Thủy sản

Nuôi cá chình thương phẩm trong hồ xi măng ở vùng Tây Núi Thành

VĂN PHIN 05/12/2024 09:17

Tận dụng nguồn nước tự chảy, một số hộ dân xã miền núi Tam Sơn (Núi Thành) xây hồ xi măng nuôi cá chình thương phẩm và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao…

Ông Hùng với cá chình nuôi. Ảnh V.P
Mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng. Ảnh: V.P

Ông Nguyễn Đại Hưng, thôn Thuận Yên Tây (xã Tam Sơn) xây hồ xi măng rộng khoảng 50m2 và thả nuôi cá chình từ năm 2022. Qua gần một năm nuôi, ông bắt đầu xuất bán cá chình thương phẩm, trọng lượng bình quân mỗi con khoảng 1kg, bán ra thị trường với giá 450 nghìn đồng/kg. Năm 2024, ông đã bán 20 con, thu về 9 triệu đồng.

Ông Hưng chia sẻ: “Nuôi cá chình có tính an toàn cao mà không tốn nhiều về chi phí. Để có trùn quế, tôi tự xây 2 ô đất để nuôi, mỗi ô rộng 15m2, dùng phân bò cho trùn quế ăn và sau đó tận dụng trùn quế làm thức ăn cho cá chình”.

Thấy được thế mạnh về nguồn nước tự chảy và thực tế qua nuôi cá chình ở miền núi Tam Sơn, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện Núi Thành đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng” năm 2024 tại địa phương này.

Cá chình trong mô hình. Ảnh V.P
Kiểm tra cá chình nuôi. Ảnh: V.P

Có 3 hộ tham gia thả nuôi 420 con cá chình giống trên diện tích 150m2 hồ xi măng. Trung tâm hỗ trợ con giống với giá mua 100 nghìn đồng/con và cung cấp một phần thức ăn để thực hiện mô hình.

Ông Lương Văn Hưng - chuyên viên Trung tâm KTNN Núi Thành cho biết, giá bán cá chình thương phẩm dao động từ 500 - 600 nghìn đồng/kg và luôn có đầu ra ổn định. Qua thực tế ở nhiều nơi, việc sử dụng bể xi măng để nuôi cá chình có nhiều ưu điểm vượt trội. Số lượng cá không bị thất thoát, khâu nuôi đơn giản, bể xi măng nuôi được nhiều lần.

Mô hình nuôi cá chính trong hồ xi măng ở Tam Sơn được thực hiện từ tháng 5/2024, đến nay qua 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 500g/con, tỷ lệ cá sống đạt 95%.

Cá chình nuôi trong hồ xi măng. Ảnh V.P
Cá chình nuôi trong hồ xi măng. Ảnh: V.P

Tuy nhiên, cá chình nước ngọt là loại cá cần môi trường nước tự nhiên nên theo ông Lương Văn Hưng - chuyên viên Trung tâm KTNN Núi Thành, ngoài việc sử dụng nguồn nước tự chảy phải chuẩn bị kỹ lưỡng hồ nuôi xi măng.

Trường hợp hồ mới nuôi lần đầu, cần đưa nước vào vài lần để rửa và kiểm tra nồng độ pH của nước. Trường hợp hồ đã nuôi trước đó thì tiến hành tháo cạn nước, rửa sạch, tạt đều vôi bột, phơi nắng 1 - 2 ngày, đưa nước vào đầy bể và ngâm 4 - 5 tiếng, sau đó tháo cạn nước để cấp nước mới vào thả cá chình giống...

Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết: “Địa phương có lợi thế về nguồn nước tự chảy và nguồn nuôi trùn quế, cá vụn dồi dào nên có thể nhân rộng mô hình nuôi cá chình trong hồ xi măng trong thời gian tới”.

Từ thực tế qua nuôi cá chình ở miền núi Tam Sơn, Trung tâm KTNN Núi Thành đề nghị UBND huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí và chính quyền các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhân rộng mô hình, tạo nguồn sinh kế ổn định.

VĂN PHIN