Giáo dục - Việc làm

Sinh viên Đại học Đà Nẵng sáng tạo sản phẩm thân thiện môi trường

QUẾ LÂM 03/12/2024 09:45

Thời gian qua, sinh viên Đại học Đà Nẵng có nhiều sản phẩm sáng tạo phục vụ cộng đồng, chú trọng các nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ, vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng , vừa góp phần bảo vệ môi trường.

SV 1
Sinh viên hướng dẫn cách làm dung dịch rửa đa năng từ rác hữu cơ cho người dân xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn. Ảnh QUẾ LÂM

Từ sản phẩm đa dụng

Nhóm sinh viên (SV) Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng gồm Trần Thị Quỳnh Như, Nguyễn Thị Thảo, Lê Võ Như Thủy, Trần Thị Kim Oanh, Nguyễn Khánh Toàn đã tìm tòi, nghiên cứu dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật”.

”Nhóm đã chọn từ rác hữu cơ các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu lên men, sử dụng bồ hòn làm chất bọt tự nhiên và làm sạch. Đồng thời dùng vỏ chanh, vỏ bưởi, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế tạo mùi hương; để tạo độ sánh và đặc, nhóm đã sử dụng bột bắp” - SV Nguyễn Thị Thảo chia sẻ.

Sản phẩm có thể làm sạch các chất béo, chất bẩn bám trên đồ dùng bằng sứ, thủy tinh, nhựa, gạch men, các chất cặn bẩn lâu ngày trên ống thoát nước... Do đó, có thể sử dụng rửa chén bát, lau nhà, làm sạch thiết bị vệ sinh, thông cống.

Hơn thế, sản phẩm còn có khả năng cải tạo đất trồng, xua đuổi côn trùng, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dung dịch tẩy rửa đa năng không hết hạn sử dụng và càng để lâu càng tốt.

SV 2
Nhóm SV Viện VNUK giới thiệu dự án màng bọc da đầu thân thiện với môi trường tại Ngày hội SV.STARTUP 2024. Ảnh QUẾ LÂM.

Trong khi đó, nhóm SV Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng (VNUK) gồm: Trần Đình Duy, Phan Bảo Thạch, Trịnh Yến Nhi, Nguyễn Cao Như Hảo và Lê Thị Mỹ Trân nghiên cứu, chế tạo màng bọc da đầu thân thiện môi trường.

SV Phan Bảo Thạch cho biết, nhóm đã sử dụng chất liệu màng sinh học từ polyme PLA, vừa có tính năng tự phân hủy, vừa giảm thiểu tác nhân gây nấm da đầu, gàu và rụng tóc, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng. Đây là loại nhựa sinh học nhiệt dẻo có nguồn gốc từ các loại thực vật (bột bắp, sắn, mía, khoai tây…) được tạo ra bằng phương pháp trùng ngưng Axit lactic.

Chất liệu có thể phát triển các đồ dùng như: bao bì thực phẩm, khay, màng thực phẩm gói rau, dụng cụ y tế, cốc, chén... Hình thức màng bọc vừa linh hoạt như mũ bơi, vừa giúp ngăn cách giữa lớp trong của mũ bảo hiểm với da đầu, vừa dễ gắn với mũ bảo hiểm, giá thành phù hợp (3.000 đồng/cái), dự kiến bước đầu sẽ tiếp cận các thị trường Đà Nẵng, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

may ep chen dia
Máy ép chén đĩa của nhóm SV Khoa Cơ khí Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

Đến máy ép chén đĩa vật liệu thiên nhiên

Từ thực tế các sản phẩm nhựa khó phân hủy, tác động làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhóm SV Khoa Cơ khí Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng gồm: Đặng Hữu Tài, Mai Xuân Sơn, Phan Tấn Sang, Hồ Văn Lý với sự hướng dẫn của TS. Bùi Hệ Thống đã thiết kế, chế tạo Máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện môi trường.

Đại diện nhóm SV cho biết, các bộ phận máy ép gồm hệ thống sinh lực và điều khiển thủy lực, hệ thống gia nhiệt, hệ thống làm sạch bằng khí nén và khử khuẩn bằng tia cực tím (UV).

Việc sử dụng các vật liệu thiên nhiên như mo dừa, mo cau, lá chuối, lá sen, lá bàng… làm nguyên liệu ép thành chén, đĩa cho các sản phẩm dễ dàng sử dụng, phân hủy khi dùng xong với chu trình kinh tế tuần hoàn, chi phí thấp, giúp bảo vệ môi trường, thúc đẩy lối sống xanh cho xã hội.

Thời gian đến, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, nắm bắt nhu cầu thị trường để có mức giá phù hợp hơn nữa với đa số người tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt thị hiếu, nhu cầu của nhiều khách hàng.

QUẾ LÂM