Quy hoạch - Đầu tư

Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình: Cần kết nối hạ tầng đồng bộ

MINH TÂN 05/12/2024 08:06

Tránh chồng chéo, phải có tính chiến lược và đảm bảo liên kết giữa đô thị với nông thôn, phát triển du lịch với phát triển đô thị; đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch… Đó là những góp ý được đưa ra tại hội nghị phản biện dự thảo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/10.000) khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và Thăng Bình (giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045) do Mặt trận huyện Thăng Bình vừa tổ chức. Đồ án do Sở Xây dựng thực hiện.

untitled5.jpg
Khu vực sông Trường Giang đoạn qua huyện Thăng Bình có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Ảnh: M.T

Hai trục không gian chính

Theo đồ án, phạm vị quy hoạch có diện tích hơn 12.600ha, gồm các xã Duy Thành, Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên); Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều, Bình Đào, Bình Minh (Thăng Bình). Phía Bắc giáp TP.Hội An; phía Đông giáp Biển Đông; phía Nam giáp xã Bình Sa, Bình Hải (Thăng Bình); phía Tây giáp xã Bình Phục (Thăng Bình) và thị trấn Hương An (Quế Sơn).

Là khu chức năng phát triển dịch vụ, du lịch gắn với phát triển đô thị và nông thôn; tạo tiền đề liên kết phát triển với không gian dọc theo tuyến quốc lộ 1 và khu vực phía Tây của tỉnh, đồng thời làm cơ sở hình thành vệt du lịch ven biển Quảng Nam từ Điện Bàn - Hội An đến Tam Kỳ - Núi Thành.

Ông Nguyễn Hiệp Định - đại diện đơn vi tư vấn soạn thảo đồ án cho biết, cấu trúc phát triển không gian khu vực được định hướng phát triển theo mô hình “Hai trục đồng hành và một vành đai xanh sinh thái”.

Với hai trục không gian chính là trục không gian đô thị - dịch vụ - du lịch dọc theo ven biển và đường Võ Chí Công; trục hành lang đô thị - công nghiệp - sinh thái dọc tuyến phía Tây sông Trường Giang. Vành đai xanh là khoảng không gian ven các sông Thu Bồn, sông Trường Giang, ven biển bao quanh là không gian cảnh quan, sinh thái tạo thành một đô thị xanh - văn minh - hiện đại.

z5979059282015_4c9b25c80a0d1bd1a501f71b8d9a6cf1.jpg
Ông Nguyễn Hiệp Định - đại diện đơn vi tư vấn trình bày đồ án. Ảnh: M.T

Đồ án còn hình thành 3 khu vực để thúc đẩy phát triển gồm: khu vực 1 là vùng không gian ven biển, ven sông; khu vực 2 là vùng lõi xanh hành lang sinh thái sông Trường Giang và khu vực 3 là vùng đệm (chuyển tiếp từ vùng đô thị, công nghiệp đến vùng đô thị, du lịch).

Cần đầu tư hạ tầng đồng bộ

Tại hội nghị phản biện, các đại biểu cho rằng đồ án phải đồng bộ với các quy hoạch, dự án đã và đang triển khai tại huyện Thăng Bình như: Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình, giai đoạn đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị Bình Minh; đồng thời, tạo đòn bẩy để khai thác các giá trị văn hóa và du lịch tại địa phương như khu di tích Lăng Bà Chợ Được, lễ hội cầu ngư…

Ông Nguyễn Tấn Quất - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh đề nghị cần đánh giá lại hiện trạng sử dụng điện của quy mô đô thị và dự báo nhu cầu sử dụng điện trong thời gian đến; đồng thời giữ vệt cây xanh ven biển, đầu tư xây dựng bến xe Bình Minh, có phương án xử lý nước thải ra môi trường biển; quy hoạch về y tế, trường học… phù hợp với quy mô dân số tại các địa phương.

Ông Đặng Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương cho rằng, ở khu vực 2 vùng lõi xanh - hành lang sinh thái sông Trường Giang thì vị trí và định hướng phát triển của đồ án chỉ tập trung tại khu vực xã Duy Thành, Duy Vinh (Duy Xuyên), chưa đề cập đến các xã ven sông Trường Giang như Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào và Bình Triều (Thăng Bình).

464871157_565910049283333_98576146084917153_n.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị phản biện góp ý, hoàn thiện vào đồ án. Ảnh: M.T

Ông Hùng đề nghị cần khảo sát, đánh giá và đưa các xã ven sông Trường Giang qua địa phận Thăng Bình vào khu vực vùng lõi xanh - hành lang sinh thái sông Trường Giang để hình thành chuỗi du lịch ven sông, ven biển khớp nối với khu vực số 1.

Ngoài ra, cần mở rộng các tuyến giao thông hiện có, kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch như đường Võ Chí Công, quốc lộ 14E nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch, công nghiệp, đi lại của nhân dân. Đặc biệt ưu tiên phân kỳ đầu tư các công trình nhưng phải đồng bộ cơ sở hạ tầng và các hạng mục thiết yếu để đồ án sớm được triển khai.

Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng) cho biết, theo đồ án, đến năm 2045 khu vực trong quy hoạch sẽ trở thành đô thị trung tâm phía đông bắc tỉnh Quảng Nam. Là điểm du lịch mới của khu vực miền Trung và là trung tâm công nghệ đổi mới sáng tạo của khu vực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ khu vực hành lang sông Trường Giang, sông Thu Bồn trở thành không gian xanh đô thị, là chuỗi liên hoàn các công viên sinh thái.

“Sẽ mở rộng, phát triển thêm ở phía Đông các tuyến đường giao thông và cống, mương thoát nước để thuận lợi cho việc giao thương và xử lý nước thải, nước mưa, tránh ngập úng” - ông Bùi Anh Tuấn cho biết.

MINH TÂN