Giảm nghèo - An sinh

Điểm sáng giảm nghèo ở xã miền núi Tam Sơn

ĐÔNG YÊN 05/12/2024 11:00

(QNO) - An cư mới lạc nghiệp, đó là chủ trương, mục tiêu hướng đến để thực hiện hiệu quả bài toán giảm nghèo ở xã miền núi Tam Sơn (huyện Núi Thành). Từ đó, Tam Sơn trở thành điểm sáng của Núi Thành trong công tác giảm nghèo.

xoa nha tam
Xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo đang được xã Tam Sơn triển khai mạnh mẽ khi huy động được cả nguồn lực xã hội. Ảnh: H.Đ

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn Trần Công Hiệu, khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững ở miền núi chính là việc người dân khó có cơ hội xây dựng nhà cửa kiên cố và có việc làm thu nhập cao. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, Đảng ủy, UBND xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, các Hội Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên xã Tam Sơn xây dựng kế hoạch giúp hội viên, đoàn viên khó khăn. Hằng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn thôn, triển khai sâu rộng đến từng tổ đoàn kết để có phương án giúp đỡ.

Để giải quyết chuyện an cư cho người dân, chính quyền đã vận dụng chính sách xóa nhà tạm và kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo. Riêng năm 2024, đã phê duyệt hưởng hỗ trợ Nghị quyết 13 quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 là 32 nhà, trong đó, có 18 nhà có công cách mạng, 14 nhà thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Nguyễn Công Lộc (thôn Thuận Yên Đông) cho biết, khi bị tai nạn lao động mất đi cánh tay phải cũng là lúc giấc mơ xây căn nhà mới phải dừng lại vì không thể làm ra tiền. Nhưng may mắn khi ông được chính quyền xác định là hộ nghèo cần hỗ trợ gấp về nhà ở và hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà.

“Mất đi cánh tay nên sinh hoạt, lao động gì cũng khó khăn nên mới rơi vào hộ nghèo. Nay có nhà khang trang rồi thì không còn lo nghĩ chuyện trời mưa bị dột ướt và tôi sẽ cố gắng làm lụng để trang trải cuộc sống. Cũng hy vọng mình đủ sức khỏe mà thoát nghèo để xứng đáng với những hỗ trợ từ nhà nước” - ông Lộc nói.

dscf7726.jpg
Xã Tam Sơn không còn nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: H.Đ

Năm 2014, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 20 nhà mới, số còn lại đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 12 này với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Điều đáng mừng là sự tích cực vận động, kêu gọi hỗ trợ nên trong năm nay chúng tôi đã được hỗ trợ xây 6 căn nhà từ đóng góp của các nhà hảo tâm. Đây là điểm sáng trong công tác xóa nhà tạm của địa phương khi đã huy động nguồn lực từ xã hội, tạo nên phong trào đoàn kết, lá lành đùm lá rách”

Ông Trần Công Hiệu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn.

Ông Trần Công Hiệu chia sẻ, “bí quyết” trong công tác giảm nghèo của địa phương còn nằm ở việc chủ động trong chương trình giảm nghèo, phân công nhiệm vụ sát đúng cho thành viên ban chỉ đạo, nắm chắc nguyên nhân nghèo của từng hộ.

Từ đó có phương pháp trợ giúp kịp thời và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về thoát nghèo. Sau đó, chính quyền sẽ xác định các hộ có ý chí để hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn, phát triển kinh tế. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững.

Bà Đặng Thị Đạo (thôn Mỹ Đông) cho biết, khi chính quyền phổ biến Nghị quyết 13 thì bà đăng ký ngay bởi nhận thức các chính sách ưu đãi làm trợ lực để gia đình làm kinh tế.

“Ngoài việc được vay vốn học sinh, sinh viên cho con cái đi học thì tôi được hỗ trợ vay 50 triệu đồng trong 3 năm để làm kinh tế và được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Nhờ đó mà gia đình có điều kiện để trồng rừng và chăn nuôi heo. Cả nhà cùng làm, cùng tiết kiệm thì không giàu có nhưng chắc chắn thoát nghèo và đủ sống ở vùng miền núi này” - bà Đạo nói.

tam-son-5.jpg
Từ một xã thuộc chính sách 135 đến nay Tam Sơn đã trở thành xã nông thôn mới với tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%. Ảnh: H.Đ

Theo UBND xã Tam Sơn, trong 5 năm qua, toàn xã có 30 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững đã được vay vốn hưởng chính sách tín dụng với dư nợ 1,4 tỷ đồng, có 26 hộ hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục, có 58 hộ hưởng chính sách về bảo hiểm y tế.

Nhìn chung 100% hộ đủ điều kiện hưởng chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 đều được thực hiện đúng, đủ chính sách, các hộ vận dụng khá tốt chính sách vào đời sống để triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, chính quyền cũng phối hợp với các ban, ngành ở huyện, tỉnh tổ chức tư vấn đối thoại với nhân dân về chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề, tổ chức các lớp tập huấn trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, và giới thiệu kinh nghiệm làm ăn, mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn để nhân rộng...

“Điều quan trọng là từ các chủ trương, chính sách nói trên đã thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về tính trông chờ, ỷ lại và tư tưởng không muốn thoát nghèo. Nhờ đó mà kết quả giảm nghèo có chuyển biến tích cực khi Tam Sơn từ một xã thuộc diện khó khăn của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2024 chúng tôi giảm được 4 hộ nghèo, toàn xã còn có 55 hộ nghèo với lệ 3,85%, vượt chỉ tiêu huyện giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm và trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát” - ông Trần Công Hiệu cho biết.

ĐÔNG YÊN