Nhật Bản dùng AI chống vi phạm bản quyền công nghiệp văn hóa
(QNO) - Mỗi năm, vi phạm bản quyền trong các ngành công nghiệp anime (phim hoạt hình) và manga (truyện tranh) khiến Nhật Bản thất thoát hàng tỷ USD.
Các bộ phim anime Nhật Bản ngày càng gây tiếng vang toàn cầu, mang về hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp văn hóa - giải trí xứ hoa anh đào trong khi manga là ngành công nghiệp truyện tranh lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất tại Nhật Bản phát hiện có ít nhất 1.000 trang web cung cấp nội dung Nhật Bản miễn phí bất hợp pháp hiện nay, chủ yếu là tiểu thuyết đồ họa manga nổi tiếng toàn cầu khiến cường quốc văn hóa đại chúng này mất hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm.
Thống kê, khoảng 70% các trang web vi phạm bản quyền cung cấp nội dung tiếng Nhật hoạt động bằng các ngôn ngữ nước ngoài bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung...
Nhưng theo chương trình thí điểm trị giá 300 triệu yên (2 triệu USD) do ngành văn hóa Nhật Bản đề xuất, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tìm kiếm các trang web vi phạm bản quyền sách manga và anime trên web bằng cách sử dụng hệ thống phát hiện hình ảnh và văn bản.
Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản cho biết: "Người nắm giữ bản quyền dành rất nhiều nguồn nhân lực để cố gắng phát hiện thủ công nội dung vi phạm bản quyền trực tuyến và rất khó có thể theo kịp nội dung bất hợp pháp liên tục gia tăng qua nhiều kênh khác nhau".
Sáng kiến của ngành văn hóa Nhật Bản chính thức nằm trong yêu cầu ngân sách bổ sung của cơ quan cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025.
Giới chức ngành văn hóa của Nhật Bản cho biết sáng kiến sử dụng AI để truy quét vi phạm bản quyền trong ngành công nghiệp anime và manga lấy cảm hứng từ một dự án tương tự ở Hàn Quốc. Nếu thành công, sáng kiến này có thể áp dụng cho phim và nhạc chia sẻ bất hợp pháp.
Nhật Bản - nơi khai sinh ra bộ truyện tranh và phim hoạt hình sử thi như "Dragon Ball" (tạm dịch: 7 viên Ngọc Rồng) và các thương hiệu trò chơi điện tử từ Super Mario đến Final Fantasy xem các ngành công nghiệp sáng tạo là động lực tăng trưởng ngang bằng với các ngành công nghiệp thép và chất bán dẫn.
Vào năm 2022, các ngành game (trò chơi), anime và manga của Nhật Bản thu về 4.700 tỷ yên từ nước ngoài - gần bằng xuất khẩu vi mạch ở mức 5.700 nghìn tỷ yên, theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản.
Trong chiến lược "Cool Japan" (Nhật Bản thú vị) sửa đổi công bố vào tháng 6 vừa qua nhằm quảng bá và thương mại hóa văn hóa Nhật Bản ở nước ngoài (qua anime, manga, game, thời trang, ẩm thực, âm nhạc, văn hóa...), Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu các tài sản văn hóa lên 20 nghìn tỷ yên vào năm 2033.