuộc chơi nghiệt ngã (Sân khấu IDECAF). Với album “Tiểu thuyết”, anh đã mang thơ ca của mình đến với thế giới âm nhạc thông qua sự hỗ trợ của công nghệ AI, đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Góc nhìn mới về sáng tạo
* Gần đây rất nhiều nghệ sĩ đã áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào sáng tác, nhưng đa số không nói ra. Vì sao với album “Tiểu thuyết”, anh lại quyết định công bố?
- Huỳnh Tuấn Anh: Tôi không dám khẳng định ai trong lĩnh vực âm nhạc đã dùng AI, nhưng có thể anh chị em chỉ dùng nó (nếu có) như một gợi ý và sau đó sáng tạo thêm để hoàn thiện. Nếu làm như vậy, việc công bố hoặc không, cũng đâu có gì quan trọng. Với trường hợp tôi, là một nhà thơ, đạo diễn phim, không phải nhạc sĩ, thì đây đơn thuần là thử nghiệm đáng giá. Biết đâu đó là khởi nguồn của một dự án phim nhạc kịch, mà ở đó tôi sẽ nói rõ ý tôi hơn trước khi gặp nhạc sĩ của phim.
Phần nữa, tôi quyết định công bố sử dụng AI trong album “Tiểu thuyết” vì tôi muốn mở ra góc nhìn mới về sáng tạo trong âm nhạc và nghệ thuật. AI không phải là điều đáng sợ hoặc xấu xa; đó là công cụ có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo của con người nếu được sử dụng đúng cách. Tôi công bố để khẳng định rằng sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật không làm mất đi bản sắc, mà còn mở ra cánh cửa cho những thử nghiệm độc đáo, mang lại cảm xúc mới mẻ cho người thưởng thức.
* Vậy thì AI đã giúp anh khoảng bao nhiêu phần trăm trong việc sáng tác album này?
- Huỳnh Tuấn Anh: Nếu xét về góc độ sản xuất, AI đóng góp khoảng 90% trong quá trình sáng tác các ca khúc. Cụ thể, bạn chỉ cần cung cấp lời bài hát và xác định một số yếu tố như thể loại nhạc (pop, rock, ballad, jazz…), nhạc cụ sử dụng (violon, piano, kèn, trống, sáo…) và cảm xúc bạn muốn truyền tải (buồn, vui, da diết, hân hoan…).
Sau đó, chỉ cần vài thao tác, chưa đầy 30 giây, AI có thể tạo ra cho bạn 2 gợi ý hoàn chỉnh. Bạn sẽ có ngay 2 bản nháp được sáng tạo một cách đầy bất ngờ và chuyên nghiệp, cho phép bạn lựa chọn theo sở thích. Đặc biệt, kinh phí cho việc tạo ra những bản nháp này gần như bằng không - vì với một thuê bao tháng chỉ 10 USD, bạn có thể tạo ra đến 250 bài nháp như vậy.
Tuy nhiên, nếu xét về góc độ sáng tạo, để có được một bài hát hoàn chỉnh và ưng ý, đặc biệt là sự hòa hợp giữa lời bài hát và giai điệu, nhạc cụ… bạn phải làm đi làm lại hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mới có thể tìm ra sự kết hợp tốt nhất. Album “Tiểu thuyết” với 8 bài hát, tôi đã phải thử nghiệm và điều chỉnh không biết bao nhiêu lần, để cuối cùng có được những sản phẩm mà tôi cảm thấy hài lòng.
Điều này đòi hỏi người sáng tạo phải hiểu ít nhất một chút về thể loại nhạc, tính chất của nhạc cụ và cảm xúc mà mình muốn truyền tải, vì AI chỉ là công cụ hỗ trợ, sự sáng tạo sau cùng vẫn thuộc về con người.
* Ra thành quả, AI có đứng tên tác giả với anh không? Tại sao?
- Huỳnh Tuấn Anh: Không, AI không đứng tên tác giả với tôi. Các dịch vụ AI trong âm nhạc có quy định rõ ràng: người trả phí sẽ sở hữu sản phẩm tạo ra và nhận giấy phép xác nhận quyền sử dụng. AI chỉ là công cụ hỗ trợ, còn quyền sáng tạo, cảm xúc và phong cách đều là của con người. Sự chưa hoàn hảo của AI làm cho vai trò của nghệ sĩ càng quan trọng hơn trong việc mang lại chiều sâu và tính cá nhân.
AI không thể thay thế tư duy và cảm xúc con người
* Tiền tác quyền (nếu có), có lẽ Huỳnh Tuấn Anh sẽ hưởng trọn, vì chưa có công thức nào chia cho AI, mà AI cũng không cần. Nhưng anh nghĩ gì về bản quyền tác giả giữa AI và Huỳnh Tuấn Anh?
- Huỳnh Tuấn Anh: Bản quyền giữa AI và người sử dụng là một vấn đề quan trọng và đầy phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh AI đang được tận dụng nhiều ở các lĩnh vực sáng tạo như âm nhạc, văn học, hội họa, phim ảnh... Trước tiên, cần làm rõ rằng bản quyền tác giả thường được xác lập trên cơ sở năng lực sáng tạo và tính chủ ý của con người. AI chỉ là một công cụ, chưa có ý thức sáng tạo, cảm xúc hoặc khả năng tự thân tạo ra những gì mang tính sáng tạo theo cách mà con người hiểu.
Từ góc độ pháp lý, các tác phẩm được tạo ra bằng AI nhưng có sự đóng góp, điều chỉnh hoặc định hướng từ người sử dụng - trong trường hợp này là tôi - sẽ thuộc về người đó. Vì AI chỉ thực hiện các thao tác dựa trên dữ liệu đầu vào, công thức, yêu cầu mà con người đưa ra. Nó không thể sở hữu quyền lợi pháp lý, vì AI không phải là cá thể pháp nhân. Do đó, bản quyền, tiền tác quyền (nếu có) hoặc bất kỳ lợi ích, trách nhiệm phát sinh từ tác phẩm đều thuộc về người đã sử dụng AI làm công cụ sáng tạo, không phải của bản thân hệ thống AI.
* Khi áp dụng AI thì bản sắc của anh/của tác giả là ở đâu?
- Huỳnh Tuấn Anh: AI không thể thay thế tư duy và cảm xúc của con người. Chỉ con người mới có khả năng sáng tạo với tâm hồn, cảm xúc và ý thức sâu sắc. AI, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng chỉ là một tập hợp thuật toán xử lý dữ liệu lớn và làm theo những chỉ dẫn nhất định.
Phong cách cá nhân, sự nhấn nhá trong từng câu thơ, nốt nhạc, hoặc cảm xúc đặt vào từng giai điệu - là những yếu tố không thể bị sao chép hoàn toàn bởi AI. Trong trường hợp của Huỳnh Tuấn Anh, những tác phẩm âm nhạc do AI hỗ trợ vẫn mang đậm phong cách và dấu ấn riêng - vì những thứ mà tôi có từ cảm nhận riêng, từ gốc tích gia đình, từ quá trình học tập, từ quê hương bản quán, từ tự tình dân tộc... là khó thay thế. AI khó có được những điều này một cách riêng lẻ như chuyện của mỗi người.
Như vậy, AI có thể là công cụ mạnh mẽ giúp tiết kiệm thời gian, làm việc nhanh hơn, thậm chí gợi ý các ý tưởng mới. Nhưng về bản chất, nó chỉ hỗ trợ và không thể thay thế con người - người thực sự tạo ra giá trị sáng tạo, cũng là người nắm giữ quyền tác giả. Điều này không chỉ khẳng định giá trị bản quyền, mà còn làm nổi bật sự không thể thay thế của tư duy sáng tạo trong nghệ thuật.
* Anh làm thơ, làm phim và cả viết lời cho ca khúc... Trong các việc này, đến hiện tại, anh thấy AI sẽ sáng tác tốt việc nào?
- Huỳnh Tuấn Anh: Tôi nhận thấy rằng AI có thể hỗ trợ tốt nhất trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc. Điều này không phải vì AI có thể thay thế vai trò của nhạc sĩ, mà bởi vì khả năng xử lý dữ liệu lớn, khả năng mô phỏng và tạo ra giai điệu nhanh chóng của AI, mang lại một sự thuận tiện đáng kể trong quá trình làm việc.
Trong khi đó, ở mảng thơ ca hoặc làm phim, AI chưa đủ khả năng để tái hiện chiều sâu cảm xúc, tính nhân văn, sự biến hóa tinh tế trong từng từ ngữ, từng cảnh quay. Thơ là sự chồng xếp các tầng ý nghĩa, là những gì chân thật nhất mà tâm hồn mỗi người trải qua - điều này vượt quá khả năng của bất kỳ cỗ máy nào. Làm phim cũng đòi hỏi sự cảm nhận hình ảnh, tình tiết, khả năng dẫn dắt câu chuyện theo những cách mà chỉ có con người mới có thể thấu hiểu và điều khiển. Chính vì vậy, AI có thể là công cụ hỗ trợ, nhưng chưa thể thay thế được sự độc đáo của một nhà thơ, một đạo diễn thực thụ.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.