Tam Kỳ nỗ lực cho mục tiêu nông thôn mới
TP.Tam Kỳ đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với quyết tâm cả 4 xã trên địa bàn đạt chuẩn nâng cao, trong đó có 2 xã kiểu mẫu.
Không chạy theo thành tích
Tam Kỳ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận vào năm 2021 sau khi hai xã Tam Thăng và Tam Ngọc đạt chuẩn năm 2015, xã Tam Thanh năm 2017 và cuối cùng là xã Tam Phú năm 2018.
Từ đó đến nay, thành phố và các địa phương tiếp tục tích cực triển khai các chương trình nhằm xây dựng NTM nâng cao tại 4 xã, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Theo ông Đỗ Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, với đặc thù đô thị tỉnh lỵ, việc triển khai xây dựng NTM có những phương thức riêng phù hợp, như phát triển NTM gắn với phát triển hạ tầng đô thị, nông nghiệp đô thị, hệ sinh thái khởi nghiệp, đô thị thông minh…
Vì vậy, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, Tam Kỳ còn ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm tạo ra đòn bẩy để việc triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM đạt kết quả.
Chẳng hạn, bên cạnh đầu tư hạ tầng trực tiếp, HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách thành phố, xã, phường để đầu tư nâng cấp, chỉnh trang, khớp nối hạ tầng kỹ thuật tại các xã, phường.
Theo đó từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có 4 xã NTM đầu tư, khớp nối rất nhiều công trình với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
Chưa kể, kinh phí từ vận động nhân dân đóng góp hơn 39 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, hạ tầng thiết yếu, hiến đất, vật kiến trúc và ngày công lao động.
Các chương trình NTM như OCOP đạt được kết quả tích cực với 27 sản phẩm hạng 3-4 sao; chương trình du lịch nông thôn có 2 sản phẩm được công nhận điểm du lịch (Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh và Di tích quốc gia địa đạo Kỳ Anh).
Theo báo cáo của thành phố, đến nay, cả 4 xã đã thực hiện xong tự đánh giá mức độ hoàn thành của từng tiêu chí, xác lập hồ sơ minh chứng, trình thẩm tra, thẩm định và đề nghị xét công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 2 xã Tam Thanh, Tam Ngọc đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2024.
Cạnh đó, có 15 thôn NTM kiểu mẫu, gồm 3 thôn được công nhận đạt chuẩn trước đây và 12 thôn đang lập hồ sơ thẩm định xét công nhận.
Ông Minh khẳng định, TP.Tam Kỳ không chạy theo thành tích số lượng để đạt các tiêu chí xã NTM. Tuy nhiên, có những khó khăn, vướng mắc nằm ngoài tầm tay của thành phố rất cần được tỉnh và các sở, ban, ngành xem xét tháo gỡ.
Cần nâng cao chất lượng
Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc - ông Bùi Ngọc Huy cho biết, thời gian qua việc xây dựng NTM được chính quyền quan tâm và người dân địa phương hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, vừa qua có trường hợp công dân của xã phạm tội ở địa bàn khác.
“Địa phương và lực lượng công an quản lý, giám sát rất chặt chẽ nên tình hình an ninh trật tự tại Tam Ngọc rất tốt. Thế nhưng, việc có công dân sang địa bàn khác phạm tội là điều bất khả kháng.
Nếu vì có trường hợp vi phạm pháp luật mà xã không đạt tiêu chí xã NTM thì rất khó cho địa phương. Người dân cũng rất băn khoăn, cho rằng công sức của họ sẽ uổng phí nếu có một trường hợp vi phạm pháp luật” - ông Huy chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Phú, trong xây dựng NTM ở địa phương đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân, nhất là hiến đất mở đường. Địa phương cũng thành lập tổ tự quản, tích cực tham gia tuần tra vào ban đêm cùng lực lượng công an rất hiệu quả. Dẫu vậy, trên địa bàn năm 2024 có hai vụ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng xã NTM.
Chia sẻ những băn khoăn của địa phương, ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện nay chỉ còn khiếu kiện đông người, vượt cấp và cơ sở tín ngưỡng vi phạm mới không xét, còn quy định vi phạm pháp luật bị phạt tù hơn 84 tháng sẽ bị trừ 7 điểm chứ không còn điểm liệt nữa.
Tại buổi làm việc mới đây với TP.Tam Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của TP.Tam Kỳ trong việc huy động cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân thực hiện chương trình NTM và giảm nghèo bền vững, đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao cuộc sống của người dân.
“Thời gian tới, TP.Tam Kỳ cần định hướng nhiệm vụ, kế hoạch triển khai, có những bước đi cụ thể để nâng cao chất lượng. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với từng nhóm nhiệm vụ cần triển khai, chú trọng nâng cao nhận thức trong người dân. Đồng thời đảm bảo nguồn lực để triển khai các chương trình, gồm ngân sách trung ương, tỉnh, địa phương và nguồn huy động xã hội hóa” - ông Trần Anh Tuấn lưu ý.