Chuyện đầu tuần

Nóng chuyện sắp xếp, sáp nhập

PHAN HOÀNG 02/12/2024 07:43

Sáng qua 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Nói về việc thực hiện Nghị quyết số 18, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị”. Tổng Bí thư khẳng định “không thể chậm trễ hơn nữa”.

Theo các phương án sắp xếp, sáp nhập do ông Lê Minh Hưng - Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 4 cơ quan đảng trực thuộc trung ương, giảm 25 ban cán sự đảng, giảm 16 đảng đoàn trực thuộc trung ương và tăng 2 đảng ủy trực thuộc trung ương; giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhận thấy không khí khẩn trương theo lộ trình các phương án đưa ra.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu khi Quảng Nam bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 18 vào năm 2018. Chộn rộn. Hoang mang. Quyết tâm. Đủ cả cung bậc. Nhiều nơi, việc sắp xếp còn cơ học, máy móc. Làm theo tâm thế “vừa chạy vừa xếp hàng” nên nảy sinh nhiều việc chưa giải quyết rốt ráo để đạt mục tiêu lớn nhất là “sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới”.

Nhớ lại, khi sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện vào Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện, nhiều vướng mắc nảy sinh. Trong đó, có vấn đề về thủ tục pháp lý liên quan đến con dấu; trong việc ký, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ của các chương trình thuộc chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng...

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, năm 2023 từ kết quả sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc thận trọng các ưu điểm, hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kết thúc thực hiện chủ trương sáp nhập này.

Một ví dụ khác, là việc thực hiện mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện để góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau vài năm triển khai, không riêng Quảng Nam, mà rất nhiều địa phương khác đều dừng thực hiện do nhiều bất cập nảy sinh.

Theo lộ trình của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng vừa ban hành kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 18. Những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện sẽ được đánh giá để có cái nhìn toàn diện cho lộ trình tiếp theo. Tỉnh ủy yêu cầu trước ngày 10/12 phải hoàn thành.

Trở lại chuyện sáp nhập, sắp xếp ở Trung ương. Đối với bộ ngành ở trung ương (rồi sẽ đến sở ngành ở địa phương), nhập nhiều bộ thành một bộ chỉ thành công khi nhà nước thu gọn lại chức năng và quan trọng không kém là lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải đủ “phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới”. Năng lực lúc này, là làm sao để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Cũng như cả năm nay, chộn rộn với việc nhập các xã, phường, huyện... Đó là việc rất hệ trọng của các địa phương và cả quốc gia, mà người dân cũng cần được thông tin sớm.

Sáng nay 2/12, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1241, ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025. Bao nhiêu lực cản, vướng mắc, tâm tư cán bộ và người dân trong suốt một năm qua, rồi cũng phải khép lại. Quan trọng bây giờ là chặng đường phía trước, cho Quảng Nam, vì Quảng Nam phát triển.

PHAN HOÀNG